Giá ngô sẽ khó vượt lên vùng tâm lí 600 trước kì nghỉ lễ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/07, thị trường nông sản đã ổn định hơn sau phiên tăng sốc. Mặc dù đà tăng vẫn được duy trì trong phiên sáng khi ngô mở cửa tạo gapup nhưng số liệu bán hàng kém đã khiến mặt hàng này đóng cửa trong sắc đỏ.
Theo báo cáo Export Sales, doanh số bán hàng ngô niên vụ cũ trong tuần kết thúc ngày 24/06 chỉ đạt hơn 15,000 tấn, giảm mạnh so với tuần trước đó. Ngoài ra, áp lực từ việc chốt lời và thanh lý vị thế mua trước kỳ nghỉ lễ cũng khiến giá ngô không duy trì được trên vùng tâm lí 600.
Thông thường giá ngũ cốc có xu hướng thấp hơn sau ngày 4 tháng 7 do thời tiết sẽ dịu hơn sau thời gian đỉnh điểm của mùa hè. Nếu trong thời gian tới, mưa được dự báo sẽ xuất hiện ở khu vực Midwest thì giá ngô sẽ khó vượt được mức 600.
Mở cửa sáng nay, giá ngô đang được giao dịch ở quanh mức 590 cent. Giá đang dao động trong dải trên của Bollinger Bands; MACD Histogram chuyển sang dương cho thấy xu hướng tăng vẫn sẽ được duy trì. Tuy nhiên kháng cự quanh 600 vẫn đang mạnh nên có thể trong phiên hôm nay giá ngô sẽ giằng co trong khoảng 580-600.

Giá lúa mì cũng giảm mạnh do số liệu bán hàng thất vọng của Mỹ tuần vừa qua trong bối cảnh xuất khẩu lúa mì Nga và Úc đều tăng lên. Bên cạnh đó, việc đồng Dollar tăng mạnh 7 phiên liên tiếp cũng khiến cho lúa mì CBOT kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới
Ở chiều ngược lại, nhu cầu lúa mì trong chế biến thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng lên khi ngành chăn nuôi thế giới đang hồi phục trở lại sẽ là yếu tố hỗ trợ giá lúa mì trong dài hạn.
Giá lúa mì sáng nay đang được giao dịch ở mức 668 cent/giạ và đang giằng co quanh đường SMA 20 ngày. MACD Histogram đang chuyển sang dương nhưng RSI vẫn đi ngang quanh mức 50 cho thấy các tín hiệu kĩ thuật chưa thể hiện tín hiệu đồng nhất. Trong phiên hôm nay, giá lúa mì có thể sẽ không có biến động quá bất ngờ mà chỉ dao động trong biên độ 665-685.
 
Giá cà phê có thể tiếp tục đi ngang trong phiên cuối tuần
Kết thúc phiên giao dịch 1/7, giá Cà phê hai sàn đồng loạt lao dốc. Giá Arabica kỳ hạn tháng 9 giảm phiên thứ 3 liên tiếp còn 156.4 cents/pound, giá Robusta cùng kỳ hạn cũng giảm nhẹ 0.23% còn 1701 USD/tấn.
Giá Cà phê tiếp tục suy yếu khi thị trường dường như đã hấp thụ hoàn toàn tác động từ các tin tức cơ bản. Hiện tượng sương giá được dự báo sẽ không lan rộng tới các khu vực trồng Arabica chủ lực của Brazil. Thu hoạch Cà phê năm nay của Brazil không bị ảnh hưởng do tình trạng hạn hán quá mức hoặc sương giá gần đây, tuy nhiên, sản lượng niên vụ 2022/23 sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động xuất khẩu Cà phê ở Colombia được dự báo sẽ trở lại trạng thái bình thường trong vòng 2 tháng tới cũng làm dịu đi mối lo về nguồn cung.
Đồng Real liên tiếp giảm giá trong những ngày gần đây khiến cho nông dân Brazil thúc đẩy tiến độ bán hàng. Lực bán của thị trường hôm qua rất mạnh, với khối lượng giao dịch Cà phê Arabica nhiều gấp đôi ngày 30/6. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, thị trường cũng phản ứng mạnh với các mốc kỹ thuật.
Đối với cà phê Arabica, giá có sự giằng co mạnh trong phiên với biên độ từ 154 – 165 cents/pound. Mốc 163 cents là một mốc kháng cự quan trọng, khi trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, giá đã 8 lần test mức này và phe mua đều thất bại trong việc giữ giá đóng cửa ở 163 cents. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cao gấp đôi hai phiên gần nhất cho thấy lực bán vẫn còn rất mạnh và có thể duy trì sang tới phiên hôm nay. Nếu phe bán chiếm ưu thế ngay từ đầu phiên, giá Arabica có thể giảm qua đường hỗ trợ EMA 20 (156 cents) và về test vùng hỗ trợ 150 cents/pound. Ngược lại, nếu phe mua duy trì được giá trên mức 156 cents, giá có thể dao động với biên độ như ngày hôm qua và củng cố cho xu thế đi ngang trong biên độ 156 – 160 cents/pound.

Ở thị trường Cà phê Robusta, dường như lực mua vào ở đầu phiên đẩy giá lên đến gần 1730 USD/tấn chỉ khiến cho lực chốt lời sau đó mạnh hơn và đẩy giá về tới 1690 USD. Tuy nhiên sau đó, phe mua vẫn cố gắng giữ giá trên 1700 USD nhằm củng cố triển vọng tăng giá của Cà phê Robusta, và khiến cho chênh lệch giá giữa hai sàn được thu hẹp lại. Trong phiên hôm nay có thể giá vẫn dao động trong khoảng 1670 – 1720 USD/tấn.
 
Kết quả cuộc họp tối này của OPEC+ sẽ không quá bất ngờ
Bất chấp bất đồng trong cuộc họp của OPEC+ ngày hôm qua, giá dầu tăng mạnh khi 2 thành viên chủ chốt Saudi Arabia và Nga đưa ra mức tăng khiêm tốn trong thời gian tới. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 2.4% lên 75.23 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.63% lên 75.84 USD/thùng.
Theo UAE và Kazakhstan, hạn ngạch cấp cho các nước này là thiếu công bằng, do đó họ yêu cầu được tăng sản lượng. 2 nước này cũng không đồng ý việc kéo dài cắt giảm sản lượng sau tháng 4/2022, do thời gian qua họ đã đầu tư để gia tăng sản lượng dầu. Việc hạn chế sản lượng xuất khẩu sẽ khiến cho thu nhập các nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Nếu xét về sản lượng dầu thô thì UAE năm 2020 đứng thứ 3 trong nhóm, ở mức 2.8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, khác với nước đứng đầu là Saudi với 60% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào dầu thô, con số này ở UAE là trên 20%, do đó nước này ưu tiên tăng sản lượng để tối đa thu nhập khi giá cao. UAE gần đây cũng đã tăng mạnh các dự án khí tự nhiên, do đó không chịu ảnh hưởng quá nhiều trong trường hợp giá dầu giảm. Đặc biệt khi tháng 3/2021, UAE đã ra mặt hợp đồng tương lai giao dịch tại sàn ICE, trở thành hợp đồng giao hàng thực thứ 2 trên sàn quốc tế, sau hợp đồng tương lai dầu Oman niêm yết trên Dubai Mercantile Exchange. Việc tự chủ sản lượng có ý nghĩa rất nhiều đối với tham vọng trở thành một trong những mức giá tham chiếu tiêu chuẩn của UAE.

Trong khi đó, đối với Saudi Arabia, khả năng Iran quay trở lại thị trường vẫn còn, trong khi nếu thỏa thuận cắt giảm chấm dứt vào tháng 4/2022 khiến cho tồn kho dư thừa và giá dầu giảm, kinh tế nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó nước này luôn thận trọng trong các chính sách gia tăng sản lượng.
Đây không phải lần đầu tiên UAE đối đầu với Saudi Arabia trong cuộc họp chính sách về thỏa thuận sản lượng. Trong cuộc họp tháng 12/2020, UAE cũng phản đối kế hoạch của OPEC cắt giảm sản lượng cho đến sau 2021. Trước cuộc họp đấy, thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ kéo dài mức cắt giảm sản ượng 7.7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3/2021. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp cuối cùng, OPEC+ tăng sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày từ tháng 1/2021. Cuộc họp lần này, có thể Saudi Arabia sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên, nếu xét đề nghị tăng sản lượng của UAE vẫn khá khiêm tốn, cho nên khả năng cao OPEC+ sẽ không đưa ra mức thay đổi quá lớn so với cuộc họp tối qua.
Về mặt kỹ thuật, hôm nay dầu thô đang giao động trong khoảng hẹp tuy nhiên vẫn trên mức 75 USD/thùng. Nếu hôm nay cuộc họp OPEC+ không có quá nhiều chuyển biến bất ngờ, giá có khả năng sẽ thiết lập khoảng giao dịch trên 75 USD/thùng trong tháng nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)