Giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2011
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới trong tháng 11 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 77,9% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 195,17 US cent/lb.
Đây là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất trong 10 năm qua kể từ sau mức trung bình 213 US cent/lb đạt được vào tháng 9/2011.
Xu hướng tăng kể từ khi bắt đầu niên vụ cà phê 2020-2021 đang cho thấy sự phục hồi của giá cà phê thế giới sau 4 năm liên tiếp duy trì ở mức thấp, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong điều kiện thị trường tổng thể.
Trong các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO, cà phê arabica Brazil tiếp tục ghi nhận mức tăng giá cao nhất khi tăng tới 9,5% so với tháng trước và tăng gấp đôi so với tháng 11/2020, đạt 218,90 US cent/lb.
Giá cà phê arabica Colombia cũng tăng 8,0% so với tháng trước và tăng 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 279,56 US cent/lb. Tiếp theo là nhóm cà phê arabica khác với mức tăng 7,4% so với tháng trước, lên mức 258,95 US cent/lb.
Trong khi đó, giá cà phê robusta chỉ tăng 4% so với tháng trước, đạt 109,40 US cent/lb. Do vậy, chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta được đo lường trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 28,3% so với 96,39 US cent/lb vào tháng 10, lên mức 123,64 US cent/lb trong tháng 11.
Chỉ số giá của các nhóm cà phê được theo dõi bởi ICO
Nguồn: ICO
Sự xuất hiện của biến thể Omicron làm giảm sự lạc quan về triển vọng tiêu thụ
Trong báo cáo tháng này, ICO tiếp tục giữ nguyên ước tính về sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 ở mức 169,6 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước. Trong đó sản lượng arabica tăng 2,3%, lên 99,27 triệu bao; trong khi sản lượng robusta ước tính giảm 2,2%, xuống còn 70,38 triệu bao.
Theo khu vực sản xuất, sản lượng cà phê tại châu Phi trong niên vụ 2020-2021 được điều chỉnh giảm nhẹ so với niên vụ trước xuống 18,7 triệu bao.
Sản lượng châu Á và châu Đại Dương ước tính giảm 1,1%, từ 49,5 triệu bao trong niên vụ 2019-2020 xuống 48,9 triệu bao trong niên vụ 2020-2021. Sản lượng tại Trung Mỹ và Mexico cũng được ước tính giảm 2,1%, xuống còn 19,2 triệu bao.
Còn tại Nam Mỹ, sản lượng cà phê của khu vực này ước tính tăng 2% so với niên vụ trước, lên mức 82,8 triệu bao.
Về niên vụ 2021-2022, băng giá ở Brazil cùng với chu kỳ sản lượng thấp của cà phê arabica vẫn là hai yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sản xuất cà phê nhân toàn cầu.
Trong khi đó, ICO tiếp tục nâng ước tính về tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021 lên 167,7 triệu bao, tăng so với mức 164,5 triệu bao của niên vụ 2019-2020. Chênh lệch giữa sản xuất và tiêu dùng trong niên vụ 2020-2021 rút xuống còn gần 2 triệu bao.
Tuy nhiên, sự lạc quan về triển vọng tiêu thụ với việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đang bị thay thế bởi lo ngại về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, đặc biệt là ở châu Âu.
Áo và Slovakia gần đây đã thông báo tái áp dụng biện pháp phong tỏa ít nhất là đến giữa tháng 12, mặc dù các hạn chế đang được tiếp tục được nới lỏng ở một số nơi như New Zealand.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra hồi tháng 7 và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.
Các biện pháp phong toả chống dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất toàn cầu bị đình trệ. Sự mất cân đối cung - cầu khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao, tạo bức tranh không mấy sáng sủa cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước thu nhập thấp.
Xuất khẩu cà phê toàn cầu sụt giảm trong tháng đầu tiêu của niên vụ 2021-2022
Theo số liệu của ICO, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 10 đạt 9,7 triệu bao, giảm 4,4% so với 10,1 triệu bao của cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu cà phê arabica giảm 8,8%, xuống còn 6,2 triệu bao; nhưng bù lại xuất khẩu cà phê robusta tăng 4,4%, lên 3,51 triệu bao.
Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận đối với cà phê arabica Brazil, giảm từ 4,1 triệu bao của tháng 10/2020 xuống chỉ còn 3,6 triệu bao trong tháng 10/2021. Tiếp theo là cà phê arabica Colombia, giảm 11,3% xuống còn 1,1 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân lên tới 8,5 triệu bao trong tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022, giảm 6,1% so với 9,1 triệu bao của tháng 10 năm ngoái. Nhìn chung xuất khẩu cà phê của các nước vẫn chủ yếu là cà phê nhân, chiếm 90,6% và 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu tương ứng trong các niên vụ cà phê 2021-2022 và 2020-2021.
Xuất khẩu các nhóm cà phê chính trong tháng 10 niên vụ 2018-2019 đến 2021-2022
Nguồn: ICO
Về tình hình xuất khẩu của các nhà cung cấp, trong tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ đạt gần 5 triệu bao, giảm mạnh 20,6% so với 6,2 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ trước.
Brazil nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 23,8%, xuống còn 3,4 triệu bao so với 4,5 triệu bao của tháng 10 năm ngoái. Xuất khẩu của Colombia cũng giảm 5,0%, đạt gần 1 triệu bao. Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu của Peru giảm 23,1%, đạt 0,5 triệu bao.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 25,8%, từ 2,5 triệu bao lên 3,1 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 13,7% lên 1,7 triệu bao trong tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại. Xuất khẩu của Ấn Độ tăng tới 33,3% lên 0,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực sản xuất chính trong tháng 10 niên vụ 2018-2019 đến 2021-2022
Nguồn: ICO
Xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng tăng 35,0% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 0,5 triệu bao. Xuất khẩu của Honduras tiếp tục phục hồi tích cực sau hai thảm họa thiên nhiên do bão Iota và Eta gây ra với lượng hàng xuất khẩu tăng 293,2% lên 80.238 bao trong tháng đầu tiên của niên vụ 2021-2022.
Nicaragua nơi chịu những thảm họa khí hậu tương tự như Honduras, cũng đã ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới 70% so với tháng 10/2020, đạt 92.838 bao. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng lần lượt là 15%, 6,9% và 22,2% tại Guatemala và Mexico và Costa Rica.
Tương tự, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ, đạt 1,1 triệu bao. Mức tăng trưởng này được ghi nhận ở Uganda (+13,7%) và Ethiopia (+37,2%), trong khi giảm ở Tanzania (-28,3%), Kenya (-47,4%) và Bờ Biển Ngà (-45,2%).