Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) được Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào rạng sáng nay cho thấy tốc độ gieo trồng đậu tương của nước này đã chậm lại một chút so với tuần trước. Tuy nhiên, tiến độ tính đến đầu tuần này đã đạt mức 49% tổng diện tích dự kiến, vượt mức trung bình 36% cùng kì 5 năm trước. Hai bang sản xuất lớn nhất là Illinois và Iowa cũng đạt được con số ấn tượng với tiến độ đạt lần lượt là 77% và 69%. Cuối tuần vừa rồi, một đợt mưa lớn đã xuất hiện ở khắp khu vực Trung Tây và có thể khiến cho tốc độ tiếp tục chậm lại trong tuần tới nhưng đây vẫn chưa phải là tín hiệu đáng lo ngại. Thời tiết nhìn chung vẫn sẽ thuận lượi cho cây trồng giai đoạn nảy mầm và giúp hỗ trợ bổ sung độ ẩm cho đất trước khi trải qua khô hạn vào mùa hè.
Bên cạnh yếu tố cơ bản, diễn biến giá của 2 mặt hàng thành phẩm cũng góp phần tạo áp lực lên giá đậu tương. Khô và dầu đậu đang ở trong xu hướng giảm mạnh khi liên tục hình thành vùng đáy mới trong giai đoạn vừa qua, được thúc đẩy bởi nhu cầu suy yếu. Xét về mặt kĩ thuật, nếu như giá đậu tương phá vỡ khỏi vùng hỗ trợ cứng 1490 này thì sẽ tạo tín hiệu hình thành nhịp giảm mới và có khả năng sẽ tiếp tục hình thành các vùng giá thấp hơn.

Giá cà phê khả năng cao tiếp tục tăng khi nguồn cung thu hẹp tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch 15/05, hai mặt hàng cà phê tăng mạnh trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Giá Arabica tăng gần 4% khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm về mức thấp nhất trong hơn 5 tháng, kết hợp với doanh số bán hàng niên vụ 2023/24 tại Brazil chậm hơn so với trung bình các năm. Giá Robusta tăng 2,3% trong bối cảnh thu hoạch chậm so với tiến độ trung bình tại Brazil và tình trạng hạn chế bán hàng của nông dân Châu Á.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US vẫn nối dài đà giảm và chưa thấy thông tin nguồn cung được bổ sung. Đặc biệt, trong bối cảnh thu hoạch tại Brazil đang chậm so với tiến độ trung bình, rất khó để tồn kho đạt chuẩn có thể đảo chiều tăng trong ngắn hạn.
Sau những ngày đầu với dữ liệu xuất khẩu có phần khởi sắc, hạn chế bán hàng của nông dân Brazil dường như đang quay trở lại. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã đẩy đi 860.677 bao Arabica loại 60kg trong 15 ngày đầu tháng 05, thấp hơn mức 946.304 bao cùng kỳ tháng trước. Hơn nữa, đồng Real của Brazil đang mạnh lên nước này quyết định giữ nguyên mức lãi suất 13,75%, khiến tỷ giá USD/Brazil giảm trong thời gian gần đây, có thể khiến cho lực bán tiếp tục yếu đi.

Triển vọng tiêu thụ kém tại Trung Quốc gây sức ép tới giá đồng
Trong phiên sáng 16/05, bất chấp sự suy yếu của đồng USD, giá đồng cũng không được hỗ trợ. Triển vọng tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 60% trong nhu cầu tiêu thụ đồng toàn cầu, khiến giá chịu sức ép.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,9% của tháng 3, tuy nhiên tăng chậm hơn nhiều do với dự báo tăng 10,9% của các nhà kinh tế.
Ngoài ra, doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 10,6% của tháng 3, tuy nhiên thấp hơn mức 21% theo dự đoán. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trụ cột chính của nền kinh tế Trung Quốc, đã giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 7,2% trong tháng 3.
Loạt dữ liệu trên tiếp tục cho thấy Chính phủ Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Do đó, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, triển vọng tiêu thụ đồng có thể tiếp tục gặp sức ép. Giá đồng có thể duy trì xu hướng giảm cho tới khi Chính phủ nước này tung ra các gói kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như cắt giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, số liệu doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng được công bố vào tối nay. Doanh số bán lẻ tháng 4 của Mỹ được kỳ vọng tăng 4,2% sau khi tăng 2,94% hồi tháng 3. Đáng chú ý, doanh số bán lẻ lõi (loại trừ năng lượng và thực phẩm) được dự báo tăng 0,4%, trái ngược với mức -0,4% trong tháng 3. Trái lại, sản lượng công nghiệp trong tháng 4 được dự đoán giảm 0,1% sau khi tăng 0,4% hồi tháng 3.
Theo đó, nếu dữ liệu công bố tối nay tích cực hơn so với dự báo, triển vọng tiêu thụ đồng tại Mỹ phần nào được củng cố. Đây có thể là tín hiệu hỗ trợ cho giá đồng trong phiên tối.

Giá dầu có thể giảm do nền kinh tế Trung Quốc chậm hồi phục
Đà tăng của giá dầu trong phiên sáng đang dần bị xoá bỏ khi những dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy đà phục hồi chậm hơn dự kiến. Nhiều khả năng sức ép bán sẽ tiếp tục được duy trì trong phiên hôm nay, nếu như báo cáo thị trường dầu tháng 5 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) không có nhiều dự đoán bất ngờ.
Sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,9% của tháng 3, nhưng tăng chậm hơn nhiều do với dự báo tăng 10,9%. Tháng 4 năm ngoái là thời điểm Thượng Hải phong toả toàn thành phố vì dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động kinh tế gần như tê liệt. Do đó, mức tăng trưởng 5,6% trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là một con số khá khiêm tốn.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021, ở mức 4,7% trong tháng 4. Các biện pháp kích thích kinh tế vẫn đang khá hạn chế, trong khi đà phục hồi chậm hơn dự kiến sẽ là yếu tố gây áp lưc tới giá dầu, do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ chưa có sự bùng nổ.
Thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 61,1 triệu tấn. Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng gia tăng trong xuất khẩu các sản phẩm diesel của Trung Quốc. Thậm chí trong tháng 3, các lô hàng xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đã tăng lên 1,44 triệu tấn, tăng tới 113,8% so với mức 0,67 triệu tấn một năm trước.
Do đó, mặc dù thông lượng lọc dầu vẫn tích cực, nhưng một phần để dự trữ, khi giá dầu ở mức không quá cao, và một phần để đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi tiêu thụ nội địa vẫn còn yếu.
Trong chiều nay, IEA sẽ phát hành báo cáo năng lượng tháng 5, các báo cáo tháng trước đó của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) không có quá nhiều sự điều chỉnh về cung cầu, nên nhiều khả năng IEA sẽ giữ nguyên các dự báo. Trong trường hợp đó, giá dầu có thể tiếp tục gặp sức ép do dữ liệu kinh tế kém sắc của Trung Quốc.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)