Tại miền Bắc giá xuống còn 40.000 đ/kg
Giá lợn hơi tại Bắc Giang giảm mạnh 3.000 đ/kg xuống 40.000 đồng; Phú Thọ giảm 1.000 đ/kg, xuống 40.000 đồng. Các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, giá đồng loạt giảm 2.000 đ/kg xuống 43.000 đồng.
Tại Thái Bình, giá lợn giảm 1.000 đồng xuống 41.000 đ/kg. Những địa phương khác như Hưng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc ... giá lợn hơi dao động trong khoảng 41.000 - 43.000 đ/kg.
Như vậy, giá lợn tại khu vực tiếp tục giảm sâu, trung bình đạt khoảng 42.000 đ/kg. Giá lợn giống cũng xuống còn 1,25 triệu đồng/con loại 7 - 8 kg.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF), đã ghi nhận thêm các ổ dịch mới tại Kim Bảng (Hà Nam - thủ phủ nuôi lợn của miền Bắc). Theo đó, ổ dịch được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng với toàn bộ 15 con lợn dương tính với virus ASF. Khả năng Bắc Giang, Long Biên là nơi tiếp theo công bố bùng phát dịch bệnh.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá giảm tới 3.000 đồng
Thừa Thiên Huế là địa phương ghi nhận mức giảm 3.000 đ/kg, xuống còn 46.000 đ/kg. Tại Quảng Trị, giá giảm 2.000 đồng xuống 47.000 đ/kg.
Giá lợn hơi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục xu hướng giảm dần dưới tác động của dịch ASF tại miền Bắc. Khu vực Nam Trung Bộ giá lợn vẫn dao động trong khoảng 44.000 - 49.000 đ/kg. Tại Đắk Lắk, Lâm Đồng lợn hơi vẫn được thu mua trong khoảng 50.000 - 51.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm trên diện rộng ngày thứ ba liên tiếp
Giá lợn hơi tại Bến Tre giảm mạnh 3.000 đồng xuống 49.000 đ/kg. Đồng Tháp, Trà Vinh, Vũng Tàu cũng giảm 1.000 đồng xuống 49.000 - 52.000 đ/kg.
Đồng Nai, thủ phủ nuôi lợn miền Nam cũng tiếp tục xu hướng giảm, xuống còn 49.000 - 51.000 đ/kg. TP HCM, Bình Dương, Hậu Giang, Bình Phước, Cần Thơ lợn hơi đang được giao dịch trong khoảng 50.000 - 53.000 đ/kg.
Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang giá lợn hơi vẫn đạt mức 54.000 - 56.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, giá lợn hơi tại đây trung bình vẫn đạt trên 50.000 đồng.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 28/2/2019 đạt 5.450 con và tình hình buôn bán của thương lái không tốt.
Dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan rộng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng.
Theo Báo Chính Phủ, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương về diễn biến và các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi sáng 28/2/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp dập, khống chế, không để dịch tiếp tục lây lan.
Trên thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng, đã có hơn 1 triệu con heo buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và FAO, từ ngày 3/8/2018 đến 26/2/2019, đã có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh. Hơn 950.000 con heo buộc phải tiêu hủy.
Theo báo cáo cập nhật của Bộ NN&PTNT, ở nước ta, từ ngày 1 - 27/2/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con với tổng trọng lượng hơn 172.500 kg.
Công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng, chống dịch bệnh được thực hiện một cách chủ động, tích cực ngày từ tháng 8/2018. Đây cũng là thời điểm Trung Quốc thông báo xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Sau khi được các địa phương báo cáo hiện tượng xâm nhiễm bệnh, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nhiều lần trực tiếp đến các ổ dịch tại các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Công điện khẩn; tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác ở động vật trên cạn tại các địa phương.
Chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố có dịch đã khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ để khống chế, kiểm soát dịch bệnh theo quy định. Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo công tác xử lý theo đúng quy trình đối với các ổ dịch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên heo, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng.
Nếu không có các biện pháp tập trung quyết liệt và hiệu quả thì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là người chăn nuôi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước hết, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh; không hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch.
Đồng thời, các cơ quan cần bảo đảm an toàn sinh học, ngăn chặn, phòng, chống bệnh lây lan sang các địa phương khác. Cùng với đó, tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới và từ các vùng có dịch sang vùng chưa bị xâm nhiễm.
Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền, cấp ủy, các đoàn thể và nhân dân ở cơ sở.
Cụ thể, cần thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở. Xây dựng các phương án, kịch bản cho các tình huống khác nhau để kịp thời ứng phó, xử lý.
Cùng với đó, cần huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và điều kiện làm việc cho ngành thú y và các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Để chia sẻ khó khăn và động viên người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước mắt chủ động hỗ trợ theo thẩm quyền. Yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chủ động đề xuất phương án, bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân một cách kịp thời.
Yêu cầu các bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ của mình cùng vào cuộc một cách quyết liệt, khẩn trương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành chăn nuôi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương chuẩn bị, tổ chức Hội nghị trực tuyến do lãnh đạo Chính phủ chủ trì vào đầu tuần tới, với sự tham gia của các bộ, ngành và các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz