Không ngoài dự đoán của giới phân tích, báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) tuần này cho thấy tỷ lệ ngô đạt chất lượng tốt và tuyệt vời vẫn duy trì ổn định ở mức 53% diện tích, cao hơn so với mức 52% cùng kì năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình lịch sử. Tình hình vụ mùa nhìn chung có sự cải thiện ở phần lớn các bang ngoại trừ Minnesota và Michigan. Tính đến đầu tháng 10, tiến độ thu hoạch ngô đã đạt 23% diện tích, tăng 8% so với tuần trước, cao hơn mức 19% cùng kì năm ngoái và mức 21% trung bình 5 năm. Với thời tiết nắng nóng tại khu vực đồng bằng và Vành đai ngô, tốc độ thu hoạch nhiều khả năng vẫn sẽ được đẩy mạnh và duy trì ở mức cao trong tuần tới. Công ty môi giới hàng hóa StoneX đã nâng dự báo sản lượng ngô năm 2023 của Mỹ lên mức 15,202 tỷ giạ, từ mức 15,102 tỷ giạ trong báo cáo tháng trước. Bên cạnh đó, năng suất cây trồng cũng được dự báo có sự cải thiện lên mức 175,5 giạ/mẫu, nhiều khả năng là do thời tiết tích cực trong giai đoạn thu hoạch. Đây là nguyên nhân đang khiến giá ngô chịu sức ép và có thể duy trì đà giảm trong hôm nay.
Dữ liệu sơ bộ từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho thấy, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 8,76 triệu tấn ngô trong tháng vừa rồi, thấp hơn mức 9,4 triệu tấn trong tháng 8 tuy nhiên vẫn cao hơn mức 6,42 triệu tấn cùng kì năm ngoái. Điều đáng nói là con số mà Secex đưa ra thấp hơn khá nhiều so với mức mà Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo. Điều này cho thấy nguồn cung từ Brazil không được được đẩy mạnh như kỳ vọng, là yếu tố có thể sẽ kìm hãm đà giảm của giá ngô.

Giá Arabica có thể quay lại đà giảm do xuất khẩu vẫn tốt tại Brazil
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, ngày 2/10, giá Arabica quay đầu tăng hơn 2% sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 9 tháng. Lực mua bắt đáy cùng với đà giảm tồn kho trên Sở ICE từ đầu tháng 2 đã hỗ trợ giá. Trong khi đó, giá Robusta chỉ giảm nhẹ 0,04% xuất khẩu cà phê vẫn trong tình trạng kém tích cực tại Việt Nam và Indonesia.
Tình hình xuất khẩu cà phê vẫn đang diễn biến khá tích cực tại các quốc gia cung ứng chính, tạo tiền đề đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường.
Trong tháng 9, Brazil đã xuất khẩu 177.685 tấn cà phê (2,69 triệu bao loại 60kg), tăng 10,5% so với mức 169.678 tấn trong cùng kỳ năm 2022, dữ liệu từ chính phủ nước này. Giới phân tích nhận định, xuất khẩu cà phê tại Brazil sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho đến hết tháng 11 năm nay nhờ vào nguồn cung sẵn có.
Trước đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) ước tính sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil tăng 6,8% so với năm trước ở mức 54,36 triệu bao. Trong khi, lực tăng chủ yếu đến từ cà phê Arabica với 38,2 triệu bao, tăng 16,6% so với năm 2022.
Tại Costa Rica, quốc gia này đã xuất khẩu 51.884 bao cà phê trong tháng 9, tăng mạnh 84,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Cà phê ICAFE.

Nhu cầu trầm lắng và sức ép vĩ mô có thể khiến giá đồng tiếp tục giảm
Sau phiên giảm mạnh trước đó, giá đồng tiếp tục giảm mạnh trong phiên sáng nay khi mà giá đồng phải chịu sức ép từ cả yếu tố vĩ mô và cung – cầu.
Thị trường Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ cho đến hết ngày 8/10, do đó, thị trường đang tạm thời vắng bóng các tin tức cơ bản về tiêu thụ ở Trung Quốc. Tuy vậy, các tin tức trước đó đã chỉ ra phần lớn công ty xây dựng của Trung Quốc không có nhu cầu tích trữ hàng tồn kho trong kỳ nghỉ lễ, cho thấy nhu cầu trầm lắng. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc vẫn đang là lực cản tiêu thụ chính, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung ổn định, điều này khiến cho sức mua đồng ngày càng sụt giảm.
Cụ thể, dữ liệu gần đây đã chỉ ra sản lượng đồng tháng 8 của Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 434.206 tấn. Trong khi đó, tồn kho đồng tại Sở LME hiện đã tăng lên mức 169.300 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Bên cạnh sức ép từ yếu tố cung cầu, áp lực vĩ mô cũng là yếu tố tác động “bearish” tới giá đồng. Trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất cao do các quan chức FED liên tục có những phát biểu “diều hâu” trong thời gian gần đây, việc trú ẩn bằng đồng USD ngày càng được đẩy mạnh. Chỉ số Dollar Index đã tăng 11 tuần liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014, và hiện tại đã tăng vượt mức 107 điểm, mức cao nhất trong vòng 11 tháng.
Hơn nữa, đà tăng của chỉ số Dollar Index càng được củng cố nhờ sự suy yếu của đồng bảng Anh và đồng euro. Loạt dữ liệu được S&P Global công bố gần đây đều cho thấy bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Anh và khu vực châu Âu, khiến đồng tiền của các nước này suy yếu.
Cụ thể, hoạt động sản xuất tại khu vực đồng euro đã thu hẹp tháng thứ 15 liên tiếp, với chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tháng 9 đạt 43,4 điểm. Trong khi đó, PMI sản xuất của Anh vẫn đang duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, với 44,3 điểm trong tháng 9. Trái lại, bức tranh kinh tế Mỹ lại khả quan hơn với hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ, khi PMI sản xuất đạt mức cao nhất trong gần 1 năm trong tháng 9.
Do đó, với các yếu tố cơ bản đều đang có tác động “bullish” đến đồng USD, nhiều khả năng đồng USD sẽ tiếp tục neo ở mức cao và gián tiếp gây sức ép lên giá đồng.

Giá dầu có thể tiếp tục xu hướng giảm trước cuộc họp của OPEC+
Đồng đô la Mỹ duy trì đà tăng khi thị trường tiếp tục đặt kỳ vọng vào việc lãi suất tăng cao hơn, điều này gây áp lực lên nhu cầu dầu thô trước khi cuộc họp của OPEC+ diễn ra.
Về phía nguồn cung, Saudi Arabia và Nga, 2 quốc gia dẫn đầu cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), đã tăng cường xuất khẩu dầu thô vào tháng trước, giúp giảm bớt áp lực thiếu hụt nguồn cung cho thị trường toàn cầu, Bloomberg đưa tin vào ngày 2/10.
Áp lực đóng trạng thái trước cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào ngày 4/10. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư về triển vọng nguồn cung của OPEC+ đã khiến những nhà đầu tư có vị thế mua đóng trạng thái trước khi tin tức quan trọng được công bố.
Cũng trong phiên hôm qua, đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với các đồng tiền khác sau khi chỉnh phủ My tránh được việc đóng cửa một phần và dữ liệu kinh tế được công bố tích cực đã làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát, điều này dẫn đến các lo ngại hoạt động kinh tế sẽ chậm lại làm suy yếu nhu cầu dầu thô.
Về nhu cầu, sự sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang gây áp lực lên giá dầu và có thể các nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ không còn hiệu quả ở giai đoạn cuối năm.
Bloomberg cho biết Trung Quốc đang cắt giảm mua dầu thô giá cao và xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm tinh chế có giá trị cao hơn. Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại khiến cho nhu cầu thực tế yếu đi và có thể dẫn đến các lo ngại dư thừa nguồn cung vào năm tới.
Lượng dầu tồn kho của Trung Quốc có thể đáp ứng được khoảng 130 ngày cho nhu cầu của toàn quốc, vượt xa tiêu chuẩn toàn cầu là khoảng 90 ngày.
Theo đánh giá, hiện tại tâm lý thị trường đã thay đổi từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung sang kỳ vọng nguồn cung đã được đáp ứng và nhu cầu có dấu hiệu đi xuống giai đoạn cuối năm. Trước sự không chắc chắn này, giá dầu đang có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong phiên hôm nay.

 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)