Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7 đạt 50 nghìn tấn, trị giá 324 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 12% về trị giá so với tháng 6 và tăng 20% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với tháng 7/2020.
Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều ước đạt 324 nghìn tấn, trị giá gần 2 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo xuất khẩu hạt điều trong quý III tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường Mỹ, châu Âu tăng theo yếu tố chu kỳ.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, vận chuyển hạt điều của nước ta.
Tình trạng thiếu container rỗng nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới, giá cước vận chuyển cao được dự báo sẽ kéo dài sang tận năm 2022.

Xuất khẩu điều quý III vướng nhiều yếu tố không thuận lợi - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy điều phải đóng cửa, giảm công suất vì dịch COVID-19 (Ảnh: Báo Công luận)

Để bù đắp cho sự sụt giảm, ngành điều Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khu vực châu Á khác.
Trong quý II, cơ cấu xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có sự chuyển dịch. Tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Mỹ, châu Âu giảm, trong khi xuất khẩu sang một số thị trường châu Á tăng, điển hình là Trung Quốc. 
Theo Hiệp hội điều Việt Nam, thị trường điều nhân khá im ắng, nhiều khách hàng nước ngoài có hỏi chào giá nhưng chưa mua.
Nhiều đối tác lo lắng về việc nhà máy không giao được do phong tỏa thì sẽ khó đôi đường, họ cần chờ khoảng 2 tuần xem khả năng xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa của các nhà máy khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cước tàu tiếp tục tăng cao hơn trong tháng 8, nhiều tàu ở cảng Cái Mép đang phải chờ ngoài khơi để vào lấy hàng do cảng Cái Mép đang kẹt.
Đây cũng là yếu tố không thuận lợi khi các nhà máy mong muốn bán giá cao. Do nhiều nhà máy chế biến điều nằm tại các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 nên việc chế biến, xuất khẩu điều sẽ bị chậm lại.
Nhiều nhà máy phải đóng cửa do không thực hiện được quy định "3 tại chỗ" hoặc không đủ điều kiện đảm bảo an toàn mùa dịch theo quy định của cơ quan chức năng. Nhiều nhà máy phải giảm công suất 30 - 50%.
Một số khách hàng nước ngoài lo lắng việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn và bị chậm hơn dự kiến.
Hiện nay đối tác Âu Mỹ đang tích cực xây dựng tồn kho để phòng chống thiếu hụt thực phẩm như năm 2020. Các kho hàng ở Mỹ đầy ắp các loại nhu yếu phẩm. Nhiều nhà nhập khẩu không có chỗ chứa hàng, phải lưu container lâu và trả cước rất cao.
Hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu e ngại cước tàu các tháng tới tăng cao, không thể dự tính được nên muốn chào cho siêu thị/nhà chiên rang theo giá FOB hoặc giá chưa bao gồm cước vận chuyển nhưng siêu thị/nhà chiên rang chỉ mua giá CNF giao tới nhà máy nên các nhà nhập khẩu không muốn lỗ thêm.
Đây là một trong nhưng nguyên nhân họ chậm trong việc mua thêm hàng gần đây. Tuy nhiên có một số nhà nhập khẩu vẫn đầu cơ, tích trữ hàng để mong bán giá cao sau này vì họ dự tính COVID-19 sẽ làm thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam.

Nguồn: doanhnghiep.vn