Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trong tháng 2/2023, Mỹ NK 53.053 tấn tôm, trị giá 429 triệu USD, giảm 20% về lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm 23% về khối lượng và giảm 27% về giá trị so với tháng 1/2023.
Tháng 2 thường là thường là giai đoạn thấp điểm NK tôm của Mỹ do trùng với kỳ nghỉ lễ, tuy nhiên khối lượng NK trong tháng 2 năm nay giảm khá mạnh và đây là mức giảm trong 10 tháng liên tiếp kể từ tháng 4/2022.
Giá trung bình tôm NK vào Mỹ cũng tiếp tục giảm. Giá trung bình tôm NK trong tháng 2 đạt khoảng 8 USD/kg, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 5% so với tháng 1/2023. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận giá tôm NK giảm.
Hầu hết quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ đều sụt giảm mạnh. 9 trong 10 nguồn cung tôm hàng đầu cho Mỹ trong tháng 2/2023 có khối lượng giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ và giá trị cũng giảm ít nhất 19%.
6 nguồn cung lớn nhất cho Mỹ đều có mức giảm khá lớn trong đó Ấn Độ (giảm 14% về lượng và 28% về giá trị) Ecuador (giảm 5% về lượng và 19% về giá trị), Việt Nam (giảm 50% về lượng, 53% về giá trị)…
Trung Quốc là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 9 cho Mỹ trong tháng 2/2023, chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất với 208 tấn, trị giá 1,2 triệu USD, giảm 64% về lượng và 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm trung bình nhập khẩu từ nước này giảm 4% so với cùng kỳ xuống 5,6 USD/kg.
Tuy nhiên, Honduras là quốc gia hiếm hoi ghi nhận lượng tôm XK sang Mỹ tăng đột biến. Nước này đã XK 221 tấn tôm, trị giá 1,9 triệu USD sang Mỹ, tăng 342% về lượng và tăng 395% về giá trị so với cùng kỳ.
Ấn Độ tiếp tục đứng đầu trong top nguồn cung tôm của Mỹ. Bất chấp đà tăng liên tục của Ecuador, Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong tháng 2, chiếm 37% thị phần với 19.567 tấn, trị giá 157 triệu USD. Con số này giảm 14% về lượng và giảm 28% về giá trị so với cùng kỳ. Giá tôm trung bình Mỹ nhập khẩu từ Ấn Độ cũng giảm mạnh 16% so với tháng 2/2022 xuống 8 USD/kg.
Ecuador là nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Mỹ chiếm 29% thị phần. Quốc gia này đã xuất khẩu 15.382 tấn tôm, trị giá 101,3 triệu USD sang Mỹ trong tháng 2, giảm 5% về lượng và 19% về giá trị so với một năm trước đó.
Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 2 với lượng 2.423 tấn, kim ngạch đạt 25,3 triệu USD giảm 50% về lượng và 53% về giá trị. Giá tôm đạt mức 10,46 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai sản phẩm tôm mã HS 1605211030 và 1605211020 vẫn là 2 sản phẩm được NK nhiều nhất từ Việt Nam vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay.
Trong khi thị phần của hai đối thủ dẫn dầu là Ấn Độ và Ecuador tăng từ 2% - 5% thì thị phần của Việt Nam giảm từ 7% của tháng 2/2022 xuống 5% trong tháng 2 năm nay.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong quý đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 104 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam XK sang Mỹ quý đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 85,6% đạt 89 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ; tôm sú chiếm tỷ trọng 9,3% với giá trị XK đạt gần 10 triệu USD, giảm 28%, còn là là tôm khác với giá trị XK đạt trên 5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao là những yếu tố làm giảm XK tôm Việt Nam sang Mỹ. Tình hình XK tôm Việt Nam sang Mỹ phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho hiện tại.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành XK thủy sản, Chính phủ đang từng bước có những giải pháp tháo gỡ thúc đẩy sản xuất, XK. Với những tín hiệu tốt từ những kỳ Hội chợ, nếu kinh tế Mỹ khả quan hơn, nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ có thể “ấm lên” sau quý 2 năm nay.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ chưa khả quan hơn trong quý đầu năm

Nguồn: vasep.com.vn