Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo đồ 5% tấm giá giảm 2 USD trong tuần này, xuống 341 – 345 USD/tấn trong bối cảnh khan hiếm tiền mặt khiến việc bán lúa vụ Hè của nông dân trở nên khó khăn hơn và đồng rupee cũng đang giảm giá so với USD.
Tháng 11/2016, chính phủ Ấn Độ đã cho ngừng lưu hành các mệnh giá tiền 500 rupee và 1.000 rupee trong cuộc chiến chống tham nhũng. Động thái này khiến hoạt động giao dịch nông sản (bông, gạo và đậu tương) bị gián đoạn bởi nông dân chỉ muốn thanh toán tiền mặt.
Sản lượng lúa vụ Hè của Ấn Độ ước tính đạt kỷ lục 93,88 triệu tấn (niên vụ kết thúc vào tháng 6/2017), tăng 2,81% so với cùng vụ năm trước nhờ mưa thuận gió hòa khiến năng suất tăng.
“Áp lực nguồn cung gia tăng…nhu cầu xuất khẩu đang cải thiện nhưng không đủ mạnh để hấp thụ hết nguồn cung”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền nam Ấn Độ Andhra Pradesh cho biết.
Ấn Độ xuất khẩu khẩu gạo phi-basmati chủ yếu sang các nước châu Phi, và gạo chất lượng cao sang Trung Đông. Từ tháng 4 đến tháng 10/2016, Ấn Độ đã xuất khẩu 3,79 triệu tấn gạo, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, loại 5% tấm giá 355-360 USD/tấn, FOB Bangkok, không thay đổi so với một tuần trước đây.
“Giá ở thời điểm đầu năm cũng như vậy, không thay đổi bởi đang kỳ nghỉ lễ dài ngày”, Reuters dẫn lời ông Kiattisak Kallayasirivat, giám đốc công ty Ascend Commodities-SA ở Bangkok cho biết.
“Nếu không có khách hàng nước ngoài, giá sẽ tăng bởi sản lượng gạo bắt đầu giảm dần do kết thúc vụ thu hoạch”, ông Kiattisak cho biết, và dự đoán những đơn đặt hàng từ Philippines và châu Phi sẽ đẩy giá tăng thêm khoảng 4 USD-5 USD/tấn vào cuối tháng.
Các thương gia Việt Nam báo gạo 5% tấm giá 335 – 345 USD/tấn, FOB, tương tự như cách đây một tuần bởi “khách hàng vẫn đang nghỉ lễ” và “Chúng tôi sẽ không chào bán hợp đồng mới nào cho đến tuần tới”, Reuters dẫn lời một thương gia Việt Nam cho biết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2016 giảm khoảng 25,8% so với năm trước, xuống 4,88 triệu tấn.
Thông tin liên quan
Xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 1% trong năm 2016, đạt 9,6 triệu tấn
Thái Lan đã xuất khẩu 9,6 triệu tấn gạo trong năm 2016, giảm 1% so với năm trước và thấp hươn mục tiêu của Chính phủ, thông tin từ Bộ Thương mại nước này cho biết.
Trị giá xuất khẩu năm vừa qua đạt 150 tỷ baht (4,18 tỷ USD), giảm khoảng 1% so với năm 2015, ông Duangporn Rodphaya, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương cho biết. “Một trong những lý do chính là sức mua yếu đi trên toàn cầu”.
Tháng trước Bộ trưởng Thương mại Apiradee Tantraporn cho biết xuất khẩu gạo năm 2016 có thể đạt 10,5 triệu tấn.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ. 
Thái Lan kỳ vọng xuất khẩu 10 triệu tấn gạo năm 2017
Bộ Thương mại Thái Lan dự đoán nước này sẽ xuất khẩu khoảng 9,5-10 triệu tấn gạo trong năm 2017, xấp xỉ tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 9,5 triệu tấn trong năm 2016.
Một trong những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2017 là nhu cầu tăng cao của thị trường Trung Đông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu gạo sẽ cao hơn trong năm 2017.
Ngoài ra, giá dầu tăng và diễn biến của thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và giá gạo.
Về phía Thái Lan, chính sách giảm sản lượng và diện tích gieo trồng gạo cũng như kế hoạch "xả" hoàn toàn lượng gạo trong kho dự trữ quốc gia của chính phủ cũng sẽ ảnh hưởng đến giá gạo trên thị trường.
Hợp đồng bán gạo giữa Chính phủ Thái Lan và các quốc gia trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến khối lượng và giá trị xuất khẩu của mặt hàng gạo trong năm 2017.
Myanmar sẽ xuất khẩu gạo sang Pakistan, cạnh tranh với Việt Nam
Theo THX, truyền thông chính thức ngày 4/1 đưa tin Pakistan đã đề xuất với Myanmar về việc mua gạo của quốc gia Đông Nam Á này theo cơ chế liên chính phủ (G-to-G).
Quốc gia này cũng là đích xuất khẩu gạo tiếp theo của Myanmar, một phần của những nỗ lực nhằm tăng cường xuất khẩu mặt hàng này.
Mặc dù hạn chế về công nghệ, song Myanmar đang cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Pakistan trên thị trường gạo.
Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Myanmar, chủ yếu giao dịch qua biên giới. Các nước khác mà Myanmar xuất khẩu gạo sang là Indonesia, Singapore, những nước châu Âu, châu Phi, Nga và Brazil.
Myanmar đã xuất khẩu 767.753 tấn gạo trong tài khóa 2015-2016.
Lào tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Lào có kế hoạch tăng lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2017 sau khi nhận thấy thị trường đông dân nhất thế giới này đánh giá cao chất lượng gạo xuất khẩu của Lào.
Lào bắt đầu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc từ năm 2015. Trong năm 2016, Lào đã xuất khẩu khoảng 4.200 tấn gạo nếp và gạo tím (purple rice) sang Trung Quốc và dự kiến con số này sẽ tăng lên trên 8.000 tấn vào năm 2017 do nhu cầu gạo Lào tại thị trường Trung Quốc gia tăng.
Chuyến hàng 100 tấn gạo Lào đầu tiên xuất sang Trung Quốc có giá 58 Nhân dân tệ/kg (trên 190.000 đồng/kg). Việc Lào xuất khẩu được gạo hữu cơ vào thị trường Trung Quốc được xem là một bước đột phá lớn, mở ra cơ hội cho gạo Lào trong việc tiếp cận một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
Kể từ năm 2.000, Lào đã xuất khẩu trên 300.000 tấn gạo/năm sang các nước Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác.
Hiện các sản phẩn gạo xuất khẩu chính của Lào đến chủ yếu từ tỉnh Savannakhet, Trung Lào. Tỉnh Savannakhet đang áp dụng mô hình "Khuyến khích đầu tư 2+3", theo đó, người dân góp đất và lao động, trong khi công ty đầu tư sẽ cung cấp vốn, trợ giúp kỹ thuật và thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Các quan chức phụ trách nông nghiệp của Lào cho biết thách thức lớn nhất hiện nay cho đầu ra của gạo hữu cơ Lào là mức giá tương đối cao của các sản phẩm gạo và chi phí vận chuyển cao so với các nước láng giềng.
Trong năm tài chính 2015-2016, sản lượng gạo của Lào đã đạt 4,12 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4,35 tấn vào năm 2017. Lào có kế hoạch sẽ sản xuất khoảng 5 triệu tấn gạo vào năm 2020 để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. 
Bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10257/VPCP-KTTH ngày 28 tháng 11 năm 2016, ngày 4/1/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký bãi bỏ Quyết định số 6139/QĐ-BCT. Theo Quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT (quy định khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo, quy định khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo) đã được chính thức bãi bỏ.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xuất khẩu gạo khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc bãi bỏ quy định này góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trước đó ngày 19/9/2016, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn triển khai thực hiện Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã có công văn số 8768/BCT-XNK kiến nghị Chính phủ xem xét, cho phép bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo ban hành kèm theo Quyết định số 6139/QĐ-BCT.

Nguồn: VITIC/Reuters, TTXVN

Nguồn: Vinanet