Mỹ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, sản lượng đường của Mỹ trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10/2023 sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó bởi hạn hán lan rộng ở Louisiana – Bang sản xuất hàng đầu của Mỹ.
USDA đã cắt giảm 18% dự báo cho Louisiana trong vụ 2023/24 xuống còn 1,68 triệu tấn (ST). Louisiana là Bang đứng đầu về sản xuất đường mía, trước bang Florida. Đường làm từ mía thường chiếm khoảng 45% tổng sản lượng đường của Mỹ, phần còn lại được làm từ củ cải đường.
USDA cho biết, sản lượng thấp hơn từ Louisiana sẽ được bù đắp một phần nhờ sản lượng đường củ cải được ước tính tăng 3% đạt 5,22 triệu tấn. Nhập khẩu đường của Mỹ được dự kiến đạt 3,26 triệu tấn trong năm 2023/24, giảm so với mức 3,46 triệu tấn ước tính hồi tháng trước.
Với những thay đổi về sản xuất và ước tính nhập khẩu giảm, tỷ lệ dự trữ để sử dụng đã giảm xuống 13,5% từ mức 15,2% trong tháng 8.
Thái Lan
Một báo cáo từ nhà môi giới Czarnikow cho biết, vụ đường mới của Thái lan bắt đầu vào tháng 10 tới có vẻ không mấy khả quan do lượng mưa trong năm nay không đủ bởi hiện tượng thời tiết El Nino gây ra khô hạn hơn bình thường cho quốc gia châu Á này.
Sau khi khảo sát các khu vực sản xuất đường chính của Thái Lan, Czarnikow dự báo vụ mía đường niên vụ 2023/24 của nước này chỉ đạt 66,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 90 triệu tấn của niên vụ trước. Thái Lan là nước xuất khẩu đường lớn và thường xuyên trên thế giới.
Việc nghiền mía sẽ bắt đầu vào 3 tháng tới. Muốn cải thiện được năng suất, chỉ có thể trông đợi vào lượng mưa từ nay cho đến tháng 10. Nếu tình hình hiện tại không thay đổi, Czarnikow dự kiến sẽ chỉ có khoảng 1,7 triệu tấn đường được xuất khẩu trong năm 2023/24, lượng xuất nhỏ nhất trong 15 năm qua.
Lượng mưa dưới mức trung bình ở châu Á là nguyên nhân chính đẩy giá đường tăng trong những tháng gần đây, vì nó cũng ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất của Ấn Độ. Giá đường thô đã tăng lên mức cao nhất 4 tháng, còn đường trắng đạt mức cao nhất 12 năm trong tuần đầu tháng 9.
Ukraine
Sản lượng đường của Ukraine trong niên vụ 2023/24 sắp tới được dự báo đạt 1,6 triệu tấn, tương đương hơn 40% so với năm trước, chủ yếu do tăng cường trồng củ cải đường cùng thời tiết thuận lợi, theo Czarnikow.
Czarnikow ước tính, nếu dự báo được xác nhận, quốc gia này sẽ có khoảng 500.0000 tấn đường trắng dư thừa để xuất khẩu.
Czarnikow cũng dự báo sản lượng đường sẽ tăng ở các khu vực quan trọng khác như Trung Quốc, Mexico và Brazil, nhưng lại giảm ở Ấn Độ - nơi lượng gió mùa thấp hơn nhiều so với mức trung bình.
Sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 177,9 triệu tấn, chỉ đứng thứ hai sau mức kỷ lục trong lịch sử. Nhưng mức tiêu thụ đường trên thế giới cũng được dự đoán cao nhất mọi thời đại ở 179 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung sẽ bị thiếu hụt 1,1 triệu tấn vào năm 2023/24, mức thâm hụt thứ hai liên tiếp.
Philippines
Philippines có lượng đường dự trữ dồi dào khi bước vào niên vụ mới trong tháng này, do đó, nước này không có kế hoạch nhập khẩu thêm đường ngay.
Giá đường tăng vọt trong những tháng gần đây đã thúc đẩy Cơ quan Quản lý Đường (SRA) cho phép nhập khẩu để giúp kiềm chế lạm phát cao. Chính phủ quản lý nhập khẩu đường để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương.
Hồi đầu năm, SRA đã phê duyệt nhập khẩu thêm 150.000 tấn đường trắng đế ổn định giá trong nước khi tình trạng thiếu hụt trong nước xuất hiện. Trong niên vụ 2023/24, việc nhập khẩu đường vẫn chưa được cân nhắc.
Đức
Hiệp hội Mía đường của Đức (WVZ) cho biết, sản lượng đường tinh luyện từ củ cải đường của nước này trong niên vụ 2023/24 sắp bắt đầu được dự báo đạt 4,23 triệu tấn, tăng khoảng 9,5% so với niên vụ trước, do năng suất cây trồng tăng (5,5%) và hàm lượng đường trong củ cải dự kiến cao hơn (17,7% từ mức 17,5% của vụ trước).
Hiệp hội WVZ cho biết, trong dự báo thu hoạch đầu tiên, nông dân Đức cũng đã mở rộng diện tích trồng củ cải lên 364.591 ha từ 360.691 ha trong vụ trước.
WVZ dự kiến năng suất củ cải đường sẽ đạt 73,5 tấn/ha, tăng so với mức 70,3 tấn của vụ trước, sau khi thử nghiệm thu hoạch củ cải sớm. Năm ngoái, vụ củ cải đường ở Đức đã bị hạn hán nghiêm trọng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters