Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), trong tháng 9 xuất khẩu tiêu của Brazil, nước xuất khẩu tiêu lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, đã tăng 34% so với tháng trước lên 8.063 tấn.
Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu tiêu của Brazil vẫn giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 59.739 tấn.
Trong đó, Việt Nam đã nhập khẩu 12.997 tấn tiêu từ Brazil trong 9 tháng đầu năm với trị giá 4,9 triệu USD, tăng 2,7 lần về lượng và 3,8 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là khối lượng tiêu lớn nhất mà Việt Nam từng nhập khẩu từ Brazil từ trước đến nay.
Qua đó đưa Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tiêu lớn nhất từ Brazil, chiếm 22% thị phần xuất khẩu tiêu của nước này so với mức 8% của cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Comex Stat (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Tính riêng trong tháng 9, Việt Nam đã nhập khẩu 2.246 tấn tiêu Brazil, tăng 52,7% so với tháng trước.
Ngoài Việt Nam, Brazil cũng đẩy mạnh xuất khẩu tiêu sang một số thị trường khác trong tháng 9 như: UAE tăng 35,7%, Morocco tăng 72,7%, đặc biệt Đức tăng hơn 7 lần…
Tiêu đen của Brazil đang thu hút được các nhà nhập khẩu nhờ lợi thế giá cả cạnh tranh và nguồn cung dồi dào khi nước này đang trong vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.
Trên thị trường thế giới, tính đến ngày 11/10 giá tiêu Brazil đang được chào bán ở mức 2.600 USD/tấn so với 3.250 – 3.350 USD/tấn đối với tiêu đen 500 – 550 g/l của Việt Nam và mức giá 3.824 USD/tấn của Indonesia.
Số liệu từ IPC. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Giá tiêu của Brazil khá cạnh tranh nhưng trở ngại lớn nhất của ngành tiêu nước này vẫn là sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella trên tiêu đen khiến Brazil gặp không ít khó khăn trong việc mở rộng thị phần tại các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU hay Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang là quốc gia có công nghệ chế biến tiêu hiện đại nhất thế giới. Vì vậy, ngoài xuất khẩu Việt Nam còn là một trong những nước nhập khẩu và chế biến tiêu hàng đầu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hiên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu, cho rằng trong thời gian tới, khả năng Brazil có thể sẽ chiếm các thị trường quan trọng của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nếu Brazil thay đổi công nghệ để khắc phục ETO.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Phúc Thịnh, việc xử lí ETO cũng không quá phức tạp, do đó việc Brazil thay đổi công nghệ để xử lý ETO là điều hoàn toàn khả thi.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay ngành tiêu đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bao gồm cả việc bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 174.536 tấn, trị giá 770,4 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu trong nước đang dao động ở mức 60.000 – 62.500 đồng/kg, giảm 27% so với mức giá 80.000 – 85.000 đồng/kg hồi đầu năm nay.