XK gạo không chỉ còn khó khăn đến hết năm nay mà sẽ còn kéo dài trong những năm tới.  

Trúng thầu vẫn ảm đạm

Ngày 31/8, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã thông báo rằng trong đợt mở thầu mua 250.000 tấn gạo 25% tấm, Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo, 100.000 tấn còn lại do Thái Lan trúng thầu. Trước đây, mỗi lần Việt Nam tham gia đấu thầu XK gạo sang Philippines, thường có tác động tới thị trường lúa gạo ở ĐBSCL (nơi cung ứng trên 90% lượng gạo XK của Việt Nam) theo hướng việc mua bán trở nên sôi động hơn, giá lúa gạo hàng hóa đều tăng lên ít nhiều. Tuy nhiên, sau khi trúng thầu 150.000 tấn nói trên, thị trường lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL vẫn khá yên ắng, nếu không muốn nói là ảm đạm.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân chính là do hiện nay trong kho của các doanh nghiệp đang còn tồn khoảng 1,3 triệu tấn gạo. Trong đó, mới chỉ có 1,1 triệu tấn đã có hợp đồng XK. Với 150.000 tấn vừa trúng thầu, tổng cộng có 1,25 triệu tấn gạo có hợp đồng XK từ nay đến cuối năm, còn lại 50.000 tấn chưa có hợp đồng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp gần như không có nhu cầu phải đẩy mạnh thu mua gạo hàng hóa vào lúc này. Do đó, việc trúng thầu hầu như không làm cho thị trường lúa gạo ở ĐBSCL, vốn đang ảm đạm, trở nên sôi động hơn.

Cũng theo ông Năng, bên cạnh việc mở thầu mua 250.000 tấn gạo nói trên, Phlippines cũng đã giao cho khối doanh nghiệp tư nhân nước này được NK 250.000 tấn gạo. Từ nay đến hết năm, dự kiến NFA sẽ tổ chức thêm 2 đợt mở thầu mua gạo, mỗi đợt 250.000 tấn. Tổng cộng từ nay đến hết năm, Philippines có thể ký hợp đồng NK 1 triệu tấn gạo, với 2 nguồn cung chính là Việt Nam và Thái Lan. Thế nhưng, việc Philippines NK gạo trở lại, vẫn chưa làm cho XK gạo của Việt Nam sẽ sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm, khi mà nhu cầu NK giảm mạnh ở nhiều thị trường quan trọng khác.

Các DN Việt Nam hầu như không còn hy vọng Malaysia sẽ tiếp tục NK gạo trong những tháng cuối năm. Indonesia tuy thực tế bị thiếu hụt 2 triệu tấn gạo nhưng vẫn công bố là có thặng dư lúa gạo và chưa có kế hoạch NK. Trung Quốc dù vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam (chiếm 35,3% tổng lượng gạo XK của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm), nhưng đã giảm nhiều so với năm ngoái, kể cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Theo VFA, trong tháng 8, các DN đã XK được 373.738 tấn gạo, trị giá FOB là 166 triệu USD. Như vậy, trong 8 tháng qua, các DN đã XK được 3,301 triệu tấn gạo, trị giá FOB 1,433 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo XK trong 8 tháng đầu năm nay giảm khoảng 500.000 tấn.

Bởi vậy, theo nhận định của một số doanh nhân ngành gạo, thị trường gạo thế giới cuối năm nay nhìn chung vẫn khá ảm đạm, gạo Việt Nam vẫn phải cạnh tranh rất gay gắt với gạo các nước khác để có được đơn hàng XK.  

Cạnh tranh ngày càng gay gắt

Không chỉ còn khó khăn đến hết năm nay, nhiều khả năng gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngày càng khó khăn, gay gắt hơn trong những năm tới, khi mà nhiều nước NK lớn đang thay đổi chính sách NK gạo và gia tăng mạnh sản xuất trong nước. Trước đây, XK gạo của Việt Nam dựa nhiều vào các thị trường tập trung như Philippines, Indonesia, Malaysia… Nhưng đã có những dấu hiệu rất rõ rệt cho thấy thị trường tập trung đang mất dần đi khi mà nhiều nước XK lớn có sự thay đổi trong chính sách NK gạo. Sự thay đổi rõ nhất có lẽ là ở Malaysia. Theo ông Huỳnh Thế Năng, thay vì NK theo các hợp đồng tập trung như trước đây, Malaysia chuyển sang thương mại hóa hoàn toàn hoạt động NK gạo, tức là giao hẳn cho các công ty tư nhân làm công việc này. Do đó, gạo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất hẳn một thị trường tập trung khá quan trọng trong nhiều năm qua. Philippines tuy vẫn đang duy trì NK gạo bằng hợp đồng tập trung qua hình thức mở thầu, nhưng cũng đang tính tới việc thương mại hóa hoàn toàn đối với công tác NK gạo.

Vừa qua, Quốc hội Philippines đã đề xuất Chính phủ nước này xem xét, bãi bỏ chức năng thương mại của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA), gồm cả chức năng NK gạo, để cơ quan này chỉ còn tập trung vào việc đảm bảo đủ tồn kho đệm gạo. Nếu tổng thống Philippines đồng ý với đề xuất nói trên, nước này sẽ không còn thực hiện NK gạo theo các thỏa thuận Chính phủ nữa, mà giao hết công việc đó cho khối DN tư nhân. Nhiều nước NK gạo lớn đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lúa gạo nhằm gia tăng nguồn cung nội địa. Chẳng hạn, Philippines đã đặt mục tiêu sẽ tự túc được lúa gạo vào năm 2019 nhằm tránh phụ thuộc vào gạo NK....

Nguồn: nongnghiep.vn