Trong những tuần gần đây, vị thế mua của các quỹ đối với đậu tương đã giảm đi đáng kể, theo báo cáo Cam kết Thương nhân (COT) của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC). Nếu như tổng vị thế mà các quỹ đang nắm giữ là Long 50.000 hợp đồng vào đầu tháng 5 thì con số này đang tiến tới 0 trong báo cáo kết thúc tuần giao dịch vừa rồi. Triển vọng nguồn cung cải thiện cùng với nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại đã khiến cho các quỹ giảm dần vị thế mua ròng đậu tương. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới vị thế là xu hướng biến động của lãi suất. Khi lãi suất bắt đầu tăng vào năm 2022, các quỹ bắt đầu thoát khỏi các vị thế mua đối với các mặt hàng nông sản. Lãi suất cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa, do đó, nhu cầu tiêu thụ ít hơn sẽ tạo sức ép tới giá. Ngoài ra, do lãi suất cao hơn, dòng tiền từ các quỹ cũng hướng sang các thị trường ít rủi ro hơn. Vào đầu tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, và là lần tăng thứ 10 trong 14 tháng. Liên quan đến cuộc họp sắp tới của Fed vào ngày 13-14/6 , Chủ tịch Jerome Powell ám chỉ việc tạm dừng nâng lãi suất có thể xảy ra. Tuy nhiên, biên bản cuộc họp lần trước cho thấy một số thành viên vẫn thấy cần phải tăng thêm lãi suất và đây có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng hiện tại của đậu tương.
Mặc dù về mặt cơ bản, các thông tin cung cầu đậu tương vẫn đang thiên về xu hướng giảm giá trong trung hạn nhưng trong phiên hôm nay, lực mua kĩ thuật có thể sẽ tiếp tục đẩy giá tiếp tục nhịp điều chỉnh. Chúng tôi cho rằng giá đậu tương có thể hướng lên vùng 1387.

Giá Arabica có thể tiếp tục giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch 29/05 – 04/06, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến giằng co trước những tác động trái chiều của thông tin cơ bản về nguồn cung. Trong đó, giá Arabica giảm nhẹ 0,72% so với tham chiếu do tiến độ thu hoạch cà phê tích cực tại Brazil cũng như xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 05 tại Honduras và Bờ Biển Ngà. Với Robusta, giá gần như không đổi so với tham chiếu, chỉ tăng 0,04% khi ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 05 tại Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng lũy kế 05 tháng đầu năm vẫn thấp hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn cung đang là vấn đề quan tâm hàng đầu đối với thị trường cà phê ở thời điểm hiện tại. Những thông tin trái chiều về nguồn cung trong ngắn và trung hạn có những tác động mạnh lên diễn biến giá.
Trong trung hạn, triển vọng nguồn cung niên vụ 2023/24 trở nên tích cực hơn ở hầu hết các quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu thế giới như Brazil hay Colombia. Trái lại, lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn cũng không hề lép vế với hoạt động bán hàng ảm đạm của nông dân Brazil, kết hợp cùng tồn kho Arabica đạt chuẩn đã giảm về mức thấp nhất trong 6 tháng mà chưa có tín hiệu gia tăng.
Dù vậy, với việc tiến độ thu hoạch tại Brazil đang diễn ra thuận lợi cùng dự báo sản lượng gia tăng, nguồn cung sẽ dần được cải thiện trong thời gian tới.

Giá đồng có thể giằng co do thông tin cơ bản trái chiều
Trong phiên sáng đầu tuần, giá đồng biến động khá giằng co khi thông tin tiêu cực về nguồn cung hỗ trợ cho giá. Cụ thể, Ủy ban đồng Chile Cochilco cho biết tổng sản lượng đồng của Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, giảm 0,8% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 412.200 tấn.
Tuy vậy, giá liên tục chịu sức ép khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước những dữ liệu kinh tế trái chiều cung cấp manh mối về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo khảo sát Beige Book của Fed về tình hình kinh doanh trong khu vực, được công bố vào ngày 31/05, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tuần gây đây khi số liệu việc làm và lạm phát giảm nhẹ. Cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh tế nhìn chung ít thay đổi trong tháng 4 và đầu tháng 5.
Loạt dữ liệu việc làm công bố vào 01/06 cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng lên mức 3,7%, sau khi chạm mức 3,4% trong tháng 4, mức thấp nhất trong vòng 53 năm. Lạm phát tiền lương cũng đã chậm lại với mức thu nhập trung bình theo giờ giảm xuống còn 0,3% trong tháng 5, từ mức 0,4% trong tháng 4, phù hợp với dự báo, cho thấy thị trường lao động dần hạ nhiệt.
Hơn nữa, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ vẫn đạt dưới mức 50 kể từ tháng 11/2022.
Những điều này ủng hộ khả năng Fed có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, phù hợp với quan điểm của một số quan chức Fed như Thống đốc Fed Philip Jefferson và Chủ tịch Fed bang Philadelphia, Patrick Harker. Theo CME FedWatch, xác suất để kịch bản này xảy ra đã tăng vọt lên gần 80%, tăng mạnh so với mức hơn 35% trong ngày 26/05.
Triển vọng Fed ngừng tăng lãi suất có thể tạo động lực tăng cho giá đồng khi đồng USD suy yếu.
Tuy nhiên, báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) lại cho thấy số người có việc làm ngoài ngành nông nghiệp tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 5, vượt qua cả số liệu ước tính và của tháng 4. Điều này có thể làm phức tạp thêm quyết định lãi suất của Fed. Do vậy, dự báo giá đồng có thể giằng co trong phiên hôm nay.

Giá dầu có thể tăng bởi sự can thiệp của nhóm OPEC+
Giá dầu mở cửa gap-up trong phiên giao dịch sáng nay sau khi cuộc họp của nhóm OPEC+ kết thúc vào cuối tuần với sự đồng thuận gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2024. Đáng chú ý, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7, và có thể sẽ duy trì trong trường hợp cần thiết. Lo ngại về nguồn cung sụt giảm có thể sẽ hỗ trợ giá dầu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Như vậy, với mức cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, sản lượng mục tiêu mà Saudi Arabia sẽ sản xuất vào tháng 7 sẽ chỉ là 9 triệu thùng/ngày. Cũng chỉ có Saudi mới có đủ công suất dự phòng để điều chỉnh tăng, giảm sản lượng linh hoạt.
Theo báo cáo mới nhất của OPEC+, sản lượng tháng 4 của quốc gia này đạt 10,5 triệu thùng/ngày. Saudi đã cắt giảm khoảng 0,5 triệu thùng/ngày so với hồi tháng 10 năm ngoái (khá sát với mục tiêu cắt giảm 0,52 triệu thùng từ cuối năm ngoái). Báo cáo của OPEC vào tuần sau cần cho thấy sản lượng của Saudi Arabia giảm mạnh so với tháng 4, để đảm bảo sự uy tín đối với mục tiêu giảm thêm 0,5 triệu thùng kể từ tháng 5 và là tiền đề cho sự cắt giảm mở rộng thêm 1 triệu thùng vào tháng 7.
Báo cáo từ OPEC cũng cho thấy ước tính nhu cầu của thị trường đối với dầu thô của OPEC sẽ tăng mạnh trong 2 quý cuối năm, với quý III cao hơn gần 1,5 triệu thùng so với quý II, và quý IV cao hơn khoảng 2 triệu thùng so với quý II. Do đó, nếu Saudi thực hiện cắt giảm mạnh tay trên thực tế sẽ rất dễ xảy ra thiếu hụt nhẹ trên thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, các tác động sẽ gặp nhiều thách thức bởi nguồn cung ổn định từ phía Nga và UAE được nâng hạn ngạch thêm 200,000 thùng/ngày.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)