Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 3,1% lên 4.237 ringgit (953,42 USD) /tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này ở mức 4.209 ringgit (946,91 USD)/tấn.
Theo công ty khảo sát hàng hoá Intertek Testing Service và công ty giám định độc lập AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 8/2022 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ tháng trước.
Tuy nhiên, nhà khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance đã báo cáo xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia giảm 16,1% trong cùng giai đoạn, từ 397.140 tấn xuống 333.277 tấn.
Dữ liệu từ Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho thấy, tồn kho dầu cọ của nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới này vào cuối tháng 7/2022 đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng do sản lượng cải thiện và nhập khẩu tăng vọt.
Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), đối thủ cạnh tranh đã xuất khẩu 2,33 triệu tấn dầu cọ và các sản phẩm tinh chế trong tháng 6/2022, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp giảm lượng dự trữ của nước này xuống 6,68 triệu tấn vào cuối tháng 6, từ mức 7,23 triệu tấn trong tháng 5/2022.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,38%, giá dầu cọ cũng tăng 1,3%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,68%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 11/8 theo đà đi lên của Phố Wall, sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ hạ nhiệt so với dự báo làm giảm một số áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang, trong khi đồng USD vẫn giảm sau đợt lao dốc mạnh nhất trong 5 tháng.
Giá dầu giảm trong đầu phiên giao dịch tại châu Á, do các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung có khả năng được cải thiện cùng với lo ngại nhu cầu yếu hơn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters