Giảm cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, xuất khẩu gạo cả năm cán đích khoảng 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu gạo cả năm ước đạt khoảng 6,2 - 6,3 triệu tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 2,7 triệu tấn, đạt trị giá 1,48 tỷ USD, giảm 11,3% về khối lượng và giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn 20 USD/tấn so với giá gạo Thái Lan và hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Mới đây, để đảm bảo an ninh lương thực và giảm lạm phát, Phillipines đã xoá bỏ sự chênh lệch về mức thuế giữa nhập khẩu từ ASEAN, ngoài ASEAN và thuế tối huệ quốc (MFN) phần còn lại với mục tiêu tăng nhập khẩu gạo rẻ hơn từ Ấn Độ và Pakistan.
Về những khó khăn, thách thức mà sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam phải đối mặt thời gian tới, Bộ Công Thương đánh giá, tình hình thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp như: hình thái thời tiết cực đoan như bão, lũ,... ngày càng nhiều với cường độ ngày càng tăng, xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn tại khu vực ĐBSCL.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi diện tích cây trồng cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tác động đến nguồn cung.
Cùng với đó, các nước sản xuất (cả nước xuất khẩu và nhập khẩu) đều nỗ lực gia tăng sản lượng làm gia tăng nguồn cung.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ số giá lương thực liên tục tăng cao, bao gồm cả gạo, lúa mì, ngô,... Giá gạo trong nước và xuất khẩu năm 2021 vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm 2020, ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu để sản xuất chế biến, giá thành cao, khó khăn trong giao dịch chào bán.
“Cùng với đó, việc đồng bath (Thái Lan) và đồng rupee (Ấn Độ) mất giá trong những tháng đầu năm 2021 cũng đã tác động làm giảm giá gạo Thái Lan và Ấn Độ. Những yếu tố này dẫn đến giá gạo Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý là, hai thị trường lớn của Việt Nam là Philippines và Trung Quốc hiện đang có xu hướng mua chậm lại hơn so với đầu năm. Một số nước nhập khẩu tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm dịch để kiểm soát nhập khẩu.
Bên cạnh khó khăn, Bộ Công Thương đánh giá xuất khẩu gạo thời gian tới cũng có yếu tố thuận lợi nhất định. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và có hiệu lực như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA)... với những ưu đãi về mặt thuế quan đã giúp gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Nhờ đó, Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán gạo cao hơn so với gạo trắng, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt Nam và Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác dù một số nước khác có lợi thế hơn trong ngắn hạn khi thuế được giảm.
Với tiến độ xuất khẩu và giá xuất khẩu ở mức cao như những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả năm ước đạt khoảng 6,2-6,3 triệu tấn, trị giá đạt 3,1-3,2 tỷ USD, đảm bảo tiêu thụ hết thóc gạo cho người nông dân với giá có lợi.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa tại ruộng bình quân trong tháng 5/2021 là 6.338 đối với lúa hạt dài, là 6.185 đồng/kg đối với lúa thường, tăng khoảng 650 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Theo công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất bình quân thóc kế hoạch vụ Đông Xuân 2020-2021 ở mức 3.223 đồng/kg.

Nguồn: Thanh Nguyễn/ HQ Online