Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 7/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 122 ringgit, tương đương 3,29% xuống 3.583 ringgit (807,71 USD)/tấn.
Các nhà khảo sát hàng hóa dự kiến sẽ công bố dữ liệu xuất khẩu trong 25 ngày đầu tháng 4/2023 của Malaysia vào cuối ngày.
Trong 20 ngày đầu tháng 4/2023, xuất khẩu đã giảm 25,8% so với cùng kỳ tháng trước, theo báo cáo của Công ty kiểm định độc lập AmSpec Agri Malaysia hồi tuần trước, và giảm chỉ 20,3% theo báo cáo của Công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services.
Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, xuất khẩu dầu cọ và các sản phẩm từ cọ của Malaysia sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong năm nay sau khi hai nước đẩy mạnh hợp tác.
Anilkumar Bagani, Giám đốc nghiên cứu của Công ty môi giới dầu thực vật Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai cho biết, thị trường cũng đang kỳ vọng nhà sản xuất hàng đầu - Indonesia - sẽ hoàn nguyên chính sách nghĩa vụ đối với thị trường nội địa - yêu cầu một tỷ lệ phần trăm dầu cọ được bán trong nước - trở lại hạn ngạch trước tháng Ramadan. Bagani thêm rằng, thuế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia và thuế xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 5 cũng dự kiến sẽ giảm.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương và giá dầu cọ đều giảm 0,5%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,08%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London tăng 13,7 USD, tương đương 2% lên ở 690,1 USD/tấn. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 1,08 cent, tương đương 4,3% chốt tại 25,91 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 11 năm ở 25,99 US cent/lb.

Theo báo cáo của Livemint, giá đường toàn cầu đang đạt đỉnh cao mới do nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức thấp. Dự đoán xuất khẩu đường từ Ấn Độ giảm và nguồn cung yếu từ Thái Lan, châu Âu, Mexico, Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá đường tăng.
Soren Jensen, một nhà quan sát thị trường, chỉ ra rằng các nhà máy đường của Ấn Độ đã sử dụng hết hạn ngạch xuất khẩu và không có khả năng tăng, nguồn cung từ nhà xuất khẩu đường trắng lớn nhất sẽ ít hơn. Brazil dự kiến sẽ thay thế Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu đường lớn; tuy nhiên, nó có thể không xuất khẩu nhiều như dự đoán ban đầu.
Theo Reuters đưa tin, Diện tích trồng mía ở Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm vào năm 2023 do nông dân chuyển sang các loại cây trồng có lợi hơn như ngô và đậu tương.
Cơ quan cung cấp thực phẩm Brazil Conab cho biết trong báo cáo cuối cùng cho vụ mía 2022/23 (tháng 4-tháng 3), diện tích trồng mía giảm xuống còn 8,29 triệu ha, thấp hơn 0,4% so với niên vụ trước và thấp nhất kể từ năm 2011.
Mặc dù diện tích thấp hơn nhưng năng suất mía được cải thiện do thời tiết thuận lợi. Brazil đã sản xuất 610,10 triệu tấn mía, cao hơn mức kỳ vọng 598,3 triệu tấn cho niên vụ 2022/23.
Sản lượng đường tăng lên 37,04 triệu tấn, tăng 6% và cao hơn 1,8% so với ước tính trước đó của Conab.
Xuất khẩu đường của Brazil đạt trung bình 51.300 tấn/ngày cho tới tuần thứ 3 của tháng này, so với 69.300 tấn/ngày trong cả tháng 4 năm ngoái.
Một phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sẽ sang thăm Nga từ ngày 24 - 27/4 nhằm mở rộng xuất khẩu nông sản của Ấn Độ sang Nga – gồm đường và cà phê – lên tới 5 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters