Nông dân ở Kansas, nơi sản xuất lúa mì lớn nhất của Mỹ, đang buộc phải từ bỏ mùa màng của mình, do hạn hán nghiêm trọng và giá rét tàn phá nặng nề cây trồng, Reuters cho biết trong một cuộc khảo sát mùa vụ. Việc bỏ hoang các diện tích lúa mì đã trồng sẽ khiến nguồn cung của Mỹ - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 toàn cầu - bị thu hẹp, với lượng tồn kho được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Điều này cũng sẽ khiến các thương nhân lúa mì phải điều chỉnh kế hoạch thu mua bằng cách chuyển sang nguồn cung từ nước khác.
Trên toàn nước Mỹ, nông dân trồng lúa mì vụ đông có kế hoạch từ bỏ 33% diện tích cây trồng, tỉ lệ cao nhất kể từ Thế chiến I, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong một báo cáo. USDA dự kiến nông dân Kansas sẽ bỏ hoang 19% diện tích lúa mì đông đã trồng, tăng từ mức 10% của năm ngoái và mức 4% của năm 2021. Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters thậm chí còn cảnh báo về một tỉ lệ cao hơn. Bang Kansas dự kiến chỉ sản xuất 191,4 triệu giạ lúa mì trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1963, dự báo mới nhất của USDA cho thấy. Các nhà phân tích trong chuyến khảo sát dự báo con số thực tế có thể còn thấp hơn nữa, ở mức 178 triệu giạ.
Bên cạnh lo ngại về vụ lúa mì của Mỹ, biểu đồ giá đã xuất hiện tín hiệu phân kì sau đợt giảm mạnh. Mặc dù giá tạo lên những đáy thấp dần nhưng RSI lại tạo đáy cao hơn cho thấy động lượng giảm giá đã yếu đi nhiều nên có thể sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều ngắn hạn ở vùng giá này. 

Thông tin cơ bản trái chiều, giá Arabica có thể tiếp tục giằng co

Kết thúc phiên giao dịch 22/05, giá hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Giá Arabica quay đầu giảm trước áp lực triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2023/24 trở nên tích cực hơn tại Brazil và Colombia. Trong khi đó, giá Robusta tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 03/2023 khi dự báo sản lượng niên vụ mới ở mức thấp tại cả Indonesia và Brazil.
Sau 1 phiên chững lại, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã trở lại đà giảm với 2.513 bao loại 60kg ít hơn thời điểm kết phiên 19/05, tổng mức tồn kho ở mức thấp nhất trong hơn 5 tháng.
Thêm vào đó, xuất khẩu cà phê Arabica trong 22 ngày đầu tháng 05 của Brazil ở mức 1,33 triệu bao, thấp hơn mức 1,55 triệu bao của cùng kỳ tháng trước, dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe). Số liệu này phản ánh thực trạng xuất khẩu ảm đạm trong suốt những tháng vừa qua và là nhân tố hỗ trợ giá.
Ở chiều hướng khác, điều kiện thời tiết khô ráo tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, giúp hoạt động thu hoạch diễn ra thuận lợi hơn, tạo nguồn cung để đẩy mạnh xuất khẩu. Hơn nữa, ước tính nguồn cung gia tăng trong niên vụ đang thu hoạch, góp phần thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân, từ đó gây sức ép lên giá.

Giá đồng sẽ tiếp tục giảm nếu dữ liệu PMI sản xuất tiêu cực hơn dự báo

Trong phiên sáng 23/05, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường đồng, do nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi vấn đề nâng trần nợ vẫn chưa đi đến thỏa thuận chung giữa các nhà lãnh đạo. Dự báo giá sẽ tiếp tục dao động thận trọng cho tới khi loạt dữ liệu chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Mỹ, khu vực châu Âu và Anh được công bố vào tối nay.
Trong khi các cuộc đàm phán về trần nợ ở Mỹ chưa đạt được thỏa thuận vào thứ Hai, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng Hòa Kevin McCarthy đều tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán. Thị trường sẽ tiếp tục thận trọng đón chờ kết quả của cuộc đàm phán tiếp theo.
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư phần nào được củng cố khi Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu đồng lớn thứ hai thế giới, ghi nhận hoạt động sản xuất mở rộng sau 12 tháng thu hẹp. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất tháng 4 đạt 50,8 điểm, cao hơn dự đoán ở mức 49,5. Trước đó, Nhật Bản đã công bố số liệu tăng trưởng GDP cho thấy nước này đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái và tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I năm nay.
Do đó, sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản có thể thúc đẩy kỳ vọng tiêu thụ đồng và hỗ trợ cho giá. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật Bản phục hồi giúp củng cố sức mạnh của đồng Yên Nhật và hạn chế đà tăng của đồng USD. Sức mua đồng có thể được hỗ trợ khi chi phí giảm bớt.
Ngoài ra, dữ liệu doanh số bán nhà mới của Mỹ và loạt chỉ số PMI sản xuất tháng 4 của cả Mỹ, châu Âu và Anh cũng được công bố. Nếu dữ liệu cực hơn dự báo, hoạt động sản xuất khởi sắc tại các nền kinh tế hàng đầu có thể giúp giá đồng phục hồi. Trái lại, dữ liệu tiêu cực làm gia tăng nỗi lo suy thoái có thể khiến giá đồng tiếp tục suy yếu.

Xu hướng giá dầu có thể rõ ràng hơn trong tháng 6

Khối lượng giao dịch mỏng và biện độ dao động hẹp trên thị trường dầu trong các phiên gần đây cho thấy tâm lý thận trọng và sự cân bằng giữa bên mua và bên bán, khi thiếu vắng thông tin cung – cầu đáng chú ý, trong khi bối cảnh vĩ mô không quá tích cực.
Đàm phán về vấn đề trần nợ vẫn chưa đi đến sự thống nhất, nên những rủi ro trên thị trường tài chính còn tiềm ẩn. Do đó, giá dầu vẫn khó có động lực bứt phá mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, yếu tố cán cân cung cầu được dự đoán sẽ thiên về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ.
Giá xăng của Mỹ đang có xu hướng tăng ngay trước Ngày Tưởng niệm 29/05, đây là mốc đánh dấu cho giai đoạn tiêu thụ cao điểm mùa hè sau đó của quốc gia này. Giá xăng tăng phản ánh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang dần khởi sắc.
Tại Châu Á, dự báo từ Tập đoàn năng lượng Vitol cho biết khu vực này sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ khoảng 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay.
Về nguồn cung, nhóm OPEC sẽ cắt giảm thêm sản lượng chính thức từ tháng 5, điều này nhiều khả năng sẽ được phản ánh trong báo cáo thị trường dầu thô phát hành trong tháng sau, và thị trường sẽ phản ứng với sự sụt giảm trong sản lượng.
Sản xuất dầu tại khu vực bán tự trị của Iraq, do Chính phủ người Kurd (KRG) quản lý tiếp tục giảm. Tình trạng ngừng sản xuất kéo dài gần 2 tháng làm thêm vào lo ngại nguồn cung thu hẹp tại nhóm nước OPEC.
Nhìn chung, trong trường hợp các yếu tố vĩ mô không quá bi quan, đà phục hồi của giá dầu có thể rõ ràng hơn vào tháng 6.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)