Theo Tổng cục Thống kê, hạt tiêu là cây trồng chủ lực của nước ta, tổng diện tích trồng hạt tiêu cả nước vào khoảng hơn 130 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chiếm trên 95% diện tích trồng hạt tiêu của nước; còn lại trồng rải rác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Tuy Việt Nam đứng số 1 thế giới về sản xuất hạt tiêu nhưng còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Việt Nam đã xuất khẩu hạt tiêu đến 105 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất năm 2016 với 1.429,2 triệu USD, sau đó giảm dần vào các năm 2017, 2018, 2019 và năm 2020 chỉ đạt 660,6 triệu USD trong khi lượng xuất khẩu đạt cao nhất với 285,3 nghìn tấn.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chỉ giảm 2% so với mức giảm 9 – 10% của các nhà cung cấp khác như Brazil và Indonesia. Điều này cho thấy, hạt tiêu của Việt Nam vẫn duy trì mức cạnh tranh cao trên thị trường. Giá xuất khẩu hạt tiêu chạm ngưỡng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây đã đưa hạt tiêu trở thành một trong nhưng điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng tiêu sau nhiều năm khó khăn do giá suy giảm.
Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, xuất khẩu hạt tiêu của nước này trong 6 tháng đầu năm đạt 11.277 tấn, trị giá 45,87 triệu USD, tăng 43,5% về lượng và 57,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoảng 54% sản lượng bán ra là hạt tiêu đã xay hoặc nghiền.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 30/9/2021 đến ngày 06/10/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 312,1 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Vinanet/VITIC