Trong báo cáo Export Sales hôm qua, khối lượng bán hàng đậu tương Mỹ trong tuần kết thúc ngày 24/08 đã giảm về mức âm. Điều này có nghía là nhiều đơn huỷ mua hàng hơn lượng mua mới. Số liệu trên cũng khiến cho khoảng cách từ khối lượng xuất khẩu đậu tương so với dự kiến của USDA trong cả niên vụ 22/23 càng trở nên xa hơn. Nếu như xuất khẩu kém hơn thì sẽ kéo theo nguồn cung đầu niên vụ 23/24 sẽ gia tăng. Ngược lại, nhu cầu bán hàng cho niên vụ mới lại là yếu tố hỗ trợ cho giá. Khối lượng đậu tương 23/24 mà Mỹ đã bán tuần trước tăng vọt lên mức trên 1 triệu tấn, vượt cả khoảng dự đoán của thị trường. Nhu cầu dần chuyển sang cho mùa vụ mới đã hạn chế đà giảm và giúp giá đậu tương vẫn duy trì quanh mức 1380.
Mới đây, Sở Kinh tế Nông thôn Parana (Deral) dự báo, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của bang sẽ đạt 21,9 triệu tấn, giảm 2% so với mức kỷ lục trong niên vụ 22/23, với diện tích canh tác gần như ổn định. Diện tích trồng đậu tương năm nay ở Parana ước đạt 5,8 triệu héc-ta, so với mức 5,79 triệu héc-ta của năm ngoái. Bên cạnh đó, năng suất đậu tương năm nay của bang dự kiến sẽ giảm nhẹ so với năm ngoái. Mặc dù mùa vụ tại Nam Mỹ vẫn chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của thị trường trong giai đoạn này nhưng thông tin này cũng phần nào mở ra bức tranh triển vọng mùa vụ rõ ràng hơn.

Giá cà phê khả năng cao tiếp tục giằng co trước những thông tin cơ bản trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/08, giá hai mặt hàng cà phê đều biến động mạnh và kết phiên ở mức thấp hơn so với tham chiếu. Tác động trái chiều giữa thông tin cơ bản về tồn kho trên Sở ICE và tình hình xuất khẩu cà phê tại Brazil đã có những tác động 2 chiều lên giá. Tồn kho cà phê cả 2 loại trên Sở ICE đều nối tiếp đà giảm dù đều đang ở những mức thấp kỷ lục, trái lại xuất khẩu được đẩy mạnh Brazil khi giai đoạn thu hoạch gần như đãc kết thúc.
Dường như thị trường vẫn chưa xác định xu hướng cụ thể khi các thông tin cơ bản vẫn còn khá trái chiều.
Trái ngược với dự đoán của thị trường, khi xuất khẩu được đẩy mạnh tại Brazil sẽ phần nào kéo dữ liệu tồn kho trên Sở ICE đi lên. Tuy nhiên, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã giảm mạnh 3 phiên liên tiếp trong tuần này với tổng mức giảm lên tới 27.703 bao loại 60kg, đưa tổng lượng cà phê lưu trữ tại đơn vị này về còn 484.730 bao, mức thấp nhất trong hơn 9 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, chưa có bao bổ sung mới, khả năng cao sẽ khiến dữ liệu này tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê tại Brazil vẫn đang diễn ra tích cực. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, trong tháng 08/2023 sơ bộ Brazil đã xuất khẩu 3,74 triệu bao loại 60kg, trong đó có 2,69 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng mạnh so với mức 2 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước cũng như mức 2,4 triệu bao trong tháng 08 năm 2022. Nguồn cung lớn tại Brazil sẽ góp phần giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường bởi tồn kho ở mức thấp.

 

Kỳ vọng kinh tế Trung Quốc dần phục hồi có thể hỗ trợ giá đồng
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, đồng đón nhận lực mua tích cực nhờ tín hiệu lạc quan trong hoạt động sản xuất của quốc gia tiêu thu thụ đồng hàng đầu Trung Quốc. Đồng thời, tâm lý thị trường được củng cố nhờ vào việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tung ra các kích thích kinh tế.
Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin của Trung Quốc đạt 51 điểm vào tháng 8, cao hơn 1,7 điểm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và là mức cao nhất kể từ tháng 02/2023, theo dữ liệu của Caixin công bố sáng nay. PMI ở trên ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng. Ngoài ra, cuộc khảo sát của Caixin cũng chỉ ra nhu cầu nội địa mạnh hơn là động lực tăng trưởng chính trong hoạt động sản xuất.
Trước đó vào 31/08, dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy PMI sản xuất của Trung Quốc đạt 49,7 điểm trong tháng 8, tăng nhẹ từ mức 49,3 điểm trong tháng 7.
Có thể thấy, loạt dữ liệu trên đều chỉ ra lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực sử dụng lượng lớn kim loại cơ bản làm nguyên liệu đầu vào, đang dần được cải thiện, đồng thời cho thấy những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Chính phủ nước này đang dần có hiệu quả. Điều này đã hỗ trợ cho giá đồng tăng tốt trong sáng nay.
Bên cạnh đó, với một loạt các biện pháp kích thích được chính quyền trung ương Trung Quốc ban hành gần đây, tâm lý thị trường đang dần ổn định trở lại sau. Đồng thời, các nhà đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc nền kinh tế Trung Quốc có thể dần phục hồi. Với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng sẽ được hỗ trợ.
Ngoài ra, về yếu tố vĩ mô, tối nay Mỹ sẽ công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 8, dữ liệu quan trọng có ảnh hưởng tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tháng 9 sắp tới.
Với dữ liệu việc làm được công bố trước đó cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt, nhiều khả năng báo cáo NFP tháng 8 sẽ tiêu cực hơn tháng trước. Nhu cầu lao động giảm giúp giảm bớt áp lực lạm phát tiền lương. Đây sẽ là tin tốt đối với thị trường đồng, do nó làm tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Fed.

Giá dầu WTI có thể hướng đến sát đỉnh 75 USD trước báo cáo lao động Mỹ
Giá dầu hiện tại đang được hỗ trợ bởi một số lo ngại về nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt trong giai đoạn cuối năm. Phía Nga đang có kế hoạch sẽ cắt giảm dầu thô xuất khẩu hơn nữa, dự kiến thông tin chi tiết sẽ được thông báo vào tuần sau.
Trước đó, Nga đã cam kết cắt giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Việc cắt giảm xuất khẩu trong tháng 8 sẽ được tham chiếu so với mức trung bình tháng 5 và tháng 6.
Nga không công bố dữ liệu xuất khẩu kể từ sau xung đột tại Biển Đen. Nhưng dữ liệu theo dõi tàu từ Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu thô Nga trung bình bằng đường biển (tính trung bình 4 tuần nhằm loại bỏ tính biến động) vào tuần trước đã giảm gần 600.000 thùng/ngày so với tuần đầu tháng 5.
Giá dầu Urals phổ biến của Nga đã cán mốc 72,6 USD/thùng vào giữa tháng 8, cao hơn nhiều so với mức trần giá 60 USD/thùng mà các nước EU đã áp đặt trong gói trừng phạt thứ 6. Điều này phản ánh tính chất thắt chặt của thị trường dầu khi có nhiều đơn vị sẵn sàng mua dầu Nga với mức giá cao hơn.
Ngoài ra, thị trường cũng dự báo Saudi Arabia sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Trong khi đó, tồn kho dầu Mỹ đang dần cạn kiệt và tốc độ mở rộng khai thác dầu đá phiến vẫn đang rất hạn chế. Tồn kho dầu Mỹ đã giảm 34 triệu thùng kể từ giữa tháng 7, chỉ cao hơn 1 triệu thùng so với mức trung bình theo mùa 10 năm trước.
Mặc dù các thông tin cơ bản thiên về “bullish”, nhưng yếu tố vĩ mô còn khó đoán. Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Mỹ tháng 8 công bố tối nay dự kiến sẽ tác động mạnh tới giá dầu, nhất là khi giá đang ở vùng nhạy cảm. Trong trường hợp dữ liệu cho thấy thị trường lao động tích cực hơn dự kiến, lo ngại Fed tiếp tục đẩy lãi suất cao hơn có thể khiến USD tăng giá và gây sức ép mạnh tới giá dầu.

 
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)