Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 6/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 23,3% so với tháng 6/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 750,7 triệu USD, giảm 1,3% so với tháng 5/2023 và giảm 21% so với tháng 6/2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến đơn đặt hàng của ngành gỗ giảm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính trong nửa đầu năm 2023 đều giảm mạnh.
Trong đó, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường Liên minh châu Âu (EU)...
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Sự phục hồi của ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều các yếu tố, bao gồm sự ổn định của tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ và EU; cùng với việc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và khai thác các cơ hội mở rộng thị trường.
Tại buổi tọa đàm mới đây, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp gỗ những năm gần đây đã có sự phát triển rất cao và có sự bứt phá trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu lớn của thế giới. Song trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm gỗ sụt giảm khá mạnh. Nếu như kim ngạch xuất khẩu chung giảm khoảng 12% thì xuất khẩu gỗ giảm gần 30%.
Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sụt giảm là thị trường Hoa Kỳ - thị trường chủ lực của ngành gỗ đã giảm mạnh về kim ngạch do sức mua kém, đơn hàng giảm. Bên cạnh đó, ngành gỗ đã phải đối diện với các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2020, đến nay, sau 7 lần trì hoãn thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Sỹ Hoài khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, tức là còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong tương lai và khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do tình hình chung của thị trường.
Để hạn chế đà suy giảm, duy trì mục tiêu tăng trưởng, theo ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng cần nhiều giải pháp hơn để gỗ Việt có thương hiệu trên thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định FTA. Trong đó có Hiệp định VPA/FLEGT hay còn gọi là Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản; ký thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ để xử lý việc loại bỏ hoàn toàn gỗ khai thác bất hợp pháp khỏi chuỗi cung; đồng thời đang thực hiện có hiệu quả những quy định gần đây của EU như quy định không gây mất rừng và không suy thoái rừng.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, ở cấp quốc gia, nhìn chung, các giải pháp chủ yếu tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhưng cần nhiều giải pháp hơn để gỗ Việt có thương hiệu trên thế giới. Đặc biệt là truyền đi thông điệp rất rõ ràng là Chính phủ, doanh nghiệp, người dân Việt Nam đã làm nhiều việc để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển xanh, góp phần hình thành một ngành công nghiệp gỗ có trách nhiệm, góp phần giảm mất rừng trên toàn cầu.
“Đối với xúc tiến thương mại, gần đây, chúng tôi đã thành lập 1 công ty tổ chức hội chợ của 5 hiệp hội Việt Nam như Hiệp hội Gỗ Việt Nam và các Hiệp hội Gỗ địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định. Đây là công ty chuyên tổ chức hội chợ trong nước và quốc tế để làm sao tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm gỗ”, ông Ngô Sỹ Hoài cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Ngô Sỹ Hoài, hiện nay khi đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, giảm công nhân, giảm giờ làm, duy trì mức độ sản xuất nhất định để chờ thời gian phục hồi sản xuất trở lại. Tuy nhiên, có một số tín hiệu tích cực, chẳng hạn thị trường Hoa Kỳ, mức độ giảm sút đã chậm lại. Do đó, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường ấm lên. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng.
Bên cạnh đó, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được các thương hiệu. Vậy thì doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu vì đây là con đường lâu dài.