Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ cuối năm 2020 đến nay, đã có 6 lần thức ăn chăn nuôi tăng giá với lợn và gia cầm. Nghĩa là tháng nào cũng có một đợt tăng giá. Trong đó, đợt tháng 3 vừa qua, mức tăng cao nhất, từ 300 - 500 đồng/kg.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng vù vù, nông dân bắt buộc giảm đàn
Tổng cộng sau 6 lần tăng, giá thức ăn chăn nuôi của các nhà máy ở Đồng Nai đã tăng từ 1.300 - 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa dừng lại khi mới đây, một số DN cung cấp thức ăn chăn nuôi cho biết, có thể sẽ có thêm đợt điều chỉnh giá bán trong tháng 5 này.
Mức giá thức ăn chăn nuôi tăng dự kiến cũng từ 300 - 500 đồng/kg. 
"Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước thường nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu, phục vụ cho sản xuất từ 6 tháng, thậm chí cho cả năm. Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi trong nước khó có thể giảm". 
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, dù giá thức ăn vẫn đang tăng liên tục, giá lợn tại các trại nuôi lại giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Hiện, giá lợn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P ở mức 69.500 đồng/kg; giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước.
Tiêu thụ lợn hơi ở Đồng Nai thời gian qua cũng khá chậm. Theo ông Đoán, việc các quán ăn, nhà hàng, trường học… tại TP.HCM đóng cửa đã khiến lượng tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh.
"Chi phí đầu vào cao, giá đầu ra lại thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi tại thủ phủ Đồng Nai chủ động giảm đàn" - ông Đoán nói.
Ông Trần Quý Thuận - hộ chăn nuôi lợn ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, từ năm 2017, ông đã đầu tư chăn nuôi trại lạnh để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế các rủi ro trước dịch bệnh. Thế nhưng, khi đã giải quyết được vấn đề dịch bệnh thì từ cuối năm 2020 đến nay, ông Thuận phải đối mặt với tình trạng giá cám và cả giá con giống tăng mạnh.
Trước đây, trại của ông có gần 100 lợn nái và trên 600 lợn thịt. Hiện tại, ông Thuận đã chủ động giảm đàn, chỉ còn trên 100 con lợn thịt. Việc nuôi heo nái ở trại ông Thuận cũng chỉ cầm chừng, đủ cung cấp con giống cho trại với số lượng hạn chế.
Nguy cơ thiếu thịt
Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc nhiều hộ chăn nuôi giảm đàn có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu sản phẩm thịt lợn trong thời gian tới. 
Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 30% trong thời gian qua. Thông thường, giá chi phí đầu vào tăng thì giá thành phẩm phải tăng.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, hiện nay không DN nào dám tăng giá bán sản phẩm thịt, vì sức mua trên thị trường đang rất yếu. Nhiều DN đang phải chạy đủ loại chương trình khuyến mãi để giảm hàng tồn.
Với sản phẩm trứng gia cầm, ngoài kênh tiêu thụ trứng tươi ở siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, kênh tiêu thụ chính của trứng là bán cho các DN chế biến thực phẩm, làm bánh kẹo… Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của DN chế biến thực phẩm đã giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty của ông Thiện cũng phải tăng cường sản xuất các sản phẩm trứng chế biến như trứng muối, trứng bách thảo… tuy nhiên vẫn không thể xử lý hết lượng trứng còn dư thừa. Các hộ chăn nuôi liên kết với Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng bị ảnh hưởng theo.
"Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sức mua tăng, việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, thịt gà… là điều chắc chắn, thậm chí có thể thiếu trầm trọng" - ông Thiện nhận định.
Dù có thể dự báo trước được điều này, Vĩnh Thành Đạt và các DN chăn nuôi khác gần như không còn sức để đầu tư tái đàn hay tăng đàn.
Ông Thiện phân tích, có hai yếu tố khiến DN không thể tái đàn trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất là sau thời gian dài vật lộn với nhiều khó khăn của ngành chăn nuôi, nhiều DN hiện đã đuối sức.
Thứ hai, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến cả DN và người chăn nuôi không yên tâm tăng đàn. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhận định, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành… trên thế giới hiện ở mức "đỉnh", khó có thể tăng thêm.

Nguồn: danviet.vn