Phiên giảm hôm qua khi giá đậu tương đóng cửa dưới mốc 1315, vùng đáy trước đó, đã xác nhận xu hướng giảm giá trong trung hạn của mặt hàng này. Cùng với đó, bối cảnh cơ bản cũng đang thiên về tác động “bearish” khi tình hình thời tiết đang dần được xóa đi khỏi những lo ngại với mùa vụ của Mỹ. Tính đến tuần này, 54% diện tích đậu tương được đánh giá tốt – tuyệt vời, tăng từ mức 52% trong tuần trước đó nhờ thời tiết ôn hòa và những cơn mưa xuất hiện gần đây ở khu vực Midwest. Mặc dù con số trên vẫn thấp hơn so với mức 59% cùng kì năm ngoái nhưng những thay đổi của các báo cáo Crop Progress vừa qua đã cho thấy tình hình cây trồng sẽ dần hồi phục trong thời gian tới và khi bước vào giai đoạn thu hoạch. Đây cũng sẽ là cơ sở cho số liệu của các báo cáo Cung – cầu sắp tới.
Trong báo cáo tháng 8 này, thị tường vẫn đang dự đoán USDA có thể sẽ cắt giảm dự báo năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 xuống mức 51,3 giạ/mẫu, so với mức 52 giạ/mẫu trong báo cáo tháng trước. Cuộc khảo sát mới đây của hãng tin DTN cũng cho kết quả ước tính là 51 giạ/mẫu. Số liệu này sẽ giúp hạn chế đà giảm của giá đậu tương trong tuần này.

Giá cà phê vẫn có thể giảm khi xuất khẩu dần tích cực tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/08, giá hai mặt hàng cà phê cùng có được sự khởi sắc. Trong đó, giá Robusta tăng manh gần 3% khi thị trường tiếp tục đứng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt tại Việt Nam. Giá Arabica cũng tăng gần 2% khi tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE đang ở mức thấp nhất 8 tháng và chưa có nguồn bổ sung mới nào.
Xuất khẩu cà phê tại Brazil đang cho thấy sự gia tăng trong những ngày đầu tháng 8. Cụ thể, trung bình hàng ngày trong 1 tuần đầu tháng 8 năm 2023, Brazil xuất khẩu 8.374,1 tấn cà phê xanh, tăng 37,7% so với mức 6.082,1 tấn cà phê mà quốc gia này vận chuyển trung bình hàng ngày trong tháng 8 năm 2022.
Hơn nữa, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cũng cho biết, Brazil đã vận chuyển 724.379 tấn cà phê trong 7 ngày đầu tháng 8, tăng 44% so với mức 502.843 tấn trong cùng kỳ tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu Arabica dạng hạt cũng thể hiên sự gia tăng so với 7 ngày đầu tháng 7 với 527.368 tấn được vận chuyển ra nước ngoài, bằng 137% mức 384.911 tấn trước đó.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê ở thời điểm này là hợp lý khi sản lượng cà phê vụ mới đang dần sẵn có khi đã thu hoạch được hơn 1 nửa diện tích cà phê dự kiến.
Tuy vậy, việc tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn chưa có tín triển tích cực nào sẽ tiếp tục là lực cản quan trọng đối với khả năng giảm giá của cà phê ở thời điểm hiện tại. Về trung hạn, dữ liệu tồn kho khả năng cao sẽ có sự cải thiện khi Colombia và Honduras, hai quốc gia cung ứng cà phê chính cho Sở ICE bước vào vụ thu hoạch với triển vọng nguồn cung tích cực.

Giá kim loại quý có thể sẽ sớm lấy lại đà phục hồi trong phiên hôm nay
Trong phiên sáng, thị trường kim loại quý chịu sức ép lớn trước sức ép từ đồng USD, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tiếp tục nối dài đà phục hồi lên gần mức 102,40 điểm, khiến cho chi phí nắm giữ kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền thương mại khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang khá ảm đạm, giá của các mặt hàng kim loại quý như bạc và bạch kim có thể sẽ được hỗ trợ khi vai trò trú ẩn an toàn của nhóm này được thúc đẩy.
Dữ liệu chính thức từ Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố sáng nay tiếp tục cho thấy sự sụt giảm mạnh trong hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 7 giảm mạnh 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 9,8% của thị trường và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Trong khi đó, Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa của Trung Quốc nhất. Điều này gián tiếp cho thấy nhu cầu tiêu thụ của Mỹ đang khá yếu, khiến đồng USD gặp áp lực và hỗ trợ giá của các mặt hàng kim loại quý.
Ngoài ra, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) đã công bố dữ liệu lạm phát của Đức trong tháng 7. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Đức duy trì mức 0,3%, không đổi so với tháng trước. Trên cơ sở hàng năm, CPI của Đức tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức 6,4% trong tháng 6. Mặc dù lạm phát của Đức đã có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn đang ở mức cao, cho thấy nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian tới. Đồng Euro khi đó sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá kim loại quý.
Vào tối nay, Mỹ sẽ công bố các dữ liệu xuất nhập khẩu trong tháng 7. Đây sẽ là các thông tin quan trọng phản ánh tình hình hoạt động thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu dữ liệu thực tế tích cực, đồng USD sẽ được hưởng lợi và gây áp lực lên giá các mặt hàng kim loại quý và ngược lại, giá kim loại quý sẽ được hỗ trợ khi dữ liệu thực tế cho thấy tín hiệu tiêu cực.

Giá dầu có thể sẽ giảm sau dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc
Giá dầu mở cửa cao hơn vùng tham chiếu, nhưng đã liên tục suy yếu cho đến thời điểm hiện tại. Nhiều khả năng đà giảm vẫn sẽ tiếp tục, sau khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc công bố loạt dữ liệu cho thấy hoạt động thương mại kém tích cực trong tháng 7, bao gồm nhập khẩu dầu thô.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng giảm 5,6% và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Điều này phản ánh niềm tin tiêu dùng hạn chế, các doanh nghiệp cũng thận trọng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong bối cảnh nhu cầu thấp.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc cũng giảm mạnh 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là quốc gia xuất siêu, nên điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trường GDP. Ngoài ra, cũng phản ánh năng lực tiêu thụ yếu tại các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm mạnh 18,8% so với tháng trước, xuống khoảng 10,29 triệu thùng/ngày, mức trung bình ngày thấp nhất kể từ tháng 1, do các nhà sản xuất cắt giảm xuất khẩu ra nước ngoài và dự trữ trong nước tiếp tục tăng.
Nhiều khả năng là do tác động cắt giảm nguồn cung từ Saudi Arabia, Nga, đẩy giá dầu tăng cao đã hạn chế hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc, bởi quốc gia này đã liên tục nhập khẩu mạnh trong 6 tháng đầu năm và bổ sung vào kho dự trữ.
Theo ước tính từ các nhà phân tích, dự trữ dầu thô của Trung Quốc là hơn 1,02 tỷ thùng vào cuối tháng 7, và sự gia tăng trong kho dự trữ có thể cho phép quốc gia này giảm mua hàng trong các tháng tới, trong bối cảnh nguồn cung quốc tế thắt chặt, chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn. Do vậy, giá dầu có thể sẽ đối diện với áp lực trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, vào cuối ngày, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ phát hành báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 7. Với động thái gia hạn cắt giảm nguồn cung, nhiều khả năng EIA sẽ nâng dự báo thâm hụt và trong trường hợp này, giá dầu có thể sẽ phục hồi nhẹ trở lại. Đà tăng nhiều khả năng cũng sẽ hạn chế hơn do một phần đã phản ánh vào giá.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)