Giá tăng hơn 53%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, XK hồ tiêu của Việt Nam đạt 77,81 nghìn tấn, trị giá 362,73 triệu USD, giảm 16,6% về lượng nhưng tăng 28% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá XK bình quân đạt mức 4.662 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy, từ cuối quý 4/2021, giá tiêu liên tục dao động trong khoảng 80.000 đồng/kg và kéo dài đến qua tết Nguyên đán 2022 (7/2/2022) trước khi tăng lên 86.500 đồng/kg, mức cao nhất từ đầu năm 2022 vào giữa tháng 2 (17/2/2022). Tuy nhiên, ngay sau đó giá giảm trở lại bình quân mỗi tuần giảm 1.000-2.000 đồng. Giá giảm trong quý 1/2022 do trùng với vụ thu hoạch cao điểm của Việt Nam và một số nước sản xuất khác, nguồn cung khá dồi dào. Một nguyên nhân khác khiến giá giảm là do XK sang Trung Quốc giảm 81% do tình trạng đóng cửa đường biên giới.
Đến đầu tháng 5/2022, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa phục hồi nhờ việc Trung Quốc mở cửa để thông quan hàng hóa. Tuy nhiên, sự phục hồi không kéo dài do giới đầu cơ liên tục bán ra, trong khi nhu cầu của thị trường nước ngoài vào thời điểm này không cao. Hiện vẫn đang là thời điểm giao nhận hàng đã ký từ năm ngoái nên khách hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng mới.
Ví dụ điển hình như ngày 18/5/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với ngày 28/4/2022, xuống còn 73.000–76.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 114.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/ kg so với cuối tháng 4/2022, nhưng vẫn cao hơn so với mức 100.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021. “Giá hạt tiêu tăng trở lại hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thu mua của thị trường Trung Quốc”, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nói.
Dù trị giá cũng như giá XK hồ tiêu tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, song Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua giá phân bón tăng gần gấp đôi so với năm trước, cùng với đó là giá nhân công, xăng dầu... đã “bào mòn” hết lợi nhuận của người nông dân trồng tiêu. Các DN cũng chịu nhiều ảnh hưởng không kém khi giá logistics tiếp tục đứng ở mức cao trong suốt nhiều tháng. Thêm vào đó, việc áp dụng thu phí cảng biển của TPHCM từ ngày 1/4/2022 càng khiến khó khăn của DN thêm chồng chất.
Cần thận trọng trong ký kết hợp đồng
Sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng với các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân, giá thuốc và nhân công tăng. Trong khi đó, quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn thứ 2 toàn cầu là Brazil vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và trị giá XK.
Bên cạnh đó, sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới khi XK hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo tiếp tục giảm; đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ, gây áp lực lên giá tiêu trong nước. Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.
“Áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều DN XNK gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, thiếu container vẫn còn tiếp diễn. Theo thông báo mới nhất của hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022 giá cước đi châu Âu (đang khoảng 7.300 USD cho mỗi container 20 feet) sẽ tăng thêm từ 800 - 1.000 USD. Dự báo, giá xăng dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn tăng khi chiến sự Nga và Ukraine vẫn còn diễn ra căng thẳng. Do đó, các DN cần thận trọng trong việc đàm phán ký kết hợp đồng để tránh rủi ro trong việc giá cước vận tải tăng đột biến”, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, chia sẻ sâu hơn về những khó khăn DN ngành hồ tiêu đang phải đối mặt, ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty TNHH An Phong Đắk Nông kiêm Chủ tịch Hội Hồ tiêu Đắk Song cho biết, DN yếu tiềm lực tài chính, khó khăn đầu ra. DN khó tiếp cận các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, dự án “Hồ tiêu không chỉ là gia vị” của Công ty TNHH An Phong Đắk Nông hiện tạm hoãn do khó khăn về cơ chế và chính sách vốn.
Nói về kế hoạch mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Phát triển Bền vững của Simexco Đắk Lắk cho biết: khó khăn hiện nay là diện tích manh mún, khó đánh giá tập trung cộng thêm sốt đất khiến nông dân không duy trì sản xuất, thiếu cam kết trong sản xuất bền vững. Trong khi đó, vấn đề dư lượng đối với hoạt chất cấm vẫn phát hiện, tồn dư chất độc trong đất vẫn còn.
Nhìn nhận cơ quan quản lý nhà nước chưa theo sát sản xuất thực tế; nông dân canh tác tự phát, chạy theo số lượng; công tác nghiên cứu giống hạn chế, ông Nho Lý cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của nhà nước ở công tác nghiên cứu giống; đồng thời cơ chế, chính sách cho DN cần nới lỏng để DN có thể tiếp cận được. “DN cũng rất cần sự hỗ trợ nhằm tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu sạch, nâng cao chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, kết nối DN bao tiêu sản phẩm đầu ra”, ông Lý nói.

Nguồn: Haiquanonline