Giá nông sản trải qua phiên tăng “sốc”: Tâm lí hưng phấn nhất thời hay khởi đầu cho sóng tăng mới?

Tâm lý hưng phấn của thị trường đã được thể hiện rõ trong phiên hôm qua, sau thời điểm USDA phát hành đồng thời 2 báo cáo quan trọng vào lúc 23:00 đêm. Giá ngô chỉ mất chưa đầy 30s để tăng vọt lên các mức kịch trần, trong khi giá lúa mì cũng tăng mạnh hơn 5%.
Khi số liệu diện tích sau giai đoạn gieo trồng đã khá rõ ràng, thị trường sẽ chuyển hướng quan tâm đến thông tin ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.
Sự chú ý của thị trường từ nay cũng sẽ tập trung vào thời tiết mùa vụ ở Mỹ. Lượng mưa đáng kể xuất hiện ở khu vực Trung Tây đã giúp cải thiện độ ẩm và giảm bớt căng thẳng do hạn hán gây ra ở đây. Tuy nhiên, nhiều vùng của bang Iowa, Minnesota và Dakotas vẫn đang trải qua khô hạn kéo dài, khiến cho chất lượng ngũ cốc ở Mỹ liên tục giảm xuống trong vài tuần gần đây. Khoảng 40% diện tích của Vành đai ngô (Corn Belt) vẫn đang nằm trong khu vực chịu hạn hán. Nếu như thời tiết tiếp tục không được cải thiện ở các vùng này thì có thể sẽ làm giảm năng suất thu hoạch, kéo theo mức tồn kho xuống thấp hơn nữa.
Mở cửa sáng nay, giá ngô vẫn tiếp đà tăng hôm qua và tạo gapup. Giá đã vượt đường SMA 20 ngày và đang ở trong dải trên của Bollinger Bands; RSI cũng đang hướng lên cho thấy xu hướng tăng trong ngắn hạn. Trong phiên hôm nay giá ngô sẽ giằng co quanh vùng kĩ thuật quan trọng ở mức 600 và có thể hướng tới vùng 610.
Tong hop cac ban tin ngay
Giá lúa mì cũng tăng mạnh chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá ngô. Bên cạnh đó, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc dự kiến tăng 140% so với niên vụ trước do nhu cầu trong ngành chế biến thức ăn chăn nuôi tăng lên. Đây cũng là thông tin giúp hỗ trợ giá lúa mì.
Giá lúa mì đang được giao dịch ở quanh mức 675 cent/giạ và bên bán đang chiếm ưu thế. Trong phiên sáng nay, giá giảm và chạm đường SMA 20 ngày thì bật lên ngay cho thấy lực mua vẫn đang rất mạnh ở vùng hỗ trợ. Trong phiên hôm nay, có thể lúa mì sẽ giằng co quanh mức 680 với biên độ 10 cent.
 
Xu hướng đi ngang đang hình thành ở thị trường Cà phê
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá Cà phê trên hai sàn đi ngược chiều nhau. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm nhẹ 0.3% còn 159.75 cents/pound. Trong khi đó, lực mua đưa giá Robusta bật tăng gần 2% quay trở lại mốc 1705 USD/tấn.
Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần, giá Arabica quay đầu giảm do lực chốt lời. Thời tiết sương giá ở Brazil không đủ để khiến giá duy trì đà tăng, do không ảnh hưởng quá nhiều tới các bang trồng Cà phê chủ lực như Minas Gerais. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ Cà phê Arabica cũng bị đe dọa khi mà biến thể Delta khiến hàng loạt các quốc gia thực hiện phong tỏa, đặc biệt ở khu vực châu Á và là Liên minh châu Âu. Tuy nhiên đây lại là yếu tố củng cố cho đà tăng của giá Robusta. Ảnh hưởng của các tin tức lên giá Cà phê đang có dấu hiệu giảm nhiệt, do đó, trong các phiên sắp tới, giá được dự báo sẽ phản ứng mạnh với các mốc kỹ thuật.
Hiện xu thế đi ngang đang hình thành đối với cả hai thị trường Cà phê có thể coi là một tín hiệu tốt sau một đợt tăng mạnh, thay vì lại giảm điều chỉnh. Có thể thấy, phe mua vẫn rất nỗ lực đưa giá vượt qua các mốc kháng cự, nhưng lực chốt lời ở phe bán vẫn rất mạnh khiến giá khó có thể tiếp tục tăng mạnh.
Đối với Cà phê Arabica trên sàn ICE US, giá lao dốc ngay từ đầu phiên, tuy nhiên, đà tăng được khôi phục vào cuối phiên khiến giá vẫn nằm trên vùng Fibonacci 78.6. Phe mua đã thất bại trong việc giữ giá nằm trên mốc 160 cents. Trong phiên hôm nay, giá có thể được hưởng lợi từ lực mua cuối phiên hôm qua, và tăng nhẹ để test lại mốc 160 cents. Biên độ dao động dự kiến, 157 – 164 cents/pound.
Đối với Cà phê Robusta, giá giằng co mạnh trong phiên hôm qua, và đã có lúc test lại vùng hỗ trợ 1650 USD. Tuy nhiên, phe mua đã thành công đưa giá quay trở lại trên mức 1700 USD. Trong cả 3 phiên giao dịch gần đây, giá liên tục test mức kháng cự 1720 và đều thất bại. Tín hiệu đi ngang đang được hình thành với biên độ 1675 – 1720 USD. Chỉ số RSI vẫn cho thấy một lực mua mạnh, nên có thể hôm nay giá vẫn sẽ test lại đỉnh 1720 một lần nữa.
 
Thị trường kim loại quý tăng nhẹ trước thềm công bố số liệu việc làm Mỹ
Sắc xanh đã quay trở lại với thị trường kim loại quý khi phiên giao dịch ngày 30/6 kết thúc. Giá Bạc kỳ hạn tháng 9 tăng 1.13% lên 26.2 USD/ounce, giá Bạch kim kỳ hạn tháng 10 cũng đóng cửa tăng nhẹ 0.21% lên 1072.9 USD/ounce.
Thật hiếm có một phiên giao dịch khi mà giá đồng USD bật tăng mạnh mà không làm ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường kim loại quý. Giá Vàng thế giới cũng tăng 0.5% lên 1769.8 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index tăng 0.42% lên 92.44 điểm, quay trở lại mức cao nhất kể từ đầu tháng 4, khi các số liệu kinh tế được công bố trong hôm qua, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện.

Thị trường kim loại quý trải qua nửa đầu năm 2021 với rất nhiều biến động, ngược hẳn với đà tăng ổn định của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng quý thứ 5 liên tiếp, đây là kỉ lục mới từ 2017, và đóng cửa cao hơn 14% so với đầu năm nay. Sự tăng tốc của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, kèm với nỗi lo lạm phát dường như đã được gỡ bỏ, khiến cho dòng vốn vào thị trường kim loại quý đã bị chia sẻ bớt, và cả giá Vàng, Bạc và Bạch kim đều giảm mạnh từ cuối tháng 5 tới nay. Vàng mất giá mạnh nhất trong nhóm kim loai quý, với mức giảm 6.38% về 1776 USD/ounce kể từ đầu năm. Giá Bạc và Bạch kim đều biến động mạnh hơn hẳn so với giá vàng và cả thị trường chứng khoán nhưng kết thúc Q2/2021 với mức giảm nhẹ gần như không đổi so với đầu năm. Giá Bạc giảm 0.22% còn Bạch kim giảm 0.34%.
Do vậy, dễ hiểu vì sao gần đây thị trường kim loại quý giao dịch với khối lượng rất ảm đạm và thường có những pha giảm mạnh, phản ánh tâm lý mất kiên nhẫn của các nhà đầu tư. Hiện tại, các số liệu về việc làm là tâm điểm của giới đầu tư, FED vẫn đang chờ đợi thước đo này xác nhận tình hình hồi phục của nền kinh tế để đưa ra quyết định liệu có thắt chặt chính sách tiền tệ hay không.
Trong tối nay, số Đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu sẽ được công bố. Giới đầu tư kì vọng số liệu này sẽ giảm và đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá. Khả năng cao, giá Bạc và Bạch kim sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, trước khi có tin tức, thị trường có thể vẫn được hỗ trợ của đà tăng từ phiên hôm qua và test lại các mức kháng cự.
Ở thị trường Bạc, giá Bạc có thể test lại các mức kháng cự 26.3 và 26.5 USD/ounce trong phiên hôm nay. Nếu đồng USD tăng giá, khả năng phe bán sẽ đưa giá Bạc đóng cửa dưới 26.3 USD và tiếp tục tích lúy trong biên độ 25.8 – 26.3 USD. Ngược lại, nếu số liệu việc làm vẫn tiêu cực, giá Bạc có thể đóng cửa cao hơn 26.5 USD/ounce.
Đối với giá Bạch kim, hiện giá đang trên một xu thế giảm với lực hồi yếu ớt dưới vùng Fibonacci 61.8. Tuy nhiên, lực mua mạnh vào cuối phiên hôm qua có thể sẽ tiếp tục đưa giá test lại khu vực Fibonacci 78.6 tương đương với mức 1080 USD/ounce. Tương tự như diễn biến với giá Bạc, giá có thể quay đầu giảm ở khu vực này nếu đồng USD bật tăng mạnh do các số liệu việc làm tích cực.
 
Giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng sau cuộc họp của OPEC tối nay
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên hôm qua khi thị trường hấp thụ các tin tức từ cuộc họp OPEC cũng như thông tin từ Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 0.67% lên 73.47 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.46% lên 74.62 USD/thùng.
Mặc dù các thành viên có nhiều động lực để tăng mức giá cao, nhất là khi 6/23 thành viên khối Ả Rập của OPEC+ đều thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và có lợi ích gắn chặt với giá dầu. Ngài Qatar, các nước này đều có điểm hòa vốn ngân sách trong năm nay ở mức cao hơn 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, đối lập với các nước này là các nước như Nga và Iran, với lập trường tranh thủ gia tăng sản lượng trước khi nhu cầu dầu thô thế giới giảm từ đỉnh. Sức ép từ phía khách hàng cũng đang tăng dần lên. Với giá dầu thô hiện đã tăng gần 50% từ đầu năm tới nay, các nước tiêu thụ lớn như Ấn Độ đã lên tiếng kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng từ tháng trước. Khi yêu cầu không được đáp ứng, họ quay ra các nhà cung cấp khá như Mỹ Latinh và Canada. Sáng nay, Ấn Độ thông báo vừa nhập thử lô dầu đầu tiên từ Guyana.
Về lý thuyết, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, có thể giảm bớt tiêu thụ hoặc gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trừ khi có một yếu tố tác động mạnh lên nền kinh tế, tiêu thụ sẽ không giảm dù giá có tăng lên mức cao. Nếu như năm 2005, khi giá dầu chạm 80 USD/thùng, Quốc hội Mỹ ra quy định tăng thành phần ethanol trong xăng để đối phó với giá lên cao, thì việc giá ngô, nguyên liệu chính tạo ethanol, tăng mạnh sau phiên hôm qua khiến cho giải pháp này không khả thi. Trong khi đó, các chính sách hiện nay tại Mỹ lại đang cản trở các công ty dầu đá phiến gia tăng sản lượng. Do đó, OPEC - là bên có quyền lực nhiều hơn trong thị trường dầu hiện nay.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch theo kỳ vọng và các thông tin có được từ cuộc họp của OPEC. Hiện tại, sau khi có thông tin OPEC+ sẽ đàm phán kéo dài thời gian của thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến sau tháng 04/2022, thị trường đang nghiêng về dự đoán mức tăng sản lượng không nhiều trong ngày hôm nay. Giá WTI hiện đã vượt qua vùng giá 73.6 USD, nếu kết quả tối nay OPEC+ thông báo gia tăng sản lượng trong khoảng 550,000 thùng/ngày như nhiều dự báo, giá có thể sẽ đạt kháng cự 74.2 USD/thùng để tiến gần đến vùng 75 USD/thùng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)