Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh
Thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá XK rau quả trong tháng 9/2021 đạt 250 triệu USD, tăng 9,2% so với tháng 8/2021 và tăng 5,2% so với tháng 9/2020. Trong 9 tháng năm 2021, trị giá XK rau quả ước đạt 2,77 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Xu hướng phát triển của kim ngạch XK rau quả từ đầu năm đến nay cho thấy tăng trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5, kim ngạch đã đi xuống, đến tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch XK giảm. "Do tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh nhất làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là lý do chính khiến XK mặt hàng rau quả giảm liên tiếp", đại diện Cục Xuất nhập khẩu lý giải.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan về tình hình XK rau quả tăng trở lại trong tháng 9/2021, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Các vấn đề về vận chuyển liên vùng, liên tỉnh bắt đầu đỡ căng thẳng hơn trước chính là yếu tố tác động tích cực tới tình hình XK rau quả”.
Trong “bức tranh” XK rau quả từ đầu năm đến nay, đáng chú ý nhất là tình hình XK sang Trung Quốc. Tháng 8/2021, XK rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Trung Quốc đã tạm ngừng NK thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khiến thanh long trong nước giảm giá mạnh. Nguyên nhân phía Trung Quốc đưa ra là do hàng hóa Việt Nam nghi nhiễm SARS-CoV-2.
“Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xu hướng XK rau quả tới thị trường Trung Quốc giảm tốc nhanh nhất so với các thị trường khác. Trung Quốc là thị trường XK hàng rau quả của chính của Việt Nam. Do đó, việc tăng mạnh XK sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia... cũng chưa bù đắp được mức giảm xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, mới đây phía Trung Quốc thông báo thanh long XK từ Việt Nam bị phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói, cụ thể là lô hàng của tỉnh Bình Thuận. Ngay sau đó, tỉnh Bình Thuận có phản hồi, phía Trung Quốc chỉ thông báo như vậy, không cung cấp chứng cứ. Mặc dù vậy, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ xem các lô hàng thanh long có virus SARS-CoV-2 như thông báo của phía Trung Quốc hay không. “Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) đã lên tiếng khẳng định không có bằng chứng và cơ sở cho rằng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm qua bao bì nông sản và thực phẩm”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.
Về đích 3,5 tỷ USD
Liên quan tới lý do Trung Quốc tạm ngừng NK thanh long Việt Nam do phát hiện có virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng đây chưa phải là nguyên nhân sâu xa. Mấu chốt là bởi Trung Quốc muốn siết chặt khâu kiểm dịch, bảo vệ cho hàng hoá nội địa. Đơn cử như với mặt hàng thanh long, năm 2018 Trung Quốc mới trồng diện tích khoảng 10.000 ha. Vài năm gần đây, diện tích thanh long của Trung Quốc mỗi năm tăng gấp đôi, đến nay đã khoảng 40.000-50.000 ha.
“Năm 2019, 2020, XK rau qủa của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch XK rau quả, tuy nhiên năm nay con số này chỉ còn 58%. Tương lai, tỷ trọng XK rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tổng kim ngạch XK nói chung có thể sẽ còn giảm nữa”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Thời gian tới, việc tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để mở rộng, đẩy mạnh XK sang các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản… được không ít chuyên gia nông nghiệp nhận định là hướng đi rất quan trọng giúp XK rau quả bền vững hơn, bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, vấn đề của ngành rau quả Việt Nam hiện nay là hàng hoá trồng theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU… chưa nhiều. Mỗi thị trường có quy định, tiêu chuẩn về hàng hoá riêng, không thể lấy hàng hoá vốn để tập trung XK sang Trung Quốc rồi chuyển hướng ngay XK sang Mỹ, EU, Nhật Bản… được.
Muốn tăng XK rau quả sang thị trường khác ngoài Trung Quốc, trước hết cần có chiến lược tăng diện tích trồng đáp ứng yêu cầu của từng thị trường. Các DN cần coi trọng hơn nữa nghiên cứu thị hiếu thị trường kết hợp với thay đổi công nghệ trồng trọt, bảo quản, chế biến. “Ví dụ, thị trường Trung Quốc thích mua sản phẩm nguyên quả, còn thị trường EU lại thích phải chia nhỏ, chế biến sâu hơn. Đối tác Trung Quốc có thể mua cả nải chuối, còn khi XK sang Mỹ, EU lại phải chia nhỏ vài quả một đóng gói với nhau mới có thể XK; hay sầu riêng Trung Quốc thường mua nguyên quả, song các thị trường khác lại thích chia múi… DN phải đặc biệt lưu ý tất cả các yếu tố”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Về XK rau quả từ nay đến cuối năm, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng cũng không quá khả quan bởi trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phía Nam thời gian qua đã khiến không ít DN phải tạm thời đóng cửa. Đến nay, khi DN mở cửa hoạt động trở lại lại rơi vào tình trạng thiếu lao động, làm giảm công suất nhà máy. Tổng trị giá XK rau quả cả năm dự kiến tăng khoảng 10% so với năm trước, đạt khoảng 3,4-3,5 tỷ USD.
 

Nguồn: haiquanonline/Thanh Nguyễn