Giá ngô có thể test lại kháng cự 497 do những lo ngại về tình hình nguồn cung
Bắt đầu phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 biến động tương đối giằng co. Sau cú nhảy vọt vào hôm qua, mặt hàng này nhiều khả năng sẽ tiến về các mốc kháng cự kế tiếp khi thị trường bắt đầu có những lo ngại về tình hình nguồn cung.
Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) cho thấy, trong tuần kết thúc vào ngày 28/9, doanh số bán hàng ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ đạt 1,82 triệu tấn, tăng 115,7% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, các đơn hàng chủ yếu được mua từ Mexico với 1,15 triệu tấn, các nước giấu tên với 147.100 tấn, Colombia với 141.100 tấn, Trung Quốc với 139.400 tấn và Nhật Bản với 103.400 tấn. Sự gia tăng gần đây đã giúp lũy kế bán hàng niên vụ hiện tại tăng vọt so với cùng kì niên vụ trước. Bán hàng ngô niên vụ 24/25 cũng ghi nhận sự nhảy vọt lên mức 611.389 tấn, cao hơn rất nhiều so với tuần trước đó. Mặc dù không phải là yếu tố quá bất ngờ đối với thị trường, tuy nhiên, đây vẫn là thông tin tích cực về tiển vọng nhu cầu đối với ngô Mỹ.
Bên cạnh đó, trong báo cáo hàng tuần, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết diện tích trồng ngô niên vụ 2023/24 tại Argentina có thể thấp hơn dự kiến nếu thời tiết tiếp tục khô hạn. Tình trạng thiếu mưa đã ảnh hưởng đến một số khu vực nông nghiệp chính của Argentina trong nhiều tháng, gây nguy hiểm cho hơn 1,1 triệu héc-ta ngô tại vùng canh tác có năng suất cao nhất quốc gia Nam Mỹ này. BAGE cho biết: “Khu vực sản xuất chính nhận được rất ít hoặc không có mưa để cải thiện tình hình và sẽ cần mưa trong hai tuần tới để có thể đạt được mục tiêu trồng trọt”. Sở giao dịch đang dự báo diện tích trồng ngô của Argentina sẽ đạt 7,3 triệu héc-ta trong niên vụ 2023/24, với mức sản lượng 55 triệu tấn. Dự báo trong những ngày tới, các khu vực canh tác chính sẽ chỉ nhận được lượng mưa dưới 10 ml. Điều này có thể khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến nguồn cung từ quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới. Đây là yếu tố rất có thể sẽ tiếp tục cổ vũ đà tăng của giá ngô trong ngày hôm nay.

Giá Arabica có thể điều chỉnh kỹ thuật trước mức chặn 145 cents/pound
Kết thúc phiên giao dịch 5/10, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục suy yếu trước áp lực bán từ phía Brazil. Cụ thể, giá Arabica đang giao dịch tại mức 145.40 cents/pound và Robusta tại mức 2.378 USD/tấn. Tỷ giá USD/Brazil Real tăng và neo tại mức cao nhất từ tháng 3 đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US vẫn còn khá bấp bênh. Trong báo cáo kết phiên 5/10, dù vẫn còn 8.365 bao Arabica loại 60kg đang chờ phân loại để bổ sung vào các kho đạt chuẩn, nhưng tổng lượng cà phê đang lưu trữ vẫn giảm 820 bao, về mức 442.222 bao.
Với tình hình xuất khẩu tích cực tại Brazil ở thời điểm hiện tại, số bao chờ phân loại được cung ứng bởi quốc gia này vấn có thể tăng trong thời gian tới. Từ đầu tháng 8 đến nay, toàn bộ số bao cà phê bổ sung vào kho dự trữ của ICE-US đều đến từ Brazil.
Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), trong 5 ngày đầu tháng 10 quốc gia này đã xuất khẩu 725.329 bao cà phê, cao hơn 618.164 bao trong cùng kỳ tháng 9. Trong đó, sự gia tăng chủ yếu trong xuất khẩu đến từ Arabica dạng hạt với 638.510 bao, cao hơn mức 479.113 bao trong cùng kỳ tháng trước.

Giá đồng có thể giằng co chờ đợi báo cáo NFP của Mỹ
Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá đồng đã có nhịp hồi nhẹ trong phiên giao dịch buổi sáng, do tâm lý nhà đầu tư được trấn an nhờ những bình luận mang tính “ôn hòa” của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm qua.
Tuy vậy, triển vọng tiêu thụ đồng kém lạc quan đang là yếu tố gây sức ép mạnh tới giá đồng. Do vậy, có thể đà tăng của giá khó có thể duy trì và giá sẽ tiếp tục giằng co đi ngang. Tới phiên tối, nhiều khả năng giá sẽ biến động mạnh hơn khi Bộ Lao động Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp (NFP) rất được mong chờ, vì đây là dữ liệu có ảnh hưởng nhiều tới kỳ vọng về chính sách tiền tệ của FED trong năm nay.
Hiện tại, các chuyên gia kinh tế dự báo rằng Mỹ sẽ có thêm 170.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 9, giảm từ mức 187.000 ghi nhận trong tháng 8, cho thấy thị trường lao động Mỹ dần hạ nhiệt.
Tuy vậy, dữ liệu gần đây vẫn đang cho thấy những dấu hiệu tích cực trên thị trường lao động Mỹ. Theo báo cáo tháng 9 của Viện quản lý cung ứng, chỉ số việc làm trong ngành sản xuất tăng trong tháng 9 với 51,2 điểm, cao hơn 48,5 điểm ghi nhận trong tháng 8. Trái lại, chỉ số việc làm trong ngành dịch vụ suy yếu nhẹ xuống 53,4 điểm, giảm từ mức 54,7 điểm hồi tháng 8, tuy nhiên vẫn ở mức mở rộng.
Hơn nữa, báo cáo hàng tháng của công ty Challenger, Gray & Christmas được công bố vào ngày 5/10 đã chỉ ra làn sóng sa thải việc làm tại Mỹ đang lắng xuống và có kế hoạch tuyển dụng nhiều hơn. Cụ thể, công ty này cho biết tổng số việc làm bị cắt giảm là 146.305 trong quý III, giảm 22% so với quý II và là mức thấp nhất trong một năm. Ngoài ra, kế hoạch tuyển dụng đạt 552.800 vị trí thời vụ trong tháng 9, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, mặc dù bảng lương tư nhân của ADP ghi nhận mức giảm mạnh với 89.000 trong tháng 9, giảm từ mức 180.000 tháng 8, các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng thước đo của ADP không phải là đáng tin cậy.
Đáng chú ý, báo cáo NFP tháng 8 chỉ ra việc làm tiếp tục có xu hướng tăng trong lĩnh vực giải trí. Điều này cho thấy tác động của cuộc đình công tại Hollywood đã tạm lắng xuống. Trong khi đó, cuộc đình công trong lĩnh vực ô tô cho tới giữa tháng 9 mới bắt đầu và chưa có tác động quá lớn tới thị trường lao động trong tháng này.
Do vậy, có khả năng thị trường lao động Mỹ vẫn tích cực trước khi suy yếu trong tháng 10. Điều này có thể mở ra không gian để FED tiếp tục tăng lãi suất cao. Đồng USD có thể tiếp tục tăng mạnh và gây sức ép lên thị trường đồng.

Có thể dầu đã xác nhận giảm sau khi phá vỡ đường hỗ trợ dài hạn?
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh phá vỡ mốc hỗ trợ 83 USD/thùng khi các lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu hơn, trong khi sau cuộc họp Tổ chức các Quốc gia xuất khẩu dầu (OPEC) và đồng minh đứng đầu là Nga (OPEC+) giữ nguyên chính sách cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm nay.
Sự sụt giảm của giá dầu trùng với thời điểm giá Trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 17 năm do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và lo ngại ngày càng tăng về chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng ở Mỹ.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ trong tuần này cho thấy trong tuần này nhu cầu xăng dầu giảm mạnh, trong khi dữ liệu kinh tế cho thấy khu vực dịch vụ đã chậm lại. Một cuộc khảo sát quan trọng cho thấy nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể đã suy giảm trong quý trước, trong khi đó đồng USD tăng cao hơn đã khiến chi phí nhập khẩu dầu tăng lên gây áp lực lên khả năng mua hàng của các nước trên thế giới.
Theo nhiều chuyên gia dự báo, dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tối nay, chỉ số CPI của Mỹ và dữ liệu kinh tế của Trung Quốc vào tuần tới sẽ là chìa khóa thúc đẩy diễn biến của giá dầu. Các dữ liệu kinh tế tốt hơn có thể là dấu hiệu tích cực ngắn hạn cho triển vọng nhu cầu dầu, hỗ trợ giá tăng trở lại sau đó.
Theo Bloomberg, giá dầu thô giảm mạnh một phần được thúc đẩy bởi sự tăng giá của đồng USD, khiến hàng hóa trở nên đắt hơn đối với hầu hết quốc gia nhập khẩu. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu tăng nhanh và rõ rệt có nguy cơ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế do tăng chi phí vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có khả năng gây tổn hại đến việc tiêu thụ năng lượng.
Đánh giá hiện tại áp lực bán lên giá dầu đã được xác nhận sau khi các thông tin cho thấy nhu cầu đang chững lại vào giai đoạn đầu mùa đông, trong khi đó các yếu tố hỗ trợ đến từ việc cắt giảm sản lượng đã không còn là tiêu điểm khi trước đó đã phản ảnh vào đà tăng của giá dầu.
Như vậy, động lực để giá dầu tăng hiện tại có thể đang không còn nhiều và rất có thể thị trường sẽ chờ đợi thêm những quyết định chính sách của OPEC+ trong cuộc họp tháng 11 sắp tới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)