Thời điểm này bà con nông dân Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch sắn năm 2016. Tuy nhiên, niên vụ sắn năm nay người dân nơi đây lại một lần nữa chịu cảnh “hai mất”. Năm nay Tây Nguyên chịu sự tác động của cơn đại hạn nghiêm trọng nhất trong 20 năm. Khô hạn, thiếu nước tưới làm cho năng suất cây sắn ở các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông… giảm từ 35 - 40% so với niên vụ trước. Tại Đăk Lăk, sắn được trồng tại Ea Sup, Buôn Đôn, Krông Bông, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắk…Trong đó huyện Ea Súp có diện tích sắn lớn nhất tỉnh với 5.615 ha. Năm trước, thời tiết thuận lợi, mỗi ha sắn cho 30 tấn củ tươi, còn năm nay chỉ còn 16 - 17 tấn/ha, có nơi 10 - 11 tấn/ha.
Không chỉ năng suất, sản lượng sắn giảm mà giá sắn cũng bi đát. Điều này khiến người trồng sắn thêm đau đầu. Nếu đầu vụ, giá sắn tươi từ 1.200 - 1.500 đồng/kg thì nay chỉ còn 600 - 700 đồng/kg.
Nhiều nông dân tại Đăk Lăk đau đầu vì sắn mất mùa, mất giá. Đầu ra của hầu hết các đơn vị sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn đang rất chậm, kéo theo công suất hoạt động của các nhà máy chế biến sắn giảm. Bởi sản phẩm làm ra phụ thuộc lớn vào thị trường, nếu lượng sản phẩm tồn dư nhiều thì nhà máy phải ngừng hoạt động để giải quyết đầu ra.
Ở Tây Nguyên, so với các loại cây trồng khác, sắn có lợi thế vượt trội bởi ngắn ngày, có thể canh tác trên các địa hình dốc, tầng canh tác mỏng, không phù hợp các loại cây trồng khác. Sắn cũng là cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với trình độ canh tác của các hộ đồng bào dân tộc. Sản phẩm sắn có đầu ra đa dạng, với củ tươi được bán cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, sắn lát dùng xuất khẩu hoặc bán các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các nhà máy chế biến cồn… Tuy nhiên, các cơ chế chính sách có liên quan đến quản lý sản xuất, chế biến, xuất khẩu sắn vẫn còn hạn chế. Sản xuất sắn mang tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu thị trường và từ đó bà con ồ ạt chuyển đổi rừng, nương rẫy cũ và diện tích các loại cây trồng khác sang trồng sắn dẫn đến mất cân đối cung - cầu....
Nguồn: nongnghiep.vn