Theo Bloomberg, ngành cà phê Brazil vừa phải hứng chịu thiệt hại kép từ đợt hạn hán kéo dài và đợt lạnh kỷ lục trong vòng 25 năm qua. Diễn biến thời tiết cực đoan dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2022 – 2023 giảm 1 – 2 triệu bao (60 kg/bao).
Ngoài ra, vụ cà phê Brazil có thể thành vụ mùa thảm hại nhất nếu hiện tượng La Nina trở lại, ảnh hưởng đến lượng mưa trong khu vực.
Trao đổi với người viết, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca Cao Việt Nam (VICOFA) cho biết: "Ngược với Brazil, niên vụ cà phê 2020 – 2021 của Việt Nam khá thành công nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng cà phê vẫn duy trì ở mức 26 – 27 triệu bao.
Bởi chiến lược phát triển của ngành cà phê là tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thông qua chế biến sâu. Diện tích duy trì hoặc giảm dưới mức 675.000 ha".
Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch cà phê gặp nắng đẹp, người dân tranh thủ phơi giúp hạt cà phê không bị đen, chất lượng vượt trội hơn mọi năm.
Vụ thu hoạch cà phê vào đợt nắng đẹp, chất lượng cà phê vượt trội hơn mọi năm (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản)
Theo thống kê, cà phê Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 14% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil.
Nhiều giả thiết cho rằng liệu sản lượng cà phê của Brazil giảm có phải là cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Nói về vấn đề này, ông Tự cho biết thị phần của Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức 18% sản lượng cà phê thế giới do diện tích, sản lượng không biến động nhiều. Do vậy, dù sản lượng cà phê Brazil giảm, Việt Nam cũng khó gia tăng thị phần xuất khẩu.
Không giống như các mặt hàng khác, cà phê có thể bảo quản 2 – 3 năm, việc bán hay không phụ thuộc vào giá chứ không quan trọng về thời gian.
"Giá cà phê sẽ có xu hướng tăng nhưng sẽ không tăng đột biến do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua ngành du lịch giảm mạnh nên khó kỳ vọng Brazil mất mùa mà giá cà phê Việt Nam tăng lên ngay được", ông Tự nói.
Đại diện VICOFA nhận định giá cà phê không chỉ phụ thuộc vào yếu tố cung cầu mà khối lượng giao dịch trên sàn quốc tế cũng chi phối mạnh, giá cà phê biến động theo các phiên giao dịch.
Cụ thể, trên sàn giao dịch liên lục địa (ICE), ngày 27/7, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9 đạt 1.964 USD/tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020.
Phiên giao dịch ngày 27/7, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 9 tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020. (Nguồn: ICE)
Cùng ngày trên sàn ICE, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9 đạt 208 US cent/pound, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020.
Phiên giao dịch ngày 27/7, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9 tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020. (Nguồn: ICE)
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định giá cà phê robusta và arabica toàn cầu tăng do sản lượng Brazil và báo cáo tồn kho ở Bắc Mỹ giảm.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển quá cao khiến việc giao hàng từ các nước sản xuất lớn Brazil, Việt Nam bị chậm lại cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng.
Như vậy, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, giá cà phê thế giới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Đại diện VICOFA cho biết nguồn cung thế giới thiếu hụt cũng tác động tích cực, bình quân giá cà phê xô đạt 36.000 – 37.000 đồng/kg.
Theo đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam ngày 27/7 cũng biến động cùng chiều với giá cà phê thế giới, tăng 5.400 – 6.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020.
Ngày 27/7, giá cà phê xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 5.400 – 6.300 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. (Biểu đồ: Hoàng Anh)
"Đây cũng là thời điểm kết thúc chu kỳ giảm giá 4 năm liên tiếp. Nhưng chu kỳ tăng giá thường khá ngắn do các đối tác thường chờ cơ hội giá thấp để mua hàng", ông Tự nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê ước đạt 825 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, giảm 12% về lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu cà phê sang hai thị trường chính EU và Mỹ giảm nhưng xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia tăng.
Cục lý giải xuất khẩu cà phê giảm từ đầu năm đến nay chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu. Đồng thời, tình trạng thiếu container và giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng 6 lần khiến doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ vấn đề logistics, VICOFA vừa gợi ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển hàng hóa theo đường sắt để giảm chi phí và gánh nặng vận tải.
Thời gian vận chuyển sang Mỹ, EU kéo dài tới 25 – 27 ngày song giá cả hợp lý và đặc trưng cà phê xuất khẩu dạng khô, chất lượng không bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển.
"Tuy nhiên, con đường mới này phải qua cảng Trung Quốc và hiện cũng phát sinh một vài vướng mắc, Hiệp hội và các doanh nghiệp đang trong quá trình xử lý".
Trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu cà phê tiếp tục tập trung ở hai thị trường lớn là EU chiếm 40% sản lượng cà phê xuất khẩu và Mỹ chiếm 20% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
"Đây là hai thị trường khó tính bậc nhất, đóng vai trò quyết định thành bại của xuất khẩu cà phê. Do đó, nông dân cần dứt khoát bỏ thuốc diệt cỏ cho cây cà phê bởi nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Ngành cà phê không thể để mất những khách hàng lớn này", ông Tự nói.