Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 6/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm nhẹ 0,98% xuống 3.751 ringgit (851,34 USD)/tấn, sau khi tăng tới 7,67% trong bốn phiên vừa qua. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 3.723 ringgit (845,18 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, hợp đồng này đã tăng 6,84% nhưng lại đang trên đà giảm hàng tháng.
Các nhà phân tích cho biết, sản lượng dầu cọ của Malaysia dự kiến sẽ giảm sau khi Hiệp hội các nhà máy xay xát ước tính sản lượng giảm 22,9% từ ngày 1 – 25/3.
Các nhà giao dịch kỳ vọng xuất khẩu cao hơn có thể bù đắp cho sự sụt giảm. Cuối hôm nay 31/3, các nhà khảo sát hàng hóa dự kiến sẽ công bố dữ liệu xuất khẩu.
Đồng ringgit tăng 0,29% so với đồng USD, khiến dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.
Giá dầu tăng hơn 1% do báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ rằng, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần tính đến ngày 24/3 xuống mức thấp nhất trong hai năm, khiến cọ trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 1,41% và giá dầu cọ tăng 0,5%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương giảm 0,26%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 0,71 cent, tương đương 3,3% lên 21,96 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 12,3 USD, tương đương 2% chốt ở 630,7 USD/tấn, sau khi đạt 634,8 USD/tấn – mức đỉnh trong tháng trước kể từ tháng 7/2012.

Các đại lý cho biết, thị trường được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm sau khi sản lượng dự kiến thấp hơn ở một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Thái Lan. Vụ thu hoạch ở khu vực Trung-Nam của Brazil hiện đang bắt đầu.
Liên minh châu Âu (EU) dự báo sản lượng đường giảm sẽ dẫn đến nhập khẩu tăng và diện tích gieo trồng niên vụ 2023/24 giảm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters