Khả năng xảy ra hiện tượng El Nino cao hơn gấp đôi trong năm nay, theo tính toán của Cục khí tượng Australia. Hiện tượng này thường dẫn tới điều kiện thời tiết nóng và khô hơn tại Australia, trái ngược với khi La Nina xuất hiện. Trước đó, La Nina đã xuất hiện 3 năm liên tiếp, mang tới lượng mưa lớn cho nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp và giúp sản lượng lúa mì liên tục phá vỡ kỉ lục. Hiện tại, nông dân Australia vẫn đang gieo trồng vụ lúa mì 23/24. Nếu như các biểu hiện khô và nóng từ mô hình El Nino ngày càng nghiêm trọng hơn, năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong khi đó, tại Mỹ, tình hình vụ lúa mì mùa đông cũng kém khả quan. Trên cả nước, nông dân trồng lúa mì vụ đông có kế hoạch từ bỏ 33% diện tích cây trồng, tỉ lệ cao nhất kể từ Thế chiến I, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong một báo cáo. USDA dự kiến nông dân Kansas, nơi sản xuất lúa mì lớn nhất của Mỹ, sẽ bỏ hoang 19% diện tích lúa mì đông đã trồng, tăng từ mức 10% của năm ngoái và mức 4% của năm 2021. Bang Kansas dự kiến chỉ sản xuất 191,4 triệu giạ lúa mì trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1963, dự báo mới nhất của USDA cho thấy. Các nhà phân tích trong chuyến khảo sát lúa mì hàng năm dự báo con số thực tế có thể còn thấp hơn nữa, ở mức 178 triệu giạ. Lượng tồn kho được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Những lo ngại về mùa vụ ở 2 nước sản xuất lớn có thể giúp giá lúa mì duy trì đà hồi phục.
Chưa có thông tin đột phá, giá Arabica có thể tiếp tục giằng co
Kết thúc phiên giao dịch 23/05, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Giá Arabica ghi nhận mức giảm gần 1% khi triển vọng nguồn cung tích cực tại các nước xuất khẩu chính như Brazil và Colombia tiếp tục chi phối thị trường. Với Robusta, đầu phiên giá đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm trước lo ngại nguồn cung khan hiếm. Tuy vậy, việc tăng mạnh khiến thị trường có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, gây áp lực khiến giá quay đầu giảm gần 3%.
Trong những ngày đầu tuần, thị trường khá yên ắng, chủ yếu vẫn chuyển động theo các thông tin cơ bản trái chiều về nguồn cung trước đó.
Tồn kho Arabica trên Sở ICE US nhanh chóng quay trở lại đà giảm sau sự chững lại của phiên cuối tuần trước. Kết phiên 23/05, tổng mức cà phê đạt chuẩn được lưu giữ tại ICE là 620.633 bao loại 60kg, giảm 18.463 bao so với tuần trước đó.
Hơn nữa, xuất khẩu cà phê Arabica trong 23 ngày đầu tháng 05 của Brazil vẫn khá ảm đạm. Thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), 1,46 triệu bao cà phê Arabica loại 60kg đã được xuất đi, giảm 18% so với mức 1,79 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước.
Dù vậy, triển vọng nguồn cung tích cực từ dự báo của các cơ quan thuộc chính phủ vẫn có những tác động “bearish” nhất định lên giá. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng và xuất khẩu đều tăng tại Colombia và Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Chính phủ Brazil (Conab) ước tính sản lượng Arabica tại Brazil tăng 16% so với năm trước.
Lo ngại nguồn cung vượt quá nhu cầu có thể khiến giá đồng tiếp tục giảm
Nối tiếp đà giảm trong phiên 23/05, giá đồng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên sáng 24/05, do triển vọng tiêu thụ kém sắc trong khi nguồn cung ổn định. Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã hạ dự đoán giá đồng trong năm nay xuống còn 8.689 USD/tấn trong năm nay từ mức 9.750 USD/tấn trong lần dự đoán trước đây.
Sáng nay, nước Anh đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, thước đó lạm phát quan trọng, đạt mức 6,8% trong tháng 4, mức cao nhất trong vòng 31 năm. Hơn nữa, chỉ số CPI tháng 4 so sánh trên cơ sở hàng tháng và hàng năm đều tăng vượt dự báo, điều này làm gia tăng lo ngại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cần tiếp tục tăng lãi suất cao để hạ nhiệt lạm phát. Các nhà đầu tư đã đặt cược 100% BOE sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng tới, tăng từ mức 83% vào thứ Ba.
Hơn nữa, hôm nay Biên bản cuộc họp tháng 5 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cũng sẽ được công bố. Biên bản sẽ cung cấp manh mối về lộ trình điều chỉnh lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nếu quan chức Fed tiếp tục cho thấy quan điểm “diều hâu”, lo ngại Fed và BOE cùng tăng lãi suất có thể làm gia tăng lo ngại suy thoái, khiến cho triển vọng tiêu thụ đồng trở nên kém sắc.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng lại tương đối ổn định, đây sẽ là yếu tố khiến giá chịu sức ép. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) sáng nay cho biết thị trường đồng tinh luyện thặng dư 2.000 tấn trong tháng 3. Tính trong quý I/2023, mức thặng dư đã tăng lên 332.000 tấn, tăng hơn 40 lần so với mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu có thể chịu áp lực điều chỉnh trước khi nối dài đà tăng
Đà tăng của giá dầu chững lại trong sáng nay, trong bối cảnh sức ép bán lan rộng trên các thị trường tài chính nói chung. Tâm lý của các nhà đầu tư khá tiêu cực khi quá trình đàm phán nợ công của Mỹ liên tục rơi vào bế tắc.
Báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API), cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 6,8 triệu thùng cũng không củng cố sức bán trong phiên sáng nay. Thị trường dầu trong phiên tối nay có thể sẽ bị ảnh hưởng giữa hai chất xúc tác. Một mặt, các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhằm tìm kiếm những số liệu sản xuất và tiêu thụ dầu thực tế, nhất là khi mùa lái xe cao điểm của Mỹ đang đến gần.
Mặt khác, vấn đề nợ công của Mỹ có thể sẽ tác động tiêu cực và vượt ngoài lãnh thổ của Mỹ, gây ra tâm lý lo ngại với cả thị trường chứng khoán châu Âu. Vì thế, nếu các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm mạnh trong tối nay, cộng với việc chỉ số Dollar Index tăng mạnh và hướng về mức 104 điểm, giá dầu có thể cũng sẽ giảm khi các nhà đầu tư lo ngại và nâng tỷ trọng tiền mặt.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)