Giá đường kỳ hạn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 trong tuần thứ ba của tháng 9/2024, do lo ngại về thiệt hại mùa màng bởi cháy rừng, nắng nóng và khô hạn ở nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu Brazil. Điều này có nguy cơ làm tăng chi phí cho các mặt hàng tạp hoá từ nước ngọt đến kẹo và chuyển sự tập trung của các nhà giao dịch sang tình hình sản lượng đầu ra của các quốc gia sản xuất lớn khác.
Tin vui là vụ mùa ở nước xuất khẩu đứng thứ hai thế giới - Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi trong niên vụ 2024/25 sắp tới. Tuy nhiên, lũ lụt hồi tháng 9 đã đưa ra cảnh báo mới về rủi ro thời tiết, với những lo ngại bắt đầu xuất hiện rằng việc thu hoạch có thể bị trì hoãn nếu mưa lớn tiếp tục. Tại quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ, việc hỗ trợ sản xuất ethanol đồng nghĩa với việc các quan chức nước này có thế sẽ kéo dài thời gian hạn chế xuất khẩu đường.
Nguồn cung đường thế giới thắt chặt khiến giá có thể tăng cao hơn nữa. Tổ chức Đường quốc tế ISO hồi tháng 8/2024 đã dự báo sản lượng đường sẽ thấp hơn mức tiêu thụ 3,6 triệu tấn trong vụ 2024/25, thiếu hụt lớn hơn so với mùa hiện tại.
Sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2024/25 được dự kiến đạt 10,6 triệu tấn, tăng so với mức 8,8 triệu tấn trong vụ trước đó.
Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy lũ lụt gần đây ảnh hưởng đến khu vực trồng mía, nhưng thị trường vẫn theo dõi tình hình rất sát sao. Nếu mưa kéo dài đến tháng 11, có thể khiến trì hoãn việc nghiền mía của vụ thu hoạch mới cho đến tháng 1 (muộn hơn khoảng 1 tháng so với thường lệ). Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có nguy cơ làm tắc nghẽn nguồn cung trên thị trường thế giới, vào thời điểm xuất khẩu của Brazil thường chậm lại.
Sản lượng đường của Ấn Độ trong niên vụ mới có thể đạt tổng cộng khoảng 30 triệu tấn, sau khi chuyển hướng một phần sang sản xuất ethanol. Mức này sẽ thấp hơn khoảng 2 triệu tấn so với vụ trước.
Về mặt lý thuyết, Ấn Độ sẽ có đủ đường để có thể xuất khẩu 1,8 triệu tấn trong năm 2024/25 và có thể nới lỏng các hạn chế xuất khẩu nếu có đủ nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, có thể chính phủ nước này sẽ không cho phép xuất khẩu đường. Giờ đây, ngày càng rõ ràng hơn rằng Ấn Độ sẽ ưu tiên lĩnh vực ethanol và thị trường đường thế giới thực tế không thể mong chờ nguồn cung đường từ nước này.