Thường thì qua Tết Dương lịch thời tiết trởi nắng ấm phù hợp để cây điều ra bông, đậu quả. Nhưng biến đổi khí hậu năm nay khó lường, những ngày vừa qua thời tiết có lúc mưa phùn, se lạnh đã ảnh hưởng đến vùng chuyên canh điều tại Bình Phước. Hiện người dân nơi đây đang trồng hơn 150.000 ha điều.
Từ cuối tháng 12/2018 đến nay, nhiều nơi ở Bình Phước đã xuất hiện những cơn mưa thất thường vào thời điểm cây điều bắt đầu ra bông. Theo kinh nghiệm của người dân, thời tiết thiếu nắng ấm sẽ gây bất lợi rất lớn đối với người trồng điều. Bởi những cơn mưa này sẽ tạo độ ẩm ướt cao, điều khó thụ phấn, đậu quả ít; đồng thời còn phát sinh các loại sâu bệnh như bọ xít muỗi, thán thư phát triển, làm khô bông, cháy ngọn.
Nếu thời tiết cứ tiếp diễn như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến cây điều đang vào mùa ra bông, điều này có nghĩa là sản lượng điều thu hoạch vụ tới có thể sẽ bị sụt giảm.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến cuối năm 2017 diện tích cây điều cả nước là 337.143 ha, tăng 4.410 ha so với năm 2016. Về năng suất, trong giai đoạn 2008 - 2013, năng suất điều của nước ta luôn duy trì ở mức thấp, đạt dưới 1 tấn/ha. Về sản xuất, Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều, với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Tuy nhiên, số cơ sở chế biến nhỏ vẫn chiếm tới gần 70%.
Về tiêu thụ điều nhân, Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ và là một trong những "cường quốc" xuất khẩu hạt điều với giá trị xuất khẩu ngày càng cao. Năm 2017, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD. Sang năm 2018, cụ thể là 11 tháng đầu năm cả nước đã xuất khẩu 339,7 nghìn tấn điều, trị giá trên 3 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng nhưng giảm 3,6% trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, xuất khẩu điều trong 15 ngày đầu tháng 12 đạt 15,8 nghìn tấn, trị giá 128,35 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và 0,5% trị giá so với 15 ngày đầu tháng 11. Lũy kế đến ngày 15/12, xuất khẩu mặt hàng này đạt 355.600 tấn, trị giá 3,22 tỉ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích trồng điều cả nước có xu hướng giảm liên tục từ 440.000 ha (năm 2007) xuống còn 290.000 ha (năm 2015). Diện tích cây điều trong năm 2017 có dấu hiệu phục hồi trở lại và đạt 297.500 ha. Dự kiến năm 2018, diện tích điều đạt 302.100 ha, diện tích cho thu hoạch là 283.800 ha.
Năm 2017, năng suất điều đạt 7,5 tạ/ha và dự kiến tăng lên mức 12,5 tạ/ha trong năm 2018. Sản lượng ước đạt 354.800 tấn, tăng 77,82% so với năm 2017.
Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến điều luôn thiếu hụt và phải nhập điều thô hàng năm từ các nước khác do diện tích trồng lâu năm cây già cỗi (chiếm 60%) cho năng suất thấp.
Mặt khác do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt điều như bệnh thán thư, bọ xít muỗi, sâu đục thân.
Trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến điều đã đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Tuy nhiên, với nguồn cung nguyên liệu trong nước còn khá ít so với nhu cầu của các nhà máy đã khiến phần lớn nguyên liệu điều thô hiện phải nhập khẩu. Điều này cũng dẫn đến nhiều rủi ro trong nhập khẩu nguyên liệu, nhất là vấn đề chất lượng sản phẩm.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, xuất khẩu điều năm 2018 đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Sản lượng ước đạt 354,8 nghìn tấn, tăng 77,82% so với năm 2017.
Khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phần lớn diện tích trồng điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa; chưa được quan tâm đầu tư thâm canh, đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân; liên kết sản xuất và chế biến sâu còn hạn chế… Do năng suất điều còn thấp nên kém hiệu quả kinh tế và đang bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác. Công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay, mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hàng năm, ngoài số lượng hạt điều thô trong nước Việt Nam còn nhập thêm hạt điều thô từ nước ngoài, chủ yếu từ các nước châu Phi, một phần từ Campuchia và Indonesia. Tính hết tháng 11/2018, Việt Nam nhập khẩu 1,14 triệu tấn trị giá 2,2 tỷ USD, giảm 6,8% cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017, riêng tháng 11/2018 đã nhập khẩu 98 nghìn tấn, trị giá 159,2 triệu USD, tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 3,7% trị giá so với tháng 10/2018. Trong đó Bờ Biển Ngà chiếm 33%, kế đến là Campuchia chiếm 13% và Indonesia chiếm 2,5%.
Ông Diaby Aboubacar, Chủ tịch Hiệp hội những nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà cho biết, Việt Nam hiện đang là đối tác chính của nước này khi nhập tới 68% tổng lượng điều xuất khẩu hàng năm (gần 400.000 tấn điều thô/năm). Với năng lực chế biến và xuất khẩu điều hàng đầu thế giới hiện nay của Việt Nam, Bờ Biển Ngà mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư chế biến tại đây và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp đầu tư tại đây.
Theo ông Diaby Aboubacar, có nhiều lý do làm cho ngành điều Bờ Biển Ngà chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà không thể chế biến, vì lãi suất ngân hàng cho vay sản xuất chế biến còn khá cao. Bên cạnh đó, hầu hết máy móc chế biến điều đều mua từ Việt Nam nên nếu máy bị hỏng thì phải chờ kĩ sư Việt Nam sang mới sửa được, chi phí cao, thời gian chờ lâu. Người châu Phi cũng không biết cách điều hành các máy bóc vỏ hạt điều vì khoảng cách am hiểu kĩ thuật vận hành máy.
Việc phụ thuộc nhiều vào lượng nguyên liệu nhập khẩu đang đem lại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp Việt, nhất là về chất lượng, vận chuyển và hình thức thanh toán...
Theo VINACAS, việc “bắt tay” hợp tác với các nhà xuất khẩu điều thô nhằm kiểm soát vấn đề chất lượng nguyên liệu đã được Việt Nam thực hiện nhiều năm nay, nhất là thông qua các hội nghị khách hàng được tổ chức hàng năm. Mới đây, VINACAS cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Liên minh điều Châu Phi, Nigeria, Guinea Bissau…
Như vậy, với nguyện vọng liên kết hợp tác của các đối tác đến từ châu Phi, thì đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều Việt Nam. Bởi vì, song song với việc đầu tư các nhà máy chế biến điều, thì doanh nghiệp có thể xây dựng vùng nguyên liệu điều thô để cung ứng về Việt Nam (giống như vùng nguyên liệu tại Campuchia), tuyển chọn trực tiếp nguồn cung chất lượng cao mà không phải qua trung gian cung ứng, giải quyết được cái khó nguyên liệu cho ngành điều trong nước lẫn vận chuyển và vướng mắc về thanh toán hiện nay.
Thông tin liên quan
Châu Phi cung cấp hơn 50% sản lượng hạt điều toàn cầu
Giám đốc tài chính và quản trị của Sáng kiến cạnh tranh hạt điều (ComCashew) tại Sunyani (Ghana) bà Juliana Ofori – Karrikari cho biết, Châu Phi hiện là nhà sản xuất điều hàng đầu, cung cấp hơn 50% sản lượng hạt điều toàn cầu.
Tại lễ khai mạc Chương trình đào tạo Thạc sĩ lần thứ 6 (MTP) về xúc tiến chuỗi giá trị hạt điều, phát biểu thay mặt Giám đốc điều hành ComCashew, bà Ofori-Karikari nói phát triển nguyên liệu cải thiện trồng trọt và và thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những khía cạnh quan trọng của việc đảm bảo sản xuất bền vững.
Chương trình nhằm tìm cách nâng cao kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành của các chuyên gia về hạt điều châu Phi trong chuỗi giá trị và tiếp tục thúc đẩy tính cạnh tranh của cây điều châu Phi, đồng thời chia sẻ kiến thức, thảo luận các thực hành tốt nhất và bài học kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới quốc gia và khu vực cho sự hợp tác trong tương lai.
Bà thông báo, một vườn ươm khác đã được thành lập để sản xuất cây giống chất lượng cao trong Vùng Ashanti, và nói thêm, hồi đầu năm, ComCashew đã hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất hàng loạt 30.000 cây giống ghép đầu tiên.
Tương tự như ở Sierra Leone, bà Ofori-Karikari cho biết ComCashew đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn hạt giống đa hạt điều từ Ghana để nuôi 275.000 cây giống, sau đó được phân phối cho 24 vườn ươm và được sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và an ninh lương thực Sierra Leone.
Ngoài cải thiện khả năng cạnh tranh và bền vững của ngành điều châu Phi, các bên liên quan còn hợp tác để tăng sản xuất và chế biến hạt điều trên lục địa.
Cùng với đó tiến hành cải thiện giá trị gia tăng ở Ghana vì một số đơn vị chế biến trong nước đã bị đóng cửa do nhiều lý do khác nhau, nhưng gia tăng giá trị đối với hạt điều thô có thể giúp tăng doanh thu để thúc đẩy nền kinh tế.
Sản xuất điều Ấn Độ 2018 dự kiến giảm về mức thấp nhất trong 25 năm
Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, 2018 là một năm khó khăn đối với ngành điều Ấn Độ, giá hạt điều thô ở mức cao ảnh hưởng đến giá thành hạt điều chế biến. Xuất khẩu hạt điều Ấn Độ năm 2018 dự kiến giảm xuống dưới 70.000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây và thấp hơn so với 84.352 tấn hạt điều xuất khẩu năm 2017.
Số liệu thống kê từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, nhập khẩu hạt điều của nước này 8 tháng năm 2018 đạt 2.916 tấn, trị giá 26,49 triệu USD, giảm nhẹ 0,1% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ tăng nhập khẩu hạt điều từ Ghinê với 111 tấn, trị giá 770 nghìn USD, chiếm tỷ trọng 3,8% trong tổng lượng nhập khẩu 8 tháng năm 2018.
Năm 2018 là một năm khó khăn đối với ngành điều Ấn Độ, giá hạt điều thô ở mức cao ảnh hưởng đến giá thành hạt điều chế biến. Giá hạt điều đã giảm 1 USD/pound, xuống còn 3,5 – 3,6 USD/pound. Hạn chế về công nghệ, giá nhập khẩu hạt điều thô ở mức cao và chi phí sản xuất ở mức cao khiến xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ khó cạnh tranh hơn so với các nước khác.
Chính phủ Ấn Độ đang xem xét giảm thuế nhập khẩu hạt điều thô từ 5% xuống 2,5%.
Số liệu thống kê từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Ấn Độ 8 tháng năm nay đạt 9,1 USD/kg, tăng 1,2% cùng kỳ.
Thị phần hạt điều của Việt Nam tại Ấn Độ bị thu hẹp lại, từ mức 97,9% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ trong 8 tháng năm 2017, giảm xuống còn 86,8% trong 8 tháng năm 2018.
Nguồn: VITIC tổng hợp