Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạoDoanh nghiệp xuất khẩu gạo: Khó chồng khó
Cả nông dân và doanh nghiệp lúa gạo cùng gặp khó
Theo lãnh đạo các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích lúa cần thu hoạch trong tháng 8 và những tháng tới là rất lớn. Đơn cử Đồng Tháp, dự kiến trong tháng 8 sẽ thu hoạch khoảng 27.300ha lúa (Hè thu và Thu đông) ước sản lượng thu hoạch là gần 169.800 tấn. Dự kiến trong tháng 9, tỉnh sẽ thu hoạch 68.350 ha lúa, ước sản lượng thu hoạch gần 392.900 tấn.
Để chuỗi ngành hàng lúa gạo không đứt gãy
Còn tại An Giang dù đã đến đợt thu hoạch được 126.133 ha/228.479 ha vụ Hè thu nhưng chỉ có 15.654 ha được 12 doanh nghiệp thu mua. Dự kiến phần diện tích còn lại hơn 102.000 ha, tương đương hơn 584.000 tấn sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 này.
Tuy nhiên doanh nghiệp cũng đang gặp khó do lượng tồn kho lúa gạo tăng cao. Cụ thể như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đang tồn kho 119.000 tấn gạo, sức chứa các kho gần đầy. Bên cạnh đó, do đứt gãy chuỗi logistics nên việc xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều trở ngại; thiếu nguồn nhân lực tại các nhà máy...
Không riêng Vinafood 1, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng chia sẻ rằng đang bị tắc đầu ra do giãn cách kéo dài. Chẳng hạn với Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc công ty cho biết trong tháng 8 và tháng 9/2021 có đơn hàng xuất khẩu đi hơn 20.000 tấn gạo, tuy vậy thời điểm hiện tại chưa xuất được vì thiếu nhân công và vướng quy định về giãn cách của địa phương.
Tạo thuận lợi để khơi thông đầu ra
Trước khó khăn trên, ngày 9/8, UBND tỉnh An Giang phối hợp UBND các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ và Vinafood 1 đã tổ chức họp trực tuyến về việc kết nối tiêu thụ lúa, nếp. Tại cuộc họp này, 4 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ đã thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, phương tiện trong sản xuất, thu hoạch. Đối với người và phương tiện vận chuyển lúa gạo di chuyển qua các địa phương khác phải có danh sách cụ thể, giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính (bằng phương pháp PCR mẫu gộp).
Các địa phương này còn cho biết sẽ thành lập tổ công tác liên ngành, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, 4 tỉnh còn thống nhất đề nghị Trung ương hỗ trợ lãi suất, gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản…
Trước đó, ngày 5/8, Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp - Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn phía Nam để nắm bắt các khó khăn, kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp.
Sau cuộc họp này, Tổ Công tác đặc biệt đã đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hình thức mẫu gộp đối với từng bộ phận nhân viên làm việc trong nhà máy. Trong trường hợp, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” thì chỉ áp dụng xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho doanh nghiệp có kế hoạch tự quản lý nhân viên và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật….
Về phía VFA cũng cho biết đã gửi công văn đề nghị UBND các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ doanh nghiệp ngành lương thực kết nối vùng sản xuất để tiêu thụ lúa Hè thu 2021 đang vào thu hoạch rộ.

Nguồn: Ngọc Thùy/congthuong.vn