Sau 6 tháng tăng liên tiếp, nhập khẩu tôm Mỹ ghi nhận giảm 14% về khối lượng và 21% về giá trị trong tháng 1/2024 (59.629 tấn và 462,4 triệu USD). Tuy nhiên, tháng 2/2024, nhập khẩu vào Mỹ lại quay đầu tăng 12% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, với tổng cộng 59.668 tấn tôm được thông quan, trị giá 456,5 triệu USD.
Tuy vậy, giá vẫn tiếp tục giảm xuống 7,65 USD/kg, thấp hơn 6% so với mức trung bình 8,09 USD/kg trong tháng 2/2023 và thấp hơn 1% so với tháng 1/2024 (7,75 USD/kg).
Ấn Độ vẫn tiếp tục là nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ với 23.777 tấn, chiếm 40% tổng lượng tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong tháng 2/2024. Con số này tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị đạt 176,2 triệu USD, tăng 12%. Giá trung bình giảm 9% xuống 3,47 USD/lb so với tháng 3/2023 (3,83 USD/lb) và 1% so với tháng 1/2024 (3,5 USD/lb).
Tuy sớm phải đối mặt với mức ký quý thuế đối kháng cao nhất trong 3 quốc gia (Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam), nhưng tháng 2/2024 Ecuador vẫn xuất khẩu 16.911 tấn tôm sang Mỹ, mang về 113,1 triệu USD, tăng 10% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình gần như không thay đổi so với tháng 2/2023 (3,14 USD/lb), tăng nhẹ so với tháng trước đó (3,13 USD/lb).
Indonesia, quốc gia duy nhất không phải “đối mặt” với quy định thuế đối kháng của Mỹ, ghi nhận xuất khẩu tôm giảm 4% trong tháng 2/2024, chỉ 10.013 tấn tôm được thông quan. Giá trị đạt 73,5 triệu USD, giảm 12%. Giá trung bình giảm 9% xuống còn 3,44 USD/kg so với cùng kỳ năm trước (3,8 USD/lb) và 1% so với tháng 1/2024 (3,47 USD/lb).
Tháng 2/2024, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ đạt 3.660 tấn tôm Việt Nam, trị giá 35,5 triệu USD, tăng so với cùng kỳ. Không nằm ngoài biểu đồ giá tôm đi xuống của thế giới, giá tôm Việt Nam cũng giảm còn 4.52 USD/lb, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước (4,87 USD/lb) nhưng cao hơn 1% so với tháng trước (4,46 USD/lb).