Tính chung trong quý I/2023, xuất khẩu thịt lợn đạt 716.691 tấn, trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 14% về khối lượng và tăng 15% về kim ngạch so với quý I/2022.
Ông Dan Halstrom - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USMEF cho biết, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ tiếp tục tăng ở nhiều thị trường Tây bán cầu và các thị trường Châu Á Thái Bình Dương. Với mức tiêu thụ trong khu vực phục hồi về bằng mức trước dịch COVID và thịt lợn của Mỹ có giá rất cạnh tranh so với sản phẩm châu Âu, do đó năm 2023 xuất khẩu thịt lợn của Mỹ rất có tiềm năng tăng trưởng trên diện rộng.
Tháng 3 xuất khẩu thịt lợn sang Mexico đạt 95.030 tấn, tăng 15% so với tháng 3/2022 và là tháng đạt mức cao thứ hai (sau tháng 1/2023), giá trị tăng 31% lên 195,7 triệu USD. Tính chung trong quý I/2023 xuất khẩu thịt lợn sang Mexico đã tăng 11% lên 270.056 tấn, trong khi giá trị tăng 34% lên 541,7 triệu USD. Thịt lợn Brazil đã được tiếp cận thị trường Mexico từ cuối năm 2022 với một lượng nhỏ, nhưng xuất khẩu tháng 2/2023 đã đạt 27 tấn và tháng 3/2023 đạt 189 tấn.
Xuất khẩu thịt lợn tháng 3 sang Cộng hòa Dominica đạt 13.181 tấn, tăng 87% so với tháng 3/2022 và phá vỡ kỷ lục trong tháng 2/2023 là 10.681 tấn. Giá trị xuất khẩu cũng đạt kỷ lục 33,6 triệu USD, tăng 88%. Với sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch, nhu cầu bán lẻ mạnh mẽ, lợi thế thuế quan đáng kể so với các nhà cung cấp lớn khác và sản xuất trong nước vẫn còn hạn chế do dịch tả lợn châu Phi (ASF), xuất khẩu quý I/2023 sang Dominica đã tăng 72% so với tốc độ kỷ lục của năm ngoái lên 32.047 tấn , trong khi giá trị xuất khẩu tăng 87% lên 85,1 triệu USD. Xuất khẩu cũng có xu hướng tăng cao sang thị trường Bahamas, Quần đảo Leeward-Windward, Antilles thuộc Hà Lan và Quần đảo Cayman, đồng thời tăng trở lại sang Trinidad và Tobago, nâng khối lượng xuất khẩu trong quý I/2023 sang Caribe tăng 63% lên 36.598 tấn, trị giá 101,5 triệu USD (tăng 72%).
Với việc giảm thuế nhập khẩu và sản xuất tại thị trường Philippines vẫn đang khó khăn để phục hồi sau dịch ASF, do đó nhu cầu đối với thịt lợn Mỹ đang tăng. Xuất khẩu tháng 3 đạt 5.077 tấn là mức lớn nhất kể từ tháng 8/2022, tăng 65% so với tháng 3/2022, trị giá 9,6 triệu USD (tăng 42%). Xuất khẩu trong I/2023 sang Philippines đạt 11.769 tấn, tăng 49%, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 43% lên 28,9 triệu USD.
Đối với khu vực ASEAN, xuất khẩu quý I/2023 tăng 49% về lượng (13.960 tấn) và 40% về giá trị (35,2 triệu USD). Xuất khẩu sang Malaysia đạt tốc độ kỷ lục 556 tấn, tăng so với chỉ 73 tấn trong quý I/2022, ttrong đó riêng tháng 3/2023 đạt kỷ lục 467 tấn do sản xuất của Malaysia cũng bị ảnh hưởng bởi dịch ASF và chi phí đầu vào cao.
Các thị trường xuất khẩu thịt lợn nổi bật khác của Mỹ trong quý I/2023 gồm: Xuất khẩu thịt lợn tháng 3 sang Hàn Quốc tăng 26% so với tháng 3/2022 lên 19.054 tấn, với giá trị tăng 14% lên 58,6 triệu USD, nâng khối lượng quý I/2023 tăng 3% so với quý I/2022, mặc dù giá trị vẫn giảm 7% xuống còn 143,4 triệu USD.
Sau khi có xu hướng giảm trong những năm gần đây, xuất khẩu thịt lợn sang Australia – thị trường trọng điểm đối với thịt mông và thăn không xương để chế biến – đã bắt đầu phục hồi vào năm 2023. Xuất khẩu trong quý I/2023 tăng 26% so với quý I/2022 cả về khối lượng (10.106 tấn) và giá trị (36 triệu USD).
Xuất khẩu thịt lợn sang Nhật Bản cũng tăng cao trong tháng 3, tăng 4% lên 33.297 tấn, mặc dù giá trị ggiarm nhẹ đạt mức 133,1 triệu USD. Trong quý I/2023, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 1% về lượng (90.329 tấn) và giảm 8% về giá trị (362,8 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Trung Quốc/Hồng Kông tiếp tục có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với lượng hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tăng 29% lên 134.881, trong khi giá trị xuất khẩu tăng 26% lên 352,2 triệu USD.
Nhu cầu đối với thịt lợn Mỹ cũng đang hồi phục tại thị trường Đài Loan, khối lượng quý I/2023 tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, tăng 191% lên 1.492 tấn. Giá trị xuất khẩu tăng 275% lên 5,5 triệu USD.
Trung Quốc/Hồng Kông vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thịt lợn Mỹ, bên cạnh đó xuất khẩu quý I cũng tăng đáng kể sang Mexico, Philippines, Colombia, Cộng hòa Dominica, Honduras và Việt Nam, đạt 147.338 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, giá trị tăng 23% lên 345,6 triệu USD.