Nhóm đậu tương vẫn đang giằng co và đi ngang kể từ sau phiên tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, lựa mua và bán trên thị trường đậu tương khá cân bằng, khiến giá mặt hàng này trong phiên giằng co mạnh nhưng đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0.25%. Kể từ sau phiên tăng đột ngột từ hôm thứ tư khi Báo cáo diện tích gieo trồng được công bố, giá đậu tương vẫn chỉ biến động đi ngang quanh vùng giá 1400 mà chưa xác nhận rõ ràng xu hướng tiếp theo.
Giá đậu tương mặc dù mở cửa phiên trước tăng mạnh nhưng đã không thể duy trì đến cuối phiên do áp lực chốt lời thanh lý vị thế mua trước kì nghỉ lễ. Không có quá nhiều thông tin cơ bản mới ảnh hưởng đến giá, ngay cả điều kiện về thời tiết cũng vẫn duy trì. Một số cơn mưa xuất hiện ở Midwest nhưng cũng không đủ để làm giảm bớt lo ngại về chất lượng vụ mùa năm nay, đặc biệt là ở các khu vực hạn hán nặng nề như Đồng bằng phía Bắc. Sản lượng đậu tương của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống 1.5 triệu tấn còn 17,5 triệu tấn trong niên vụ 2021/22. Điều này có thể thúc đẩy nhập khẩu đậu tương Mỹ của nước này tăng lên và sẽ là yếu tố bullish đối với giá.
Ở góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương đã vượt lên đường SMA 20, và dao động trong dải trên của Bollinger Bands. RSI hướng lên, MACD cắt lên và Histogram chuyển sang dương cho thấy đậu tương đang ở trong xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, động lực tăng giá đang giảm dần và không còn mạnh nữa vì giá đang gần hơn với các mốc kháng cự mạnh nên có thể trong vài ngày tới, đậu tương có thể điều chỉnh về vùng 1370 trước khi tăng trở lại.

Giá dầu đậu tương phiên cuối tuần tăng lên 1.28% nhờ hỗ trợ từ đà tăng của dầu cọ nhưng vẫn nằm trong biên đi ngang ở dải trên của Bollinger Bands. Giá dầu dậu tương có thể sẽ tiếp tục giằng co trong biên 62-64.

Giá khô đậu tương kết tuần cũng tạo 1 cây nến Doji cho thấy thị trường vẫn chưa xác nhận xu hướng tiếp theo của mặt hàng này. Trong phiên đầu tuần, có thể giá khô đậu tương sẽ quay về vùng 384. Tuy nhiên, trong trung hạn các chỉ báo kĩ thuật vẫn đang ủng hộ bên mua.
 
Thị trường Cà phê ảm đạm chờ đợi chất xúc tác
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, diễn biến trái chiều quay trở lại với thị trường Cà phê. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 3% còn 153.05 cents/pound, trong khi giá Robusta cùng kỳ hạn vẫn duy trì sắc xanh bằng mức tăng 1.67% lên 1707 USD/tấn.
Tháng 6 kết thúc đánh dấu nửa năm tương đối thăng hoa của thị trường Cà phê. Giá Cà phê Arabica đã tăng gần 20%, còn giá Robusta cũng tăng 15% kể từ đầu năm. Đà tăng của Cà phê được hỗ trợ rất nhiều từ những lo ngại về nguồn cung, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Brazil, cùng với những khó khăn trong việc vận chuyển hàng từ các nước xuất khẩu Cà phê lớn như Việt Nam, Indonesia, và Colombia. Bên cạnh đó, thị trường Cà phê cũng được hưởng lợi từ “cơn sốt tăng giá” của các loại hàng hóa trong năm nay khi dòng vốn đổ vào thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, gần đây đà tăng của cả hai loại Cà phê đang có dấu hiệu chững lại, do sức ép của thị trường chứng khoán và tác động của những yếu tố kể trên đã phai dần.
Trong một vài phiên sắp tới, rất có thể giá Cà phê Arabica vẫn chịu nhiều áp lực khi đồng Real liên tiếp giảm giá khiến nông dân Brazil đẩy mạnh tốc độ bán hàng. Ngược lại, giá Robusta vẫn được hưởng lợi từ các thông tin cơ bản và chênh lệch giá giữa hai sàn.
Dữ liệu thương mại của chính phủ Indonesia công bố xuất khẩu Cà phê Robusta của quần đảo Sumatra tháng 6 là 143,100 bao, giảm 56.5% so với cùng kì năm ngoái, do ảnh hưởng của giá cước tàu biển tăng và thiếu hụt containers ở khu vực Châu Á.
Chênh lệch giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giữa hai sàn giảm xuống còn 79.24 cents/pound, tương đương với mức chiết khấu 50% cho giá Cà phê Robusta. Chênh lệch giá rộng này có thể khiến cho các nhà kinh doanh Cà phê cân nhắc sử dụng nhiều Cà phê Robusta hơn.
Từ góc nhìn kỹ thuật, lực bán mạnh khiến giá Arabica giảm liên tiếp trong bốn phiên. Rất có thể sau kì nghỉ lễ Quốc Khánh Mỹ, phe bán sẽ tiếp tục gia tăng áp lực và đưa giá về test lại vùng hỗ trợ 150 cents/pound. Đây là một vùng hỗ trợ quan trọng, các nhà đầu tư cần thận trọng quan sát hành vi giá ở khu vực này. Nếu phe mua giữ giá đóng cửa trên 150 cents/pound, giá Arabica có thể đi ngang trong khu vực 150 – 155 cents/pound để chờ đợi một chất xúc tác. Ngược lại, nếu vùng hỗ trợ này bị thủng, giá có thể rơi về vùng 145 cents/pound.

Đối với cà phê Robusta, giá giằng co mạnh trong các phiên gần đây, đặc biệt là phiên thứ 6 tuần trước, khi phe mua phải rất vất vả mới giữ được giá trên 1700 USD/tấn. Chênh lệch giá hai sàn vẫn hỗ trợ cho đà tăng của Robusta nhưng chỉ số RSI đang tiến rất gần tới khu vực quá bán nên rất có thể giá sẽ không tiếp tục tăng mạnh, và gặp phải áp lực chốt lời. Trong một vài phiên sắp tới, giá Robusta có thể vẫn tiếp tục giao dịch đi ngang trong biên độ 1670 – 1730 USD/tấn.
 
Động lực nào thúc đẩy thị trường kim loại quý trong tuần này?
Thị trường kim loại quý diễn biến trái chiều khi tuần giao dịch vừa qua kết thúc. Giá Bạc duy trì sắc xanh tuần thứ 3 liên tiếp bằng mức tăng 1.44% lên 26.52 USD/ounce, trái lại giá Bạch kim giảm 1.63% về 1087.7 USD/ounce.
Các dữ liệu việc làm đã giúp cho giá Bạc bứt phá khỏi xu hướng đi ngang trong vòng hơn hai tuần. Việc số liệu Bảng lương phi nông nghiệp tăng lên 850,000 người, cao hơn so với dự báo, nhưng tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tăng 0.2% lên 5.9% khiến cho các nhà đầu tư tin rằng FED sẽ không vội vã tăng lãi suất, khi mà thị trường lao động phục hồi yếu hơn so với mức kì vọng.
Trong tuần này, thị trường vẫn sẽ theo dõi sát sao các số liệu việc làm của Mỹ, gồm số Đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu và Cơ hội việc làm JOLTs (JOLTS Job Openings). Bên cạnh đó, tâm điểm tin tức của tuần là Biên bản họp của Ủy Ban Thị trường mở Liên bang (công bố vào thứ 4) và FED có thể công bố thêm Báo cáo Chính sách tiền tệ. Đây đều là những tin tức mang tính ảnh hưởng mạnh lên giá của các mặt hàng kim loại quý là Bạc và Bạch kim.
Từ góc nhìn kỹ thuật, giá Bạc đã bứt phá khỏi xu thế đi ngang, trong tuần này, rất có thể giá sẽ test lại khu vực cản quan trọng là 27 USD/ounce. Nếu các chính sách của FED tiêu cực với thị trường kim loại quý, giá Bạc có thể quay đầu giảm về vùng 26 USD/ounce.

Đối với thị trường Bạch kim, xu thế chính vẫn là xu thế giảm, và lực bán luôn mạnh hơn nhiều so với lực mua, nên dù giá tăng liên tiếp trong 3 phiên cuối tuần cũng không thể đưa giá Bạch kim quay trở lại mức 1100 USD/ounce. Trong tuần này, cộng hưởng với đà tăng của các mặt hàng kim loại quý khác là Vàng và Bạc, giá Bạch kim có thể test lại khu vực 1100 USD/ounce, và đường cản động EMA 20. Nếu phe mua chiếm ưu thế, giá Bạch kim có thể hồi về vùng 61.8 Fibonacci. Ngược lại, nếu đồng USD tăng giá do chính sách của FED, giá Bạch kim có thể giảm mạnh về vùng 1050 USD/ounce.
 
Kết quả cuộc họp OPEC+ sẽ quyết định hướng đi của thị trường trong năm nay
Giá dầu tiếp tục tăng trong tuần vừa rồi khi thị trường tập trung vào diễn biến cuộc họp của OPEC+. Kết thúc tuần vừa rồi, giá WTI tăng 1.5% lên 75.16 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 1.05% lên 76.17 USD/thùng.
Giá dầu tăng rất mạnh khi OPEC+ đưa ra kế hoạch tăng sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày từ tháng 8 cho đến cuối năm nay. Tuy nhiên, việc UAE đòi tăng thêm sản lượng của quốc gia và phản đối việc kéo dài thỏa thuận đến cuối năm 2022 kéo theo mâu thuẫn về các quyền sản xuất trong nhóm và đe dọa phá vỡ cân bằng chung từ đầu năm đến giờ. Mặc dù Saudi kiên quyết bảo vệ lập trường ban đầu, tuy nhiên Bộ trưởng năng lượng, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận chung.

Cuộc họp của OPEC+ sẽ tiếp tục vào 20h00 tối nay, với thị trường kỳ vọng sẽ có thêm bước tiến mới giữa các bên. Tuy nhiên, xét về lập trường của UAE, tháng 11 năm ngoái nước này đã duyệt kế hoạch tăng chi 122 tỷ USD trong vòng 5 năm 2021-2015 để phát triển dầu thô và khí tự nhiên, với tham vọng nâng sản xuất từ mức 3.7 triệu thùng/ngày trong năm 2020 lên 5 triệu thùng/ngày trong năm 2030, thì việc nước này đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sau mốc 4/2022 là rất khó xảy ra. Trong khi đó, để giữ tầm ảnh hưởng trong nhóm, Saudi Arabia sẽ muốn tránh trường hợp UAE rời khỏi liên minh và kéo theo các thành viên khác đồng loạt tăng sản lượng. Do đó có khả năng trong cuộc họp tiếp phía Saudi Arabia sẽ đề xuất miễn trừ cho UAE một số thỏa thuận chung của nhóm hoặc đưa ra một vài nhượng bộ.
Về mặt kỹ thuật, giá đang test lại vùng 75.1 USD/thùng với các chỉ số kỹ thuật khá trung lập. Giá có thể sẽ tích lũy trong tuần này, khi các cuộc đàm phán giữa các thành viên OPEC+ có thể sẽ kéo dài, và thị trường cần thời gian để đánh giá triển vọng thời gian tới. Nếu thỏa thuận cuối cùng không quá khác biệt so với kết quả vòng đàm phán sơ bộ, giá dầu sẽ có đà thuận lợi để tiến lên vùng 80 USD/thùng trong quý III.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)