Thời tiết ổn định hơn sau đợt hạn hán tháng 6 đang tạo áp lực lên giá ngô và lúa mì
Trở lại sau kì nghỉ lễ, thị trường nông sản lại một lần nữa chứng kiến cú lao dốc mạnh khi áp lực bán tháo lan rộng. Tất cả các mặt hàng đều tạo gapdown, và duy trì giảm mạnh trong phiên. Đáng chú ý nhất hôm qua là diễn biến của giá ngô khi chỉ vừa bước vào phiên giao dịch vài phút, tất cả các hợp đồng kỳ hạn của ngô đã giảm xuống mức kịch sàn.
Sản lượng thu hoạch được quyết định bởi diện tích gieo trồng và năng suất mùa vụ. Giá ngô đã tăng kịch trần trong tuần trước, khi Bộ nông nghiệp Mỹ công bố diện tích gieo trồng. Hiện tại, để xác định được nguồn cung của thị trường thì bất kì yếu tố nào tác động tới năng suất sẽ đều phản ánh trực tiếp vào giá. Chính vì thế nên khi dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ mát mẻ hơn và lượng mưa được bổ sung ở Midwest giúp cải thiện chất lượng ngô Mỹ, các lệnh bán ra đã ồ ạt xuất hiện. Thời tiết vẫn sẽ tiếp tục là thông tin có tác động lớn nhất đến giá ngũ cốc trước khi Báo cáo Cung-cầu tháng 7 được công bố. Chất lượng ngô trong tuần vừa qua vẫn duy trì ở mức 67% tốt-xuất sắc, kết thúc chuỗi nhiều tuần giảm liên tục cho thấy tác động của hạn hán đang giảm dần. Với lượng mưa được dự báo thì mùa vụ còn có thể được cải thiện trong tuần tới.
Giá ngô thời gian gần đây liên tục xảy ra những biến động rất mạnh và đột ngột, các phiên chạm limit xuất hiện xen kẽ với tần suất cao cho thấy tâm lí hoang mang và phản ứng thái quá trước các thông tin cơ bản của thị trường. Điều này khiến cho xu hướng giá không bền và có thể đảo chiều nhanh chóng. Ở những vùng giá cao như hiện tại, với các thông tin “bearish” chưa đủ mạnh để phá vỡ các hỗ trợ quan trọng thì ngô có thể sẽ vẫn dao động khó lường trong khoảng rộng.
Ở góc nhìn kĩ thuật, giá ngô đã nằm dưới đường SMA 20, MACD đang chuyển từ dương sang âm, RSI đi ngang dưới mức 50 cho thấy tín hiệu đều thiên về bên bán. Tuy nhiên với tâm lí hưng phấn của nhà đầu tư trong phiên hôm qua thì đà giảm sẽ khó kéo dài sang hôm nay. Chính vì thế nên, giá ngô có thể sẽ giằng co trong vùng 540-560.
Giá lúa mì cũng tạo gap down và giảm mạnh trong phiên hôm qua nhưng đà giảm đã được hạn chế bởi lực mua kĩ thuật ở mức 617. Mức giao hàng lúa mì Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/7 đạt 258,438 nghìn tấn, giảm nhẹ so với tuần trước và tiến độ cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái góp phần vào mức giảm hôm qua.
Rạng sáng nay, Bộ nông nghiệp Mỹ đã công bố báo cáo Crop Progress cho thấy chất lượng lúa mì đạt tốt – xuất sắc tiếp tục giảm 4%, xuống mức 16% và thấp hơn mức kì vọng 19% của thị trường. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp mùa vụ lúa mì bị đánh giá kém đi do hạn hán kéo dài và nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng phía Bắc.
Mở cửa sáng nay, giá lúa mì đang tăng trở lại về mức 633 cent. Hỗ trợ ở quanh mức 617 vẫn khá mạnh khi giá đã 3 lần test lại mốc kĩ thuật này nhưng vẫn chưa thể phá vỡ. Trong những phiên tới, giá có thể sẽ hướng tới vùng 650 để lấp lại khoảng gap trong phiên hôm qua.
Thị trường Cà phê có thể tiếp tục giảm
Kết thúc phiên giao dịch 6/7, dòng vốn dường như không quay trở lại thị trường khi giá Cà phê trên hai sàn đồng loạt lao dốc. Giá Arabica giảm 3.23% còn 148.1 cents/pound, tương đương với mức 3265 USD/tấn, giá Robusta giảm nhẹ 0.5% về 1679 USD/tấn.
Ảnh hưởng từ cú sập của thị trường nông sản và năng lượng là lí do chính khiến cho lực bán hoàn toàn vượt trội trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, Đồng USD tăng vào cuối phiên và sự suy giảm của đồng Real trong thời gian gần đây cũng góp phần làm cho giá giảm mạnh.
Gần như toàn bộ các thị trường đầu tư trong hôm qua đều ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi lực bán ồ ạt, tuy nhiên, đây có thể là một đợt giảm điều chỉnh chứ không phải tín hiệu đảo chiều của xu hướng. Các yếu tố cơ bản hiện không còn có tác động quá mạnh lên giá của hai loại Cà phê. Trong ngày hôm nay, các nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý vào Biên bản cuộc họp tháng 6 của FED, nhằm nắm bắt những tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới. Giới chuyên gia dự đoán FED sẽ tiếp tục giữ lập trường ôn hòa, tuy nhiên, vào thời điểm tin tức được công bố trong tối nay, thị trường sẽ vẫn biến động ít nhiều. Tuy nhiên, chỉ khi giá đồng USD giảm rất mạnh, giá Cà phê mới có cơ hội tăng trở lại, do đó, các nhà đầu tư nên để tâm thêm đến các yếu tố dòng tiền. Nếu đà bán hôm qua vẫn tiếp tục, giá Cà phê trong hôm nay có thể tiếp tục giảm sâu.
Từ góc nhìn kỹ thuật, phe bán dường như đã hoàn toàn áp đảo ở thị trường Cà phê Arabica, khi giá đã giảm 5 phiên liên tiếp và trượt xuống khỏi các mốc hỗ trợ quan trọng như 155 cents và 150 cents/ Trong phiên hôm nay, có thể giá sẽ tiếp tục giảm về vùng hỗ trợ 145 cents/pound (tương đương với đường hỗ trợ EMA 89). Nếu giá đóng cửa trên mức này, thị trường có thể đi ngang thêm một thời gian để test mốc 150 cents. Ngược lại, trong kịch bản xấu hơn, giá có thể giảm về mức hỗ trợ 140 cents.
Đối với Cà phê Robusta, phe mua vẫn rất cố gắng để giữ giá không giảm xuống mức hỗ trợ 1670 USD đã trụ vững trong nhiều tuần. Tuy nhiên, chỉ số RSI cho thấy lực mua đang yếu dần, và thị trường dẫn dắt Arabica liên tục giảm, khiến cho giá Robusta không thể nào bứt phá đi lên. Nếu tin tức tiêu cực trong phiên hôm nay, giá có thể giảm xuống dưới mức hỗ trợ 1670 USD. Ngược lại, ở kịch bản tích cực giá có thể vẫn dao động trong biên độ 1670 – 1730 USD và test lại mức cản 1700 USD/tấn.
Thị trường có thể chịu cú sốc cung lớn nếu OPEC+ tan rã
Ngày hôm qua, thị trường hàng hóa nói chung và thị trường dầu thô đồng loạt giảm khi tâm lý bất ổn lan rộng từ thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch, giá Brent giảm mạnh 3.41% xuống 74.53 USD/thùng trong khi giá WTI giảm 2.38% xuống 73.37 USD/thùng.
Giá giảm là hệ quả tất yếu khi cuộc họp của OPEC+ kéo dài và chưa có kết quả nào được đưa ra. Tuy nhiên, dù kết quả cuộc họp diễn biến theo chiều hướng nào, thì sản lượng dầu thô cũng sẽ tăng trong thời gian tới: Theo thỏa thuận sơ bộ, tồn kho sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, trong khi nếu liên minh OPEC+ bị phá vỡ, dù khó gây ra cuộc chiến giá giống Nga-Saudi Arabia năm ngoái, tuy nhiên các nước cũng sẽ đồng loạt gia tăng sản lượng để giành thị phần.
Theo ước tính của nhiều tổ chức hiện nay, tính riêng công suất dự phòng của OPEC hiện đang ở mức gần 6 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2021, trong số đó khoảng 3.6 triệu/thùng một ngày là từ Saudi Arabia (tính theo Báo cáo thị trường Dầu tháng 6 của OPE). Ngoài ra, 13 đồng minh khác, đặc biệt là Nga, cũng đang hạn chế công suất thực tế dưới thỏa thuận cắt giảm hiện tại. Theo ước tính, các nước có thể huy động công suất này trong vòng 90 ngày. Trong khi đó, thiếu hụt nguồn cung dầu thế giới trong quý III rơi vào khoản 1-2 triệu thùng/ngày. Do đó, nếu các nước sản xuất dầu lớn đồng loạt “mở van” cho sản lượng tăng trở lại, giá dầu có thể sẽ đồng loạt giảm sâu. Tuy nhiên đây là kịch bản xấu nhất mà các nước sẽ muốn tránh, do sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu hiện tại.
Giá đã phục hồi trở lại sau khi giảm sâu vào tối qua, khi thị trường chờ đợi các thông tin mới từ Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA tối nay. Giá đang test lại mức 73.74 USD/thùng với các chỉ số kỹ thuật gợi ý giá sẽ vượt qua mốc này. Nếu báo cáo tối nay của EIA cho thấy triển vọng khả quan, giá có thể tiếp tục tiến đến vùng 73 USD/thùng tối nay.