Năm 2023, XK thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm vì giá XK giảm nhưng triển vọng và dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở đối với các doanh nghiệp XK thủy sản.
Năm 2022, XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66% - doanh số kỷ lục và tăng trưởng kỷ lục, sau khi giảm xuống còn 990 triệu USD năm 2021 do những hạn chế bởi dịch Covid.
Năm 2023, XK thủy sản sang Trung Quốc cũng gặp những vấn đề như các thị trường khác: giá giảm, lượng tồn kho cao, do vậy 9 tháng đầu năm doanh thu thủy sản XK sang thị trường này giảm 18% đạt 1 tỷ USD.
Những mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là cá tra (chiếm 40%) và tôm chiếm 38% đều bị giảm giá trị XK sang Trung Quốc, tôm giảm 8%, cá tra giảm 27%.
Các loài hải sản khác XK sang Trung Quốc cũng bị giảm mạnh doanh số, trong đó mực bạch tuộc giảm 10%, cua ghẹ giảm 82%, các loại cá khác vẫn giữ mức tương đường cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, nếu xét riêng từng loài thủy sản thì năm 2023 có nhiều loài có tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng mạnh: như tôm chân trắng, tôm sú, tép biển (ruốc), cá hố, cá chỉ vàng, cá thu, cá đổng, cá nục, cá mắt kiếng, bạch tuộc, nghêu...
Và có một số loài bị sụt giảm doanh số gồm: cá tra, tôm hùm, mực, cua, cá bò, chả cá, surimi..
Các địa phương NK nhiều nhất thủy sản Việt Nam là Quảng Đông, Trạm Giang, Quảng Tây, Phúc Kiến, Thượng Hải...
Trung Quốc ngày càng phụ thuộc thủy sản nhập khẩu
Nhiều DN Việt Nam đã xác định thị trường Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho thủy sản Việt Nam nếu cả ngành thủy sản và cộng đồng DN nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và cơ hội từ thị trường.
Năm 2023 và những năm tới, có một số yếu tố thuận lợi, mang lại cơ hội và dư địa cho thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc: Dịch Covid đã chấm dứt, giao thương của Trung Quốc với thế giới hoàn toàn bình thường; kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu thủy sản đang hồi phục: cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, mực, bạch tuộc;Vị thế địa lý thuận lợi cho các DN Việt Nam XK sang Trung Quốc, chi phí logistic giảm và ít hơn so với các nước khác; Trung Quốc ngừng NK thủy sản từ Nhật Bản, sẽ thay thế bằng các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam…
Một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Dường như các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn, do vậy, đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm, xuất khẩu thủy sản của nước này cũng giảm dần trong những năm gần đây, do cả yếu tố Covid và xu hướng chuyển dịch kinh tế. Do vậy các chuyên gia kinh tế đánh gia Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây.
Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng…khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi đó NK của Trung Quốc đang tăng lên.
Nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, chi phí nhiên liệu sẽ tăng trở lại và tiếp tục xảy ra khủng hoảng năng lượng kết hợp với lạm phát và lãi suất cao, dự báo XK sang thị trường Mỹ, EU năm 2024 – 2025 sẽ càng khó khăn, và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước XK thủy sản.
Chính phục thị trường: cần thêm nhiều nỗ lực
Tuy nhiên, để tận dụng, phát huy tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc và tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn; cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và qui định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách XNK; Mở rộng danh sách DN và các sản phẩm thủy sản được phép XK sang Trung Quốc, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống XK vào Trung Quốc: tôm hùm bông, cua sống...; Hợp tác thúc đẩy các quy trình phê duyệt cấp phép cho các DN được code XK thủy sản sang Trung Quốc: Duy trì thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới; Thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; Hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới.