Trên thị trường thế giới, giá cà phê arabica giao sau trên Sàn giao dịch ICE đạt mức cao nhất trong 6 tuần hôm 23/5 do lo ngại về thời tiết lạnh phá hoại vụ mùa của quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu Brazil. Hôm nay, phiên giao dịch cuối tháng 5, giá cà phê thế giới chạm mức cao mới trong 3,5 tháng. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên 30/5 tăng 2,85 US cent hay 2,9% lên 1,0235 USD/lb sau khi đạt đỉnh 1,0275 USD, cao nhất kể từ ngày 8/2. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 44 USD hay 3,1% lên 1.456 USD/tấn.
Theo USDA, sản lượng cà phê năm nay của Brazil sẽ đạt 59,3 triệu bao, giảm 8,49% so với vụ mùa đạt kỷ lục năm ngoái do chu kỳ “hai năm một” của cây cà phê Arabica. Trong đó sản lượng cà phê Arabica giảm 14,94% xuống đạt 41 triệu bao nhưng sản lượng cà phê Conilon Robusta tăng 10,24% lên đạt 18,3 triệu bao. Một số chuyên gia cho biết vụ cà phê năm 2019 của Brazil có chất lượng cao thấp hơn so với vụ trước vì lượng hoa nhiều hơn và mưa cũng nhiều hơn bình thường.
USDA đã dự báo sản lượng cà phê của Indonesia trong niên vụ sắp tới sẽ đạt 10,7 triệu bao, tăng 0.94% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, Indonesia là quốc gia hiện có mức tăng trưởng tiêu thụ nội địa hàng đầu thế giới, dự kiến tiêu thụ sẽ tăng gần 14% trong năm tới, lên khoảng 4,9 triệu bao.
USDA cũng đã dự báo sản lượng vụ mùa sắp tới của Việt Nam khoảng 30,5 triệu bao, cao hơn một chút so với vụ trước, gồm 29,1 triệu bao cà phê Robusta và 1,4 triệu bao cà phê Arabica. Họ cũng dự kiến tồn kho mang sang niên vụ cà phê mới 2019/20 vào khoảng 2,133 triệu bao, sẽ bảo đảm nguồn cung đầy đủ cho thị trường tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu cà phê nước này tháng 2/2019 đạt gần 182 tấn, trị giá 42,56 triệu baht (tương đương 1,33 triệu USD), giảm 60,9% về lượng và giảm 32,6% về trị giá so với tháng 2/2018.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2019, tốc độ nhập khẩu giảm 17,5% về lượng và giảm 22,8% về trị giá, theo đó thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Thái Lan cũng giảm từ 71,4% trong 2 tháng đầu năm 2018, xuống còn 61,8%.
Ở thị trường Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 4/2019 ước đạt 140.000 tấn (khoảng 2,33 triệu bao), cao hơn một chút so với dự báo của giới thương nhân xuất khẩu.
Cục Xuất nhâp khẩu cho biết theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu cà phê của Trung Quốc quý I/2019 đạt 14.294 tấn, trị giá 56,64 triệu USD, giảm 12,6% về lượng và giảm 14,7% về trị giá so với quý IV/2018; tăng 17,6% về lượng, nhưng giảm 29,4% về trị giá so với quý I/2018.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc trong quý I/2019 ở mức 3,96 USD/kg, giảm 2,4% so với quý IV/2018 và giảm 40% so với quý I/2018. Trong đó: Giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam ở mức 1,61 USD/kg trong quý I/2019, giảm 28,4% so quý IV/2018 và giảm 75,2% so với quý I/2018.
Quý I/2019, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ Brazil đạt mức 3,04 USD/kg, tăng 2,2% so với quý IV/2018, nhưng giảm 3,5% so với quý I/2018.
Tương tự, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ Colombia trong quý I/2019 đạt mức 3,64 USD/kg, tăng 7,4% so với quý IV/2018, nhưng giảm 7,8% so với quý I/2018. Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ Indonesia và Hoa Kỳ trong quý I/2019 tăng 1,2% và 3,8% so với quý IV/2018, tăng 11,7% và 3,9% so với quý I/2018 , đạt lần lượt 3,80 USD/kg và 10,22 USD/kg.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Trung Quốc trong quý I/2019, đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá 8,3 triệu USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 36,2% về trị giá so với quý IV/2018, giảm 75,7% về lượng và giảm 75,2% về trị giá so với quý I/2018. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu Trung Quốc giảm từ 42,4% trong quý I/2018, xuống còn 36,1% trong quý I/2019.