Hợp đồng dầu cọ giao tháng 4/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 0,61% lên 3.955 ringgit (908,99 USD)/tấn. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 3.896 ringgit (893,78 USD)/tấn.
Nhà khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 2/2023 tăng 39,3% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi Công ty kiểm tra độc lập AmSpec Agri Malaysia cho biết mức tăng là 32,51%.
Dự trữ dầu cọ của Malaysia cuối tháng 1/2023 tăng lần đầu tiên sau ba tháng, với mức tăng 3,27% so với tháng trước lên 2,27 triệu tấn. Dữ liệu MPOB cho thấy, sự gia tăng này là do nhập khẩu tăng mạnh bù đắp cho sự sụt giảm 14,73% trong sản xuất và giảm gần 23% trong xuất khẩu.
Tuần trước Indonesia cho biết, sẽ xem xét lại tỷ lệ hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ trong bối cảnh giá dầu ăn trong nước tăng cao.
Giá dầu thô giảm sau khi tăng 2% trong phiên trước đó, do các nhà đầu tư bỏ qua tác động của việc Nga cắt giảm sản lượng, thay vào đó tập trung vào lo ngại nhu cầu ngắn hạn bắt nguồn từ việc bảo dưỡng nhà máy lọc dầu ở châu Á và Mỹ. Giá dầu giảm khiến cọ trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,01% và giá dầu cọ tăng 0,71%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,45%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters