Cuối tháng 1/2022, quốc gia Đông Nam Á sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới này đã có động thái đầu tiên nhằm hạn chế xuất khẩu dầu thực vật sau khi giá dầu ăn trong nước tăng hơn 40% vào đầu năm theo diễn biến thị trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Lutfi, việc tiếp tục siết chặt các hạn chế xuất khẩu nói trên nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước vẫn ở mức hợp lý đối với người tiêu dùng và quy định này sau 6 tháng sẽ được xem xét lại xem có cần điều chỉnh thêm hay không.
Mặc dù chính sách đã khiến tăng nguồn cung trong nước, nhưng người tiêu dùng vẫn phàn nàn rằng dầu ăn vẫn được bán với giá cao hơn so với giá bán lẻ là 14.000 rupiah (0,9739 USD)/lit tại các chợ truyền thống.
Trong khi đó, tại các siêu thị, nguồn dự trữ dầu ăn đang cạn kiệt, thậm chí hầu hết các nhà bán lẻ giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 lít dầu.
Tại Malaysia, dầu cọ đã tăng giá mạnh sau khi Indonesia hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, cùng với cuộc khủng hoảng Ukraina khiến nguồn cung dầu hướng dương khan hiếm.
Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki), ước tính nhu cầu dầu ăn trong nước không dưới 5,7 triệu kilolít trong năm nay, tương đương với khoảng 8 triệu tấn CPO. Gapki dự báo tổng tiêu thụ dầu cọ trong nước sẽ tăng 12% trong năm nay lên mức 20,6 triệu tấn, trong đó có 8,8 triệu tấn dùng để sản xuất dầu diesel sinh học theo chương trình của chính phủ.
Indonesia đã sản xuất 47 triệu tấn CPO vào năm 2021, trong đó 2,7 triệu tấn được xuất khẩu. Nước này chủ yếu xuất khẩu dầu cọ đã qua chế biến. Theo Gapki, sản lượng CPO dự kiến sẽ tăng 4,5% trong năm nay lên mức 49 triệu tấn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters