Kể từ tháng 6, hạn hán đã tăng cường và mở rộng ở Midwest, khiến cho chất lượng cây trồng liên tục sụt giảm và tính đến nay, chỉ có hơn một nửa diện tích đậu tương Mỹ được đánh giá tốt – tuyệt vời. Tháng 7 cũng là giai đoạn nóng nhất Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhận định, với sự tái xuất của mô hình thời tiết El Nino trong năm nay, đi kèm là độ ẩm gia tăng ở những khu vực gieo trồng chính, xu hướng giảm khả năng sẽ được củng cố trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khi Mỹ bước vào giai đoạn thu hoạch. Quay trở lại năm hạn hán được đánh giá là nghiêm trọng nhất 50 năm qua và kéo theo sản lượng đậu tương Mỹ niên vụ 2012/13 thiệt hại nghiêm trọng, thị trường cũng đã nhanh chóng đảo chiều vào suy yếu khi mưa xuất hiện trở lại, nguồn cung sẵn có bắt đầu được bổ sung. Chính vì thế, trong trung hạn, lực bán nhiều khả năng vẫn sẽ chiếm ưu thế.
Ngoài ra, trong giai đoạn vài tuần gần đây, các đơn hàng Daily Export Sales liên tục xuất hiện cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang dần cải thiện. Trong tuần kết thúc ngày 27/07, bán hàng đậu tương giao vào niên vụ 2023/24 đat hơn 2,6 triệu tấn, vượt lên trên kỳ vọng của thị trường. Khối lượng đặt hàng tăng mạnh phản ánh nhu cầu gia tăng khi Mỹ vừa thu hoạch vụ mới. Đây có thể sẽ là yếu tố giúp hạn chế đà giảm trong ngắn hạn.

Áp lực tài chính vẫn còn khiến giá cà phê khó bật tăng trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 03/08, giá cả hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu. Đồng Real của Brazil giảm mạnh sau khi ngân hàng Trung ương nước này quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, cao hơn mức kỳ vọng 25 điểm cơ bản của thị trường. Điều này kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng mạnh hơn 2% từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil.
Sau quyết định cắt giảm lãi suất của Brazil, giới chuyên gia trên thị trường kỳ vọng Brazil sẽ còn các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc tạm ngừng đà tăng lãi suất. Điều này có thể khiến chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real của Brazil có cơ hội gia tăng trong thời gian tới. Kết hợp cùng việc nguồn cung vụ mới đang được bổ sung tại Brazil sẽ kích thích nông dân nước này đẩy mạnh hoạt động bán hàng. Nguồn cung gia tăng từ quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới có thể khắc phục vấn đề lo ngại thiếu hụt trên thị trường trong thời gian vừa qua.
Tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil cũng vẫn là nhân tố quan trọng trên thị trường cà phê ở thời điểm hiện tại. Với điều kiện thời tiết tương đối tốt, dự kiến hoạt động thu hoạch cà phê sẽ diễn biến ổn định trong thời gian tới. Hiện tại, Brazil cũng thu hoạch được hơn 1 nửa diện tích cà phê của niên vụ 2023/24, cùng với triển vọng sản lượng vụ mới ở mức cao, kỳ vọng sẽ giúp việc xuất khẩu cà phê từ quốc gia này được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đang ở mức thấp vẫn là lực cản đối với khả năng suy yếu của giá mặt hàng này. Tính đến hết ngày 03/08, tổng lượng cà phê Arabica lưu trữ tại các cảng của Sở ICE ở mức 527.942 bao loại 60kg, giảm nhẹ 60 bao so với phiên trước và là mức thấp nhất trong 8 tháng. Hơn nữa, chưa có thêm bao cà phê nào chờ phân loại, đưa đến khả năng dữ liệu này sẽ nối dài đà giảm trong thời gian tới.

Giá đồng có thể biến động giằng co trước khi Mỹ công bố báo cáo bảng lương
Sau phiên tăng trước đó, giá đồng mở cửa với lực mua với lực bán khá giằng co, khi thị trường đang hướng sự tập trung vào dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ.
Giá đồng có thể tiếp tục chịu sức ép trong ngắn hạn khi mà động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá đồng là triển vọng tiêu thụ từ Trung Quốc, vẫn còn kém sắc. Gần đây, giới đầu tư đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ tăng cao cùng với đà phục hồi của nền kinh tế nước này, sau khi Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, sự lạc quan trên thị trường đã giảm bớt do hiện tại các nhà chức trách chỉ cung cấp biện pháp quy mô nhỏ. Đáng chú ý, trong khi động lực tăng giá dần mất đà, thì nhu cầu tiêu thụ đồng tại nước này vẫn còn yếu.
Dữ liệu từ Earth-I cho thấy hoạt động luyện đồng của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm mạnh trong tháng 7. Cụ thể, chỉ số phân tán đồng của Trung Quốc chỉ đạt 44,8 điểm trong tháng 7, giảm 10,9 điểm so với tháng 6, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 trong năm 2022.
Do đó, nhiều khả năng giá đồng sẽ biến động giằng co cho tới khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào 19h30 tối nay. Tâm điểm thị trường đều đang hướng về dữ liệu này do nó cung cấp thêm manh mối về động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các chuyên gia kinh tế dự báo Mỹ sẽ có thêm 200.000 việc làm trong tháng 7, giảm từ mức 209.000 được báo cáo vào tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giữ nguyên ở mức 3,6%.
Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ của Morgan Stanley, Ellen Zentner, cho biết bà dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực giải trí và du lịch sẽ giảm tốc. Hơn nữa, ngành công nghiệp điện ảnh cũng chịu tác động tiêu cực bởi cuộc đình công của các nhà biên kịch và Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh tại Hollywood.
Do vậy, nhiều khả năng báo cáo bảng lương sẽ giảm so với tháng 6. Nếu dữ liệu tăng mạnh vượt dự báo, điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn tích cực và khiến Fed còn nhiều động lực để tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Đồng USD có thể phục hồi trở lại và gây áp lực lên giá đồng.

Giá dầu có thể tiếp tục tăng bởi rủi ro nguồn cung gián đoạn
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với lực mua và bán tương đối giằng co. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng sẽ tiếp tục khi các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt nguồn cung trước thềm diễn ra cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Việc Saudi Arabia cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày nhìn chung không gây quá nhiều sự bất ngờ cho thị trường khi mọi sự đồn đoán đã xuất hiện từ trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này sẽ làm sâu sắc hơn lo ngại về thâm hụt nguồn cung trong quý III, nhất là khi quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ có các động thái hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm vào đó, Nga cũng thông báo cắt giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Các thông tin này vẫn sẽ là yếu tố “bullish” chính đối với giá dầu.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang quanh khu vực Biển Đen nhiều khả năng cũng sẽ hỗ trợ cho giá. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các máy bay không người lái trên biển của Ukraine đã tấn công một căn cứ hải quân Nga gần cảng Novorossiysk ở Biển Đen. Vụ tấn công đã khiến cảng Novorossiysk tạm thời dừng mọi hoạt động di chuyển của tàu.
Đây là một trong những cảng xuất khẩu dầu lớn của Nga, với trung bình khoảng 500.000 thùng/ngày, chủ yếu được gửi đến châu Á và khu vực Địa Trung Hải. Trong tuần cuối cùng của tháng 7, đã có khoảng 500.000 thùng/ngày rời khỏi cảng này.
Vì vậy, gián đoạn tạm thời tại khu vực này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay.
Về yếu tố vĩ mô, dữ liệu bảng lương phi nông tháng 7 của Mỹ công bố vào tối nay cũng sẽ tác động mạnh tới đồng USD và do đó, ảnh hưởng tới giá dầu được định giá bằng đồng USD.
Dữ liệu sớm của ADP cho thấy bảng lương phi nông, hay số người có việc ngoài ngành nông nghiệp rất tích cực trong tháng 7. Dữ liệu chính thức từ chính phủ nhiều khả năng cũng sẽ tích cực, tạo điều kiện cho đồng USD tăng giá, đồng thời khiến Fed có thể giữ lãi suất cao trong khoảng thời gian lâu hơn. Giá dầu có thể gặp áp lực bán nhẹ trong trường hợp này, nhưng nhìn chung, xu hướng chính vẫn là tăng giá bởi sự chi phối của yếu tố cung cầu.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu thất bại trong việc phá vỡ vùng hỗ trợ 78,5 – 79 USD, quay đầu trở lại kênh tăng giá. Trên khung H4, giá vượt qua cạnh giữa dải Bollinger Band và vượt cạnh giữa của kênh tăng, được hỗ trợ bởi đường EMA50, có thể hướng tới mục tiêu tiếp theo ở vùng 83,20 USD.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)