Cà phê lên giá, chưa biết người mua và người tiêu thụ chịu trả tiền cao thế nào, nhưng nhà vườn chịu thiệt trước vì cước vận tải cao.
Cà phê London “vắt giá”
Ngày giao dịch cuối tuần trước 25-6 , sàn cà phê robusta chính thức đưa tháng 7-2021 trở thành tháng giao hàng. Thông thường, áp lực thanh lý bán trước và trên ngày ấy rất mạnh nên hay gây áp lực giá xuống. Nhưng lần này thì không.
Chỉ trong ba phiên cuối tuần, giá kỳ hạn tháng 7-2021 từ 1.565 lên đến 1.745 đô la Mỹ/tấn, là mức cao nhất tính từ tháng 10-2019. Riêng ngày 25-6, sàn London tăng 114 đô la để đóng cửa tại 1.699 đô la/tấn. Chính vì thế, trên sàn này đã xuất hiện hiện tượng “vắt giá” hay còn gọi là nghịch đảo (inverted) tức giá tháng giao ngay cao hơn các kỳ hạn sau. Như vậy, trước đó giá kỳ hạn tháng 9-2021 cao hơn tháng giao ngay từ 25-35 đô la/tấn thì nay thấp hơn đến 20 đô la khi đóng cửa chốt tại 1.679 đô la/tấn.
Vắt giá lần này được biểu hiện rất đặc trưng. Tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn robusta giảm liên tục từ cuối tháng 5-2021 đến nay, từ 160.000 tấn cuối tháng 5 đến nay còn 151.810 tấn. Các nhà kinh doanh thấy trước và lo lượng tồn kho này còn giảm tiếp trong những ngày tới cho đến khi sàn London chứng minh cho thị trường biết đã có lượng hàng đạt chuẩn mới đến kho do sàn chỉ định một cách đều đặn.
Sau thời gian mấy tháng ròng, dù các nhà kinh doanh nôn nóng muốn giao hàng nhưng đều được trả lời thiếu container rỗng cộng thêm giá cước quá cao. Tuần qua, giá cước tàu biển lại tăng thêm một đợt chóng mặt. Báo The Loadstar ngày 25-6-2021 cho biết giá cước mỗi container 40 feet từ Trung Quốc sang Bắc Âu lên đến 20.000 đô la/thùng và sang bờ Tây Hoa Kỳ chạm 25.000 đô la/thùng.
Bài báo còn cho biết bình quân cước tàu cho mỗi container 40 feet đi tháng 7-2021 của 5 hãng tàu biển là 21.000 đô la/thùng và từ các cảng Trung Quốc sang Felixstone và Southampton (Anh Quốc), người giao hàng phải trả bình quân 18.000 đô la Mỹ/thùng(*). Không chỉ từ Việt Nam, ngay Indonesia đã có cà phê vụ mới ra thị trường, nhưng vẫn kẹt cứng vì tình trạng vận tải khó khăn và đắt đỏ như đã nói.
Hàng tại kho do sàn phái sinh London chỉ định giảm đã đành, áp lực bán hàng thực tháng 7-2021 cũng biến đâu mất. Thật ra, các nhà xuất khẩu đã chốt bán tự lúc nào, có khi 1.450, có khi 1.550 đô la/tấn. Nếu thế thì họ hụt mất chừng vài ba trăm đô la/tấn. Ngược lại, nếu như ai còn thiếu hàng giao kỳ hạn tháng 7-2021 cũng sẽ chịu không ít thua lỗ do phải mua giá cao để giao cho kịp theo quy định của sàn kỳ hạn. Trường hợp này là những nhà đầu cơ đã cả gan bán khống trước.
Giá cà phê lên, có đủ trả tiền tàu?
Nghe thì hấp dẫn vậy, nhưng các nhà xuất khẩu đã chuyển sang giao dịch các kỳ hạn sau, tức từ tháng 9-2021 trở đi và không được hưởng lợi trực tiếp từ hiện tượng vắt giá trên.
Tuy nhiên, nếu áp lực mua càng mạnh, giá càng tăng cao và chênh lệch do vắt giá tạo nên càng rộng. Nhờ vậy, giá kỳ hạn tháng 9 trở đi có cơ hội ăn theo theo đúng nghĩa “ăn theo”mà thôi.
Đóng cửa tháng 9-2021 cuối tuần của sàn London ở mức 1.679 đô la/tấn đã giúp cho cà phê nguyên liệu trong nước vượt qua 36 triệu đồng/tấn, mức mới được thấy lại từ giữa năm 2018.
Đối với người mua, cứ mỗi đợt giá tăng chính là lúc họ trả giá xuất khẩu xuống dần. Nếu so thời điểm này năm ngoái, giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen bể, được trả mức cộng 200-220 đô la/tấn cao hơn giá niêm yết thì nay xuống dưới giá niêm yết rất sâu, dễ chừng mươi mười lăm năm mới thấy lại, tại -130/-150 đô la/tấn dưới giá London, tức giá xuất khẩu tính trên giá chênh lệch giữa cảng nước xuất khẩu với sàn phái sinh sau một năm giảm đến 350 đô la/tấn.
Giá sàn phái sinh tăng, nhà vườn phấn khởi, nhưng giá xuất khẩu phải chịu mức trừ. Một chủ vườn tại Đắk Nông chua chát nói: “Giá quốc tế tăng thì tốt, nhưng chỉ vừa đủ để trả tiền vận tải khi người mua tìm cách vặn giá xuống để trả các chi phí phát sinh như thuê kho bãi và cước tàu…”
“Vắt giá” thường tạo cơ hội cho giá tăng nhờ áp lực mua trên sàn, nhưng đúng đợt này vắt giá tăng, nếu như nhà vườn có được chút lợi nào đó thì cũng bằng huề vì giá xuất khẩu đang bị siết sâu xuống âm. Cà phê lên giá, chưa biết người mua và người tiêu thụ chịu trả tiền cao thế nào, nhưng nhà vườn chịu thiệt trước vì cước vận tải cao nên giá xuất khẩu phải bị trừ…”, một thương nhân tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nói.
-------------
(*) Shipper Fury as Container Freight Rates Soar”, The Loadstar 25-6-2021.