Trước thềm công bố báo cáo Grain Stocks, dự báo trung bình của thị trường đối với số tồn kho chốt niên vụ 22/23 của Mỹ là 1,429 tỷ giạ, thấp hơn một chút so với mức 1,452 tỷ giạ ước tính của USDA trong báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 09. Theo đánh giá của chúng tôi, không có nhiều khả năng số tồn kho ngô trong báo cáo Grain Stocks tối nay sẽ có sự thay đổi lớn so với ước tính của USDA trong báo cáo WASDE tháng 09, khi ở thời điểm công bố báo cáo này Mỹ đã bước vào niên vụ 23/24, và USDA đã có thời gian để điều chỉnh các số liệu của mình.
Một thông tin khác cũng đang thu hút sự chú ý của thị trường là tình hình mùa vụ tại nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 3 thế giới là Argentina. Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, việc thiếu mưa tại các khu vực nông nghiệp của Argentina đang khiến hoạt động gieo sạ ngô vụ mới bị trì hoãn. Tính tới hiện tại, tiến đồ trồng ngô niên vụ 23/24 ở Argentina mới chỉ đạt 7,3% kế hoạch, thấp hơn 8,1 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm. Tuy nhiên, dự báo thời tiết của BAGE chỉ ra rằng sẽ có mưa trong tuần tới, giúp độ ẩm đất được cải thiện. Hơn nữa, BAGE cũng duy trì dự báo sản lượng ngô niên vụ 23/24 của quốc gia Nam Mỹ này ở mức 55 triệu tấn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tình trạng mùa vụ kém khả quan ở Argentina sẽ chưa thể giúp giá ngô có thể bứt phá khỏi vùng 490.

Giá Robusta có thể tăng khi xuất khẩu tiếp tục giảm tại Việt Nam
Với Robsuta, thông tin về nguồn cung, đặc biệt tại Việt nam vẫn đang nhận được sự quan tâm đáng kể từ thị trường.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính xuất cà phê trong tháng 9 của Việt Nam đạt 65.000 tấn, giảm mạnh 32,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời lũy kế 9 tháng đầu năm xuất đi thấp hơn 7,3% so với 9 tháng đầu năm 2022. Điều này càng phản ánh tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại Việt nam khi đã ở cuối niên vụ 2022/23.
Đồng thời, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU cũng ghi nhận mức giảm từ 42.970 tấn về 42.780 tấn khi kết phiên 27/9. Đây tiếp tục là 1 yếu tố hỗ trợ giá.

Giá đồng có thể tăng nếu lạm phát Mỹ hạ nhiệt như dự báo
Nối tiếp đà tăng của phiên trước, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường đồng khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 50 điểm trong tháng 9, tăng từ mức 49,7 điểm trong tháng 8. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo PMI sản xuất của Trung Quốc sẽ đạt 50,2 điểm trong tháng 9.
Ngoài ra, kết quả phân tích dữ liệu vệ tinh của công ty SpaceKnow cũng chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn trong tháng 9 và niềm tin người tiêu dùng đã được cải thiện. Chỉ riêng hoạt động sản xuất, chỉ số đơn đặt hàng sản xuất dự kiến sẽ tăng lên 51 điểm trong tháng 9, cao hơn 3 điểm cơ bản so với tháng 8. Theo đó, với kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện trong tháng 9, giá đồng cũng được hưởng lợi.
Về yếu tố vĩ mô, tối nay Mỹ sẽ công bố báo cáo lạm phát tháng 8. Đây là một trong những manh mối quan trọng tác động đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối năm.
Áp lực lạm phát đang gia tăng tại Mỹ do chi phí năng lượng tăng vọt trong những tháng gần đây. Giá dầu thô WTI đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm trong tuần này khi đạt mức 95 USD/thùng. Do đó, nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED, cũng sẽ tăng cao trong tháng 8.
Tuy nhiên, thước đo được FED quan tâm hơn cả vẫn là chỉ số PCE lõi, loại trừ giá lương thực và thực phẩm dễ biến động. PCE lõi tháng 8 của Mỹ được dự đoán tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt từ mức tăng 4,2% trong tháng 7. Báo cáo lạm phát trước đó cũng đã chỉ ra chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi và chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi đều giảm tốc trong tháng 8.
Nếu PCE lõi hạ nhiệt như dự báo, điều này sẽ củng cố cho quan điểm cuộc chiến lạm phát của FED đang đi đúng hướng và FED không cần phải tăng lãi suất vào cuối năm. Dư địa tăng của đồng USD yếu đi có thể hỗ trợ cho giá đồng trong phiên tối.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm điều chỉnh trước khi lấy lại đà tăng
Giá dầu đã cho thấy lực bán chốt lời sau khi chạm ngưỡng 95 USD/thùng, quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua. Mở cửa phiên sáng nay, giá dầu WTI diễn biến tương đối giằng co. Sức ép vĩ mô liên quan tới nợ Chính phủ Mỹ vẫn có thể tiềm ẩn tới giá dầu và khiến giá tiếp tục giảm điều chỉnh. Tuy nhiên, xu hướng chính của giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi yếu tố cung cầu.
Việc giá dầu tăng cao đang khiến cho thị trường đồn đoán rằng Nga và Saudi Arabia có thể giảm bớt lượng nguồn cung cắt giảm, nhất là khi cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào tuần sau. Ngoài ra, việc giá dầu leo thang cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát, và buộc các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới duy trì lãi suất cao đề kiểm soát. Tâm lý này có thể sẽ góp phần thúc đẩy một số hành động chốt lời.
Tuy nhiên, về xu hướng trung hạn, đánh giá cá nhân cho rằng Saudi Arabia hay Nga sẽ rất khó nới lỏng kế hoạch thắt chặt nguồn cung ngay lập tức khi đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao. Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của của Saudi đã liên tục giảm từ tháng 3, khi giá dầu thế giới suy yếu. Và theo đánh giá từ Bloomberg thì doanh thu có thể phục hồi vào tháng 8 khi giá dầu tăng cao.
Do đó, sẽ rất khó để thủ lĩnh nhóm OPEC, vốn dĩ cắt giảm 1 triệu thùng/ngày có thể bổ sung sản lượng ngay nhằm hạ nhiệt giá dầu. Khi đó, thị trường thắt chặt vẫn sẽ tạo cho giá dầu dư địa tăng, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu ban đầu cho việc phục hồi trở lại.
Trung Quốc cũng chuẩn bị bước vào Tuần lễ vàng cho ngày nghỉ Quốc khánh, và nhu cầu di chuyển tăng cao cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc cũng thường gia tăng trong giai đoạn này.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)