Thị trường nhiều tiềm năng
Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, kể từ sau CPTTP, xuất khẩu mặt hàng quế của Việt Nam vào địa bàn đã tăng đột biến. Trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3, sau Indonesia và Hoa Kỳ về thị phần, nhưng kể từ năm 2019, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu vào địa bàn, giữ vững vị trí đến nay và chiếm khoảng gần một nửa thị phần quế tại thị trường Canada. Trong vòng 5 năm sau khi thực hiện CPTPP, mặt hàng quế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng gần gấp 3 về giá trị kim ngạch với tốc độ lên đến 179%.
Thương vụ tại Canada thông tin, hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 20 triệu USD đối với nhóm mặt hàng quế. Thị trường Canada có quy mô tiêu thụ mặt hàng này trung bình tăng dần đều, ước tính từ 22-25 triệu USD/năm từ nay đến 2025.
Các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam là Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Sri Lanka, là những nước xuất khẩu sản phẩm quế thanh hoặc quế bột. Trong khi đó, các nước còn lại như Thái Lan, Pháp, Đức, Thổ thường xuất khẩu sản phẩm quế chế biến sâu dưới các dạng tinh dầu, mĩ phẩm…
Đối với mặt hàng hồi, theo số liệu mới nhất của địa bàn, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm hồi của Việt Nam sang địa bàn đạt 166 nghìn USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm này diễn ra trong bối thị trường Canada có sự suy giảm nhu cầu chung đối với mặt hàng này, giảm 8,4 % so với năm 2022. Xuất khẩu của tất cả các nước vào thị trường đều giảm mạnh trừ Ấn Độ, Macedonia, Tây Ba Nha.
Kể từ sau CPTTP, xuất khẩu mặt hàng hồi của Việt Nam vào Canada đã tăng đột biến, từ 117 nghìn USD năm 2018 lên 381 nghìn USD năm 2022. Trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, kể từ năm 2022, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 6 về giá trị xuất khẩu vào địa bàn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, mặc dù mặt hàng hoa hồi của Việt Nam đã có sự tăng trưởng hơn gấp 3 lần về giá trị kim ngạch với tốc độ lên đến 226%, tuy nhiên, đây là mặt hàng còn nhiều dư địa phát triển. Bởi hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 16 triệu USD đối với nhóm mặt hàng này và ước tính có thể đạt đến 20 triệu USD/năm từ nay đến 2030.
Hiện, các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Các nước còn lại như Ý, Đức, Tây Ba Nha thường xuất khẩu sản phẩm hoa hồi chế biến sâu dưới các dạng thuốc, dược mĩ phẩm…
Đối với mặt hàng dược liệu, hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 100 triệu giá trị dược liệu từ các nước. Tuy vậy, Việt Nam không có vị trí đáng kể tại địa bàn. Danh sách các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có thể kể đến: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hongkong, Đài Loan, Colombia… Mặc dù vậy, hàng năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu trung bình khoảng 500 nghìn USD dược liệu sang địa bàn, cao điểm là năm 2017 đạt gần 700 nghìn USD. Đối với măt hàng dược liệu, tác động của CPTPP không đáng kể.
Cần chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam
Đáng chú ý, các mặt hàng quế hồi, dược liệu của Việt Nam xuất sang địa bàn vẫn được hưởng thuế MFN 0% dù không dùng form CPTPP. Tuy nhiên, việc sử dụng form CPTPP vẫn có ích đối với nhà nhập khẩu Canada. Bởi hiện nay, các nhà sản xuất Canada cũng quan tâm tận dụng RVC trong chiến lược đầu vào nhằm tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp (cumulative origin) trong sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường mà cả Canada và Việt Nam cùng có Hiệp định thương mại tự do.
Dù vậy, sau CPTPP, xuất khẩu những mặt hàng quế hồi sang địa bàn cũng tăng đột biến. Điều đó cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy, giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm/thị trường của nhau, từ đó, gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam nhờ hiệu ứng lan toả, sự phát triển của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quế hồi và dược liệu vào thị trường vì 4 yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu của thị trường Canada tăng ổn định trong 10 năm gần đây (300% giai đoạn 2012-2022). Thứ hai, chiến lược nhập cư của Canada đặt kế hoạch tăng dân số đến 100 triệu người, tối thiểu mỗi năm nhập cư tăng 500.000 người, trong đó khoảng 50% đến từ châu Á, có nhu cầu tiêu dùng cao với mặt hàng quế hồi và dược liệu/gia vị châu Á. Thứ ba, do khí hậu lạnh, người Canada ngày càng ưa chuộng sử dụng quế hồi trong ẩm thực và chăm sóc sức khoẻ. Thứ tư, đặc biệt, CPTPP đã mang lại lợi thế về thuế quan rõ rệt, giúp Việt Nam vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc.
Theo Thương vụ, để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, Hiệp hội quế hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế Cassia Việt Nam so với quế Ceylon của Nam Á.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác, để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa vào thị trường những sản phẩm mới, chẳng hạn như: mật ong hoa quế trộn bột quế, nến thơm tinh dầu quế, dầu tắm xông quế, trà xanh hương quế… Đối với mặt hàng hoa hồi, hiện nay, chủ yếu vẫn là xuất thô, chưa đóng bao bì, chưa có thương hiệu nên việc nhận diện sản phẩm của Việt Nam ở địa bàn chưa cao.