Triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn dự kiến có thể sẽ tạo áp lực đến giá ngô sau các báo cáo tối nay
Giá ngô vẫn chỉ giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu trong phiên sáng nay. Thị trường diễn biến ảm đạm như xu hướng vài phiên vừa qua khi giới đầu tư đang chờ đợi các báo cáo quan trọng được phát hành vào 24h tối nay. Các số liệu này dự kiến sẽ tạo ra những biến động mạnh mẽ đối với giá ngô vì không chỉ triển vọng mùa vụ tại Nam Mỹ mà các ước tính về hoạt động sản xuất của Mỹ vài tháng vừa qua cũng có thể sẽ thay đổi.
Đối với báo cáo Cung – cầu tháng 1 này, cả diện tích và năng suất thực tế đều có khả năng sẽ thay đổi sau khi nông dân Mỹ đã hoàn thành giai đoạn thu hoạch. Số liệu phản ánh sự thay đổi kết hợp giữa 2 yếu tố trên là sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ. Tuy nhiên, tồn kho cuối niên vụ 22/23 lại được dự đoán sẽ tăng mạnh tới 57 triệu giạ lên mức 1314 triệu giạ. Quay trở lại báo cáo tháng 12, con số này cũng được USDA điều chỉnh tăng do triển vọng xuất khẩu ngô Mỹ kém hơn. Với 4 báo cáo Export Sales gần đây, tình hình xuất khẩu trong tháng 12 thậm chí còn kém hơn khi khối lượng ngô Mỹ lên tàu thông quan và vận chuyển ra thế giới chỉ đạt trung bình chưa tới 700,000 tấn/tuần, thấp hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Đây cũng không phải con số khả quan, đặc biệt là trong giai đoạn mà nguồn cung sẵn có của Mỹ đang có ưu thế hơn. Trong báo cáo tháng 1 năm ngoái, bối cảnh nguồn cung ngô tại Mỹ cũng có sự tương đồng khi mùa vụ ngô đã trải qua hạn hán. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, xu hướng sản lượng thường không thiệt hại như ước tính, trong khi USDA cũng cắt giảm triển vọng xuất khẩu của Mỹ. Nguồn cung nới lỏng trong khi xuất khẩu kém hơn sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá trong phiên tối nay.
Đối với mùa vụ Nam Mỹ, thị trường dự đoán sản lượng sẽ bị cắt giảm 3 triệu tấn trong báo cáo này. Tuy nhiên, USDA thường sẽ không mạnh tay cắt giảm do mùa vụ vẫn đang được gieo trồng và tương tự như năm ngoái, mô hình thời tiết La Nina cũng gây ra hạn hán đối với Argentina nhưng sản lượng dự báo chỉ giảm 0.5 triệu tấn nên đây cũng có thể là yếu tố “bearish” tiềm ẩn đối với giá ngô.

Thông tin cơ bản tiếp tục diễn biến theo hướng “bearish”, giá Arabica khả năng cao sẽ tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/01, hai mặt hàng cà phê tiếp tục đà suy yếu. Triển vọng nguồn cung tích cực trong năm 2023 của Brazil đã gây sức ép khiến giá Arabica giảm phiên thứ 9 liên tiếp và chạm mức thấp nhất trong 20 tháng. Với Robusta, mưa đã ngưng tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, giúp hoạt động thu hoạch và sản xuất được trở lại bình thường, giúp nguồn cung được đảm bảo trong thời gian tới và gây sức ép lên giá.
Những dự báo tích cực hơn về nguồn cung cà phê trong năm 2023 của Brazil bắt đầu trở lại sau lượng mưa tốt xuất hiện tại Minas Gerais, vùng chiếm đến 30% sản lượng của quốc gia này. Theo đó, nhà nhập khẩu cà phê Wolthers Douque dự đoán niên vụ 2022/23 của quốc gia cung ứng số 1 thế giới có thể đạt 65 triệu bao cà phê loại 60kg, tăng 16% so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết được cải thiện. Nguồn cung nới lỏng sẽ giúp Brazil bù đắp những thiếu hụt do 2 năm mất mùa trước đó gây ra, cùng với lo ngại suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu thụ Arabica không mấy khả quan, đây sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá mặt hàng này trong thời gian tới.
Về mặt thời tiết, mưa đựơc dự đoán sẽ tiếp diễn tại khu vực Đông Nam của Brazil trong 10 ngày tới nhưng lượng mưa sẽ ít hơn. Điều này là khá phù hợp với tình hình mùa vụ hiện tại của Brazil. Sau lượng mưa lớn trong giai đoạn vừa qua, lượng mưa được điều chỉnh ít hơn trong thời gian tới sẽ vẫn đảm bảo đủ ẩm để cây trồng phát triển trong thời gian tới. Yếu tố này cũng góp phần khiến giá Arabica có thể tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay. 

Giá đồng nhiều khả năng sẽ gặp áp lực sau dữ liệu cho thấy sức sản xuất tại Trung Quốc vẫn còn yếu
Sau chuỗi tăng mạnh 5 phiên liên tiếp, giá đồng đang bắt đầu có tín hiệu hạ nhiệt trở lại trong sáng ngày giao dịch hôm nay. Nhiều khả năng đà giảm sẽ còn tiếp tục, sau dữ liệu lạm phát tại Trung Quốc phản ánh sức sản xuất yếu, bởi sự bùng phát của dịch bệnh gây ra nhiều gián đoạn.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất đã giảm 0.7% trong tháng 12 so với một năm trước đó sau khi giảm 1.3% trong tháng trước. Con số này cao hơn ước tính giảm -0.3% của các chuyên gia kinh tế. Điều này phản ánh những thiệt hại nhất định về nhu cầu công nghiệp trong tháng 12 do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Ngoài ra, các đơn đặt hàng mới trong tháng 12/2022 đều giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022 khi mà Thượng Hải tiến hành phong tỏa toàn thành phố. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tăng 1.8% so với mức tăng 1.6% trong tháng 11, phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang dần có dấu hiệu tích cực hơn. Xét về dài hạn, Trung Quốc sẽ có đủ không gian cho việc kích thích kinh tế với mức lạm phát này, và điều đó vẫn sẽ tạo ra xu hướng phục hồi mạnh mẽ cho giá đồng.
Trong phiên tối nay, giá đồng sẽ phản ứng mạnh với tin tức lạm phát quan trọng của Mỹ. Từ giờ tới trước báo cáo, nhiều khả năng giá sẽ gặp áp lực chốt lời sau đà tăng mạnh cùng tin tức tiêu cực về mức giảm phát trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Còn tối nay, thị trường đang kỳ vọng chỉ số CPI Mỹ tháng 12 sẽ tăng với tốc độ 6.5%, thấp hơn con số 7.1% vào tháng trước. Trong trường hợp CPI bằng hoặc thấp hơn ngưỡng này, niềm tin Fed nhẹ tay thắt chặt tiền tệ có thế khiến đồng USD suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng tăng trở lại. 

Giá dầu có thể tăng khi số liệu lạm phát tích cực làm giảm bớt áp lực từ chính sách tiền tệ
Giá dầu WTI dao động lình xình xung quanh mức tham chiếu khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các số liệu lạm phát của Mỹ.
Trong sáng nay, Trung Quốc đã công bố số liệu lạm phát tháng 12 với chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) không đổi so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn 1.8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 ghi nhận mức giảm nhẹ 0.7% so với năm ngoái.
Trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới lo ngại về lạm phát, nỗi lo của nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu lại về nguy cơ giảm phát. Không chỉ PPI giảm và CPI hầu như không tăng trưởng, Theo China Beige Book International, áp lực giảm phát ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn trong quý IV khi nền kinh tế suy thoái, với tốc độ tăng giá có thể sẽ giảm ngay cả khi nền kinh tế phục hồi vào cuối năm nay. Các công ty ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất về tiền lương và chi phí đầu vào trong ba tháng cuối năm 2022 kể từ giữa năm 2020. Tăng trưởng giá bán cũng chậm lại ở mức tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2020.
Các số liệu có thể gây sức ép lên giá dầu trong phiên sáng bởi lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc khi cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều kém. Tuy nhiên, lạm phát thấp sẽ giúp cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có nhiều “dư địa” để thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong trung và dài hạn.
Giá hàng hóa - và đặc biệt là dầu thô - sẽ xoay quanh việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau lễ đón Tết Nguyên đán vào cuối tháng này, theo Goldman Sachs Group Inc.
Jeff Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của ngân hàng Goldman Sachs cho biết dầu Brent có thể đạt 110 USD/thùng vào quý III nếu Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác mở cửa trở lại hoàn toàn.
Một rủi ro khác về phía nguồn cung đến từ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Bộ Tài chính Mỹ lo ngại các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu lên tới 2 - 3 triệu thùng/ngày và khiến giá dầu tăng vọt trên 100 USD/thùng. Các quan chức thậm chí còn lo lắng rằng giá cao hơn với sản lượng thấp hơn có thể sẽ mang lại lợi ích cho Nga trong khi đẩy phần còn lại của thế giới vào suy thoái.
Giá dầu hiện đang giảm nhưng có thể sẽ phục hồi vào phiên tối nếu số liệu lạm phát của Mỹ cũng tích cực như của Trung Quốc, và sẽ càng củng cố cho việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất về 25 điểm cơ bản.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)