Giá ngô có thể sẽ dao động trong biên hẹp trước báo cáo Cung – cầu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/06, giá ngô giảm nhẹ 0.51% theo diễn biến chung của thị trường nông sản, về mức 679.25 cent/giạ. Mở cửa phiên sáng, ngô đã tạo gapup khá lớn theo đà tăng mạnh từ cuối tuần trước, nhưng lực bán kĩ thuật ở vùng 700 đã tạo sức ép và khiến giá quay đầu giảm. Giá lúa mì cũng giảm 1.13%, xuống mức 680.00 cent/giạ. Nếu thị trường tiếp tục biến động như hiện tại thì giá ngô sẽ có thể vượt lên giá lúa mì trong thời gian tới.
Trước báo cáo Cung- cầu được công bố vào thứ Năm tuần này, thị trường dự đoán sản lượng của Brazil sẽ giảm xuống 5-10 triệu tấn so với mức 102 triệu tấn trong báo cáo trước do ảnh hưởng của khô hạn kéo dài. Tuy nhiên, mức giảm này đã được phản ánh vào giá khi các hãng phân tích liên tục giảm mức dự báo sản lượng của nước này. Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo Export Inspections cho thấy giao hàng ngô của Mỹ tuần này chỉ đạt 1.4 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 2.1 triệu tấn trong tuần trước là yếu tố “bearish” góp phần vào đà giảm hôm qua của giá ngô.
Ở chiều ngược lại, rạng sáng nay, Bộ nông nghiệp Mỹ vừa công bố báo cáo Crop Progress cho thấy tiến độ nảy mầm của ngô đang khá tốt nhưng chất lượng cây trồng được đánh giá tốt trở lên lại giảm xuống 4% so với mức 76% tuần trước và thấp hơn mức dự đoán của thị trường. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá trong phiên hôm nay.
Mở cửa sáng nay, lực mua đang chiếm ưu thế khi giá ngô tăng lên mức 688 cent/giạ. Ở góc nhìn kĩ thuật, có thể trong 1-2 phiên tới, giá vẫn sẽ duy trì nền tích luỹ với biên dao động trong khoảng 680-700.

Gia lua mi

Giá lúa mì cũng giảm mạnh, lấp lại khoảng trống khi mở cửa đầu phiên. Mức giao hàng lúa mì giảm cho thấy nhu cầu đang chậm lại trong khi các hãng tư vấn đang tăng mức sản lượng dự báo của Nga và Australia do thời tiết thuận lợi ở các vùng gieo trồng chính của thế giới. Trước báo cáo Cung-cầu, giá lúa mì có thể cũng sẽ dao động biên 680-700. 
 
Thị trường kim loại quý có thể tiếp tục tăng trong phiên hôm nay
Trong một ngày mà thị trường hàng hoá ngập trong sắc đỏ, Bạc và Bạch kim là những mặt hàng hiếm hoi vẫn duy trì được sắc xanh trong phiên giao dịch hôm qua. Giá Bạc đóng cửa tăng 0.484% lên 28.018 USD/ounce, giá Bạch kim tăng 0.89% lên 1174.8 USD/ounce.
Việc Fed tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng như hiện tại, khi nền kinh tế vẫn chưa hồi phục tích cực như dự báo, khiến cho mối lo ngại về lạm phát vẫn tiếp diễn, thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển về thị trường kim loại quý. Minh chứng rõ rệt cho mối lo lạm phát là việc Chính phủ các nước và các quỹ tích cực mua vào vàng. Hội đồng Vàng thế giới cho biết, sau 3 tháng liên tiếp ở trạng thái bán ròng, các quỹ ETF Vàng trên thế giới đã mua vào 61.3 tấn vàng với tổng giá trị lên tới 3.4 tỷ USD. Trung Quốc cũng cho biết, nước này đã tăng khối lượng dự trữ vàng lên 10% so với năm ngoái. Giá Bạc và Bạch kim vẫn được dẫn dắt bởi giá Vàng nên được hưởng lợi rất lớn từ đà tăng giá này.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường tiền điện tử cũng sụt giảm trong đầu tuần, cùng với sự sụt giảm của hầu hết các loại hàng hoá cho thấy dòng vốn đang có sự dịch chuyển sang thị trường trú ẩn an toàn khi các nhà đầu tư nhận định giá đã lên quá cao. Đồng USD tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch hôm qua cũng là yếu tố hỗ trợ tốt cho giá của thị trường kim loại quý.

Trong phiên hôm nay, thị trường vắng bóng các tin tức cơ bản, giá kim loại quý được dự đoán sẽ không có biến động mạnh mà tiếp tục đi ngang.
Từ góc nhìn kỹ thuật, lực mua tốt trên trung bình đã đưa giá bạc quay trở lại vùng giá 28 USD/ounce, xu thế đi ngang trong biên độ 27.5 – 28.34 USD được hình thành ngày càng rõ rệt.
Giá bạc hiện đang đi ngang trong khung H1 ở vùng giá 28 - 28.1 USD, nếu giá có thể phá cản ở vùng này, Bạc sẽ test lại mức cản quan trọng 28.34 USD/ounce. Tuy nhiên khả năng giá bị bật lại do lực chốt lời ở mức cản kỹ thuật này khá cao do thiếu vắng tin tức cơ bản. Biên độ dao động dự tính trong hôm nay 27.8 – 28.3 USD/ounce.

Đối với Bạch kim, lực bắt đáy tốt ở vùng 1150 USD đã đưa giá quay về trên mức 1170 USD/ounce. Hôm nay giá Bạch kim cần vượt qua vùng cản 1180 USD để huống tới mốc 1200 USD/ounce đã bị phá vỡ vào cuối tháng trước. Các nhà đầu tư Bạch kim có thể gặp lực chốt lời lớn ở vùng giá 1200 USD này. Biên độ dao động dự tính trong hôm nay 1160 USD - 1200 USD/ounce.
 
Giá dầu giảm nhẹ, Thị trường chờ đợi báo cáo tối nay
Giá 2 mặt hàng dầu thô đều giảm nhẹ 0.56% trong phiên hôm qua sau khi giá dầu WTI chạm ngưỡng 70 USD/thùng trong buổi sáng. Tâm lý chốt lời kết hợp với việc thiếu thông tin cơ bản đủ mạnh để hỗ trợ khiến cho giá không thể lấy lại đà tăng trong phiên tối.

Giá dầu thô liên tiếp phá các mốc kháng cự trong tuần trước nhờ các nhận định tích cực từ cuộc họp hàng tháng của OPEC ngày 01/06. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường đã hấp thụ hết thông tin từ tuần trước và nhìn lại vào cán cân cung – cầu thực tế trong ngắn hạn: Mặc dù các công ty dầu đá phiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ hạn chế gia tăng sản lượng, tuy nhiên nhu cầu suy giảm tại châu Á do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua sẽ dẫn đến lượng cung gia tăng trong thời gian tới: Theo dữ liệu của Bloomberg, 5 tàu chở dầu với khoảng 6 triệu thùng dầu thô tại Biển Bắc vẫn đang trôi nổi ở các vịnh châu Âu thay vì dỡ hạ tại các kho chứa. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc vẫn đang chờ kết quả cấp phép hạn ngạch cho nửa cuối năm, do đó đang gia tăng nhập khẩu dầu nguyên liệu thay cho dầu thô.
Giá dầu vẫn được hỗ trợ khi lưu lượng giao thông tại các thành phố châu Âu đang quay về ngưỡng năm 2019, nối tiếp đà phục hồi tại Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi số ca nhiễm mới mỗi ngày đã giảm mạnh so với đầu tháng.

Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo RSI và MACD đều gợi ý giá có xu hướng giảm. Giá dầu WTI nhiều khả năng giá sẽ chỉ điều chỉnh trong khoảng 68-69.5 USD/thùng cho đến khi EIA phát hành Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tối nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)