Cuộc khảo sát mùa vụ của hãng tin DTN đang được tiếp tục với kết quả khảo sát ngày thứ 3 tại bang Kansas và Missouri. Hai bang này chiếm khoảng 12% tổng sản lượng đậu tương của Mỹ. DTN cho biết, năng suất ước tính của họ gần với mức trung bình. Tại Kansas, năng suất đậu tương được dự báo là 39 giạ/mẫu, so với mức trung bình 5 năm trước là 38,6 giạ/mẫu. Ở Missouri, đó là 48,4 giạ/mẫu, cao hơn mức trung bình 47,2 giạ/mẫu. Trong số tất cả các bang trồng ngô và đậu tương lớn, Missouri là bang chịu khô hạn nhiều nhất và trong thời gian dài nhất, nhưng cũng có dấu hiệu phục hồi đáng kể nhờ những trận mưa gần đây.
Những thiệt hại ảnh hưởng lên mùa vụ đậu tương của Mỹ rõ ràng đã được ghi nhận sau giai đoạn hạn hán vừa qua. Đây cũng là lí do mà dự đoán trung bình cho số liệu năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 là 51,3 giạ/mẫu, thấp hơn so với ước tính USDA đưa ra trong báo cáo tháng trước. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của DTN vừa qua cho thấy thiệt hại có thể sẽ không quá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, diễn biến nhìn chung vẫn khá giằng co của thị trường đậu tương tỏng vài phiên vừa qua cũng phản ánh tâm lí thị trường về triển vọng mùa vụ sắp tới. Nếu như USDA cắt giảm như dự đoán thì chúng tôi cho rằng đây cũng không phải là yếu tố “bullish” đủ mạnh để hình thành một nhịp tăng giá mới sao báo cáo do dự báo thời tiết đang chuyển biến tích cực hơn.

Nguồn cung tích cực tại Brazil khiến giá cà phê vẫn có khả năng giảm
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/08, giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu. Hoạt động xuất khẩu cà phê ngày càng được đẩy mạnh tại Brazil khi giai đoạn thu hoạch cà phê gần về cuối vụ giúp ổn định nguồn cung trên thị trường, từ đó gây sức ép lên giá cà phê.
Hoạt động thu hoạch cà phê Arabica đang tích cực đẩy mạnh tại Brazil nhờ điều kiện thời tiết khô ráo, giúp nguồn cung vụ mới sẵn sàng để đẩy ra thị trường, bù đắp những thiếu hụt trước đó.
Hiện tại, theo cập nhật từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), tính đến ngày 10/08, Brazil đã vận chuyển 1.062.116 tấn cà phê trong 10 ngày đầu tháng 8, cao hơn so với mức 946.453 tấn trong cùng kỳ tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu Arabica dạng hạt cũng thể hiện sự gia tăng so với 10 ngày đầu tháng 7 khi vận chuyển được 752.903 tấn ra nước ngoài, tăng 9% so với mức 687.910 tấn trước đó.
Tuy vậy, bất chấp việc có 1.299 bao cà phê loại 60kg được vận chuyển từ Brazil đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho lưu trữ, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE trong phiên hôm qua vẫn giảm mạnh 5.048 bao, về mức 520.869 bao. Đây là mức tồn kho thấp nhất được ghi nhận trong vòng 9 tháng.

Lực cản từ triển vọng kém tại Trung Quốc, giá đồng chưa thể tăng mạnh
Giá đồng giảm nhẹ trong sáng nay do tâm lý lạc quan trên thị trường giảm bớt sau bình luận mang tính “diều hâu” của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua. Mặc dù lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 tăng chậm hơn so với dự báo, trong khi lạm phát lõi thấp hơn 0,1% so với tháng trước và dự báo, cho thấy dấu hiệu lạm phát đang hạ nhiệt.
Tuy vậy, Chủ tịch Fed bang Francisco, Mary Daly, khi bà cho rằng chưa đủ bằng chứng để cho rằng lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt. Fed cần nhận thấy lạm phát dịch vụ cốt lõi không bao gồm giá nhà ở quay trở lại mức trước đại dịch mới có thể tự tin rằng lạm phát tại Mỹ sẽ trở lại mức mục tiêu 2% một cách bền vững.
Do vậy, nếu dữ liệu lạm phát giá sản xuất của Mỹ được công bố tối nay thấp hơn dự báo, điều này sẽ không có tác động quá tích cực cho thị trường và giá đồng sẽ không tăng quá mạnh.
Bên cạnh đó, đà tăng của giá đồng vẫn đang bị kìm hãm bởi triển vọng kinh tế kém sắc của Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 50% trong cơ cấu nhập khẩu đồng toàn cầu.
Hơn nữa, Trung Quốc đang đẩy mạnh tự cung tự cấp và giảm bớt phụ thuộc vào đồng nhập khẩu. Điều này sẽ khiến Trung Quốc giảm bớt nhập khẩu đồng từ nước ngoài trong dài hạn và gây suy giảm giá đồng.
Cụ thể, các nguồn tin cho biết nhà máy đồng mới của Nanfang, nhà sản xuất đồng tư nhân lớn nhất Trung Quốc, dự kiến sẽ nâng tổng công suất gấp đôi lên 700.000 tấn trong năm, chiếm khoảng 6% sản lượng đồng tinh luyện ở Trung Quốc. Trong khi đó, trong 5 tháng đầu năm, thị trường đồng tinh luyện toàn cầu thặng dư 287.000 tấn so với mức thâm hụt 74.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG).
Do vậy, nhìn chung, tiêu thụ kém và nguồn cung ổn định sẽ khiến giá đồng có thể tiếp tục diễn biến giằng co tích lũy trong ngắn hạn, chờ đợi tín hiệu để bứt phá.

Giá dầu có thể sẽ tăng hôm nay trước các điều kiện kinh tế tích cực
Giá dầu trong phiên giao dịch hôm qua đã phá vỡ hỗ trợ 83,5 USD và đóng cửa dưới mức này.
Các lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung gần như đã được phản ánh mạnh mẽ nhất trong giai đoạn qua. Báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào hôm qua đã nâng dự báo sản lượng của nhóm non-OPEC trung bình thêm 100.000 thùng/ngày trong năm 2023, đặc biệt là quý III với dự báo cao hơn 450.000 thùng/ngày so với báo cáo trước. Điều này có thể giúp bù đắp một phần thiếu hụt từ các quốc gia OPEC.
Ngoài ra, sản lượng của Mỹ được kỳ vọng cũng sẽ gia tăng trong giai đoạn tới. Hiện tại sản lượng của Mỹ đang ở mức 12,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Về trung và dài hạn, sự bù đắp sản lượng từ các nước non-OPEC có thể sẽ khiến đà tăng của giá dầu chậm lại.
Về ngắn hạn, các tín hiệu tích cực tại một số nền kinh tế lớn có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu. Chiều nay ngày 11/08, dữ liệu từ Văn Phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong Quý II/2023 tăng 0,2% so với quý trước, tích cực hơn con số dự báo không thay đổi của giới phân tích.
So với cũng kỳ năm ngoái, GDP của Anh tăng trưởng 0,4%, cao hơn dự báo tăng 0,2%, bất chấp môi trường lãi suất cao. Tin tức này nhiều khả năng sẽ hỗ trợ cho giá dầu trong phiên hôm nay.
Ngoài ra, báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố vào chiều nay cũng sẽ tác động tới thị trường. Với việc gia hạn cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia, nếu IEA dự báo tăng mức thâm hụt thì sẽ là yếu tố “bullish” đối với thị trường.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)