Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Ninh Bình giá heo hơi tăng 2.000 đồng/kg lên mức 51.000 đồng/kg. Ngược lại, tại tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giá heo lại giảm 2.000 đồng/kg xuống 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg. Còn giá heo tại tỉnh Lào Cai, Bắc Giang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg.
Các địa phương như Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên giá heo hơi đi ngang, hiện ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg. Tại tỉnh Yên Bái, Hà Nam, Nam Định được thu mua với mức 49.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa giá heo hơi báo giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Quảng Nam giá heo giảm 1.000 đồng/kg xuống 51.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 50.000 - 51.000 đồng/kg. Tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Quảng Trị, Huế, Ninh Thuận giá heo ở mức thấp hơn 48.000 - 49.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, toàn miền có duy nhất giá heo hơi ở tỉnh Kiên Giang giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 50.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng giá heo hơi đang ở mức thấp hơn 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi mong chi phí đầu vào ổn định
Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đến nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi và giá cả bấp bênh, người nuôi heo trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dễ (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết, gia đình ông nuôi gần 20 con heo thịt, vừa được thương lái báo giá 5,1 triệu đồng/tạ. Với giá này, ông không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu heo không đạt trọng lượng. Ông Dễ chia sẻ: “Thức ăn cho heo lúc trước chỉ khoảng 200.000 đồng/bao, bây giờ lên trên 300.000 đồng/bao. Với giá heo thấp như hiện nay, có thể tôi sẽ không tái đàn”.
Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Nếu không có giải pháp giảm giá thức ăn, các hộ chăn nuôi sẽ khó có thể tiếp tục tái đàn hay tăng đàn. Theo ông Trần Văn Bình (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ), đang nuôi gần 30 con heo thịt, ông vay ngân hàng và người thân gần 400 triệu đồng để đầu tư trang trại và chăn nuôi nhưng giá heo xuống thấp. Thời gian qua, ông phải “gồng mình” chống chọi. “Thời gian tới, tôi mong muốn giá thức ăn chăn nuôi giảm xuống và bình ổn để người chăn nuôi bớt khó khăn” - ông Bình bày tỏ.
Đa phần hộ chăn nuôi sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất hoặc “gối đầu” thức ăn chăn nuôi của đại lý. Tuy nhiên, nợ “gối đầu” cũng được các đại lý cân nhắc rất kỹ, tùy mức độ thân quen, uy tín và tiềm lực kinh tế. Khi thua lỗ kéo dài, nguồn vốn ngày càng cạn kiệt, người chăn nuôi khó chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác. Do đó, giải pháp trước hết mà các hộ chăn nuôi mong muốn chính là ổn định chi phí đầu vào để có thể tiếp tục sản xuất.

Nguồn: tieudung.vn