Cụ thể, diện tích đậu tương được đánh giá tốt – tuyệt vời đạt 52%, giảm 2% so với báo cáo trước và dưới 60% cùng kì năm ngoái. Đây cũng là chất lượng thấp nhất trong 3 tuần vừa qua. Tương tự như ngô, sự sụt giảm lớn nhất được ghi nhận ở Kansas, Minnesota và Dakotas. Điều kiện thời tiết cải thiện ở phía đông đã bù đắp một phần cho những thiệt hại do hạn hán vẫn duy trì ở phía tây khu vực Midwest. Tại bang Illinois, bang sản xuất hàng đầu tại Mỹ, chất lượng đậu tương đã tăng 5 tuần liên tiếp. Mặc dù báo cáo sáng nay thiên về tác động “bullish” khi chất lượng đậu tương giảm mạnh hơn so với dự đoán của thị trường nhưng khả năng đà tăng có thể sẽ không kéo dài. Dự báo thời tiết trong tháng 8 này sẽ ghi nhận lượng mưa xuất hiện ở Midwest, cùng với nhiệt độ trở nên ôn hòa hơn. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy năng suất mùa vụ có thể sẽ cải thiện và tình hình cây trồng có thể không nghiêm trọng như những dự đoán trong giai đoạn hạn hán vừa qua. Trước đó, một số đánh giá so sánh sự tương đồng giữa hạn hán năm nay vào năm 2012 và thị trường còn đưa ra dự đoán năng suất cây trồng có thể sẽ sụt giảm mạnh như trong quá khứ. Chính vì vậy, việc thời tiết cải thiện tỏng gia iddoajn quan trọng sẽ xóa đi những lo ngại trên và tạo áp lực tới giá.
Ngoài ra, tại Argentina, Các chuyến hàng ngũ cốc tại cảng Rosario của Argentina đã bình thường hóa vào chiều ngày 31/07 sau khi các kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng ngũ cốc tạm dừng cuộc biểu tình kéo dài hàng giờ theo lệnh của chính phủ, Phòng Hoạt động Cảng và Hàng hải của Argentina (CAPyM) và liên đoàn URGARA cho biết.

Giá arabica có thể điều chỉnh sau phiên tăng mạnh hôm qua
Kết thúc phiên giao dịch 31/07, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, giá arabica tăng hơn 4% khi tiến độ thu hoạch cà phê chậm lại. Cụ thể, tiến độ thu hoạch Arabica tính đến ngày 25/07, đạt 65% diện tích dự kiến, thấp hơn mức 66% trong cùng kỳ năm trước và kém 6% so với mức trung bình 5 năm. Giá robusta cũng tăng hơn 1% trong bối cảnh xuất khẩu vẫn còn ảm đạm tại Việt Nam và Indonesia.
Sau một vài đợt bổ sung “nhỏ giọt”, tồn kho arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đang có xu hướng quay lại đà giảm trước đó. Kết thúc ngày 31/07, lượng cà phê đang lưu trữ trên Sở ICE ở mức 528.752 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 8 tháng. Hơn nữa, không có bao cà phê nào chờ phân loại ở thời điểm hiện tại, điều này đưa đến khả năng tồn kho sẽ nhanh chóng trở lại đà giảm trước đó và gây tác động “bullish” đến giá.
Dù vậy, theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), xuất khẩu cà phê tại Brazil trong tháng 7 có sự tích cực nhất định. Cụ thể, Brazil đã vận chuyển được 2,68 triệu bao cà phê loại 60kg, tăng so với mức 2,59 triệu bao của tháng trước và 2,52 triệu bao trong cùng kỳ năm 2022. Dù lực tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi sự vụt lên của cà phê robusta nhưng cà phê arabica cũng đang có sự cải thiện.
Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 2 triệu bao arabica trong tháng 7, giảm nhẹ so với mức 2,1 triệu bao trong tháng trước cũng như mức 2,06 triệu bao của cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu của quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới. Khi diện tích thu hoạch ngày càng mở rộng, nguồn cung mới được bổ sung sẽ sớm được đẩy ra thị trường, từ đó đảm bảo cân bằng cung – cầu trên thị trường.

Giá đồng có thể giảm trở lại nếu đồng USD tăng mạnh
Trong phiên sáng, giá đồng giảm nhẹ do lực bán chốt lời sau khi giá bứt phá lên mức kháng cự tâm lý 4 USD/pound vào phiên trước đó. Hơn nữa, kết quả cuộc khảo sát tư nhân chỉ ra hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp trong tháng 7 sau hai tháng mở rộng cũng khiến giá đồng gặp áp lực. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất Caixin đạt 49,2 điểm trong tháng 7, thấp hơn so với dự báo và số liệu tháng 6.
Tuy vậy, tâm lý thị trường vẫn đang khá lạc quan kể từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào ngày 28/7, khi các quan chức hàng đầu của nước này cam kết sẽ tiếp tục tăng cường ban hành các chính sách giúp ổn định tăng trưởng kinh tế, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản, trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau cuộc họp này, chính quyền Trung Quốc đã liên tục gửi đi những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong cuộc họp của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, và cuộc họp của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường chủ trì. Vào sáng nay, NDRC tiếp tục nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các công ty tư nhân và mở rộng các biện pháp tài trợ khác cho các doanh nghiệp.
Do vậy, loạt tin tức tích cực này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá đồng.
Tới phiên tối, dự báo số liệu kinh tế mới của Mỹ cũng sẽ có tác động tới giá. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ sẽ được Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố vào tối nay và được dự báo đạt 46,8 điểm trong tháng 7, cải thiện so với mức 46 điểm hồi tháng 6.
Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng có niềm tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”, nếu dữ liệu công bố tối nay tích cực hơn so với dự báo, điều này sẽ tiếp tục củng cố cho niềm tin này và hỗ trợ cho đồng USD tăng mạnh. Giá đồng có thể phải chịu sức ép do chi phí mua hàng vật chất đắt đỏ hơn.

Giá dầu WTI có thể giảm điều chỉnh trước khi tiếp tục đà tăng
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với đà giảm nhẹ, một phần do áp lực bán chốt lời sau khi giá đang hướng về vùng kháng cự 82 – 83 USD/thùng. Mặt khác, dữ liệu sản xuất của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy thu hẹp trong tháng 7, phản ánh nền kinh tế chậm phục hồi cũng đã gây áp lực tới giá.
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Caixin, thường hướng tới các doanh nghiệp tư nhân, định hướng xuất khẩu, đạt mức 49,2 trong tháng 7, sau 2 tháng duy trì trên ngưỡng 50. Điều này phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy, đà phục hồi yếu của nền kinh tế Trung Quốc, vốn là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, về trung hạn, yếu tố nguồn cung tiếp tục chi phối xu hướng tăng giá của dầu thô. Thị trường cũng sẽ hướng về cuộc họp cuối tuần này của các lãnh đạo nhóm OPEC, trong đó kỳ vọng Saudi Arabia có thể công bố gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Nếu phủ định “tin đồn” này, giá dầu có thể gặp áp lực bán mạnh sau một giai đoạn tăng tích luỹ trước đó khi “1 triệu thùng/ngày” sẽ được đưa trở lại thị trường. Giá dầu giảm mạnh là điều mà nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới không mong muốn, vì sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận, và tăng trưởng quốc gia. Do đó, nhiều khả năng kế hoạch sẽ được Saudi Arabia duy trì, trong trường hợp đó thì rủi ro thâm hụt sẽ tiếp tục nâng đỡ giá dầu.
Kịch bản khác có thể xảy ra là Saudi Arabia hạ dần mức độ cắt giảm, có thể là 500.000 thùng/ngày. Tác động trong trường hợp này có thể sẽ chỉ gây áp lực bán nhẹ cho thị trường.
Ngày hôm nay, các nhà đầu tư cũng sẽ chờ đợi các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ, bao gồm chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 7 và cơ hội việc làm của JOLTs. Bất kỳ một dấu hiệu tiêu cực nào đối với các dữ liệu sản xuất hay thị trường lao động, phản ánh áp lực kinh tế Mỹ cũng sẽ tạo ra rào cản cho đà tăng hiện tại của giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)