Số liệu bán hàng đậu tương trong báo cáo Export Sales tối nay có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/05, giá đậu tương đang hồi phục sau 1 phiên suy yếu và quay trở lại đà tăng mạnh. Như chúng tôi đã dự đoán, vùng 1655 – 1660 đã đóng vai trò là hỗ trợ và đẩy giá tăng trở lại sau nhịp điều chỉnh ngắn hôm qua. Trong giai đoạn thiếu vắng thông tin cơ bản mới này, giá đậu tương có khả năng sẽ nhạy cảm hơn với các vùng giá kĩ thuật quan trọng. Và với triển vọng chưa rõ ràng đối với nguồn cung ở Mỹ, chúng tôi cho rằng giá đậu tương có khả năng vẫn sẽ duy trì xu hướng sideway hiện tại và hướng lên vùng chặn trên 1725 trong vài phiên tới.
Trong phiên tối nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Export Sales. Thị trường đang kỳ vọng bán hàng đậu tương trong tuần vừa rồi sẽ tăng mạnh so với mức 143,000 tấn trong báo cáo trước. Trong tuần từ 06/05 – 12/05, chỉ có 1 ngày duy nhất xuất hiện báo coá Daily Export Sales với khối lượng hơn 1 triệu tấn đậu tương được bán cho Trung Quốc. Mặc dù các đơn hàng lớn không còn xuất hiện với tần suất lớn như giai đoạn trước nhưng điều này khiến cho kỳ vọng của thị trường cũng khá hợp lí. Và nếu số liệu bán hàng tối nay vượt lên trên mức 500,000 tấn thì có thể sẽ tác động “bullish” tới giá đậu tương. Trung Quốc có thể mở cửa trở lại nhờ các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đang dần trở nên hiệu quả hơn. Với mục tiêu Thượng Hải sẽ mở cửa trở lại vào 01/06, nhu cầu nhập khẩu đậu tương và ép dầu phục vụ cho mục đích chăn nuôi có khả năng sẽ phục hồi trở lại. Những số liệu xuất khẩu tích cực hơn của Brazil cũng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thế giới đang tăng trở lại trong tháng 5 này. Chính vì thế, trong thời gian tới, các số liệu bán hàng của Mỹ có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Dưới góc nhìn kĩ thuật, giá đậu tương đã biến động theo các nhịp tăng, giảm xen kẽ nhau trong khoảng 1580 - 1725. Sau phiên điều chỉnh hôm qua, có thể lực mua sẽ giúp giá quay trở lại đà tăng.

Đà giảm của các mặt hàng cà phê nhiều khả năng vẫn còn duy trì đến hết tuần
Cả 2 mặt hàng cà phê đã đồng loạt suy yếu khi kết thúc phiên giao dịch 18/05, đúng như các dự đoán trước đó. Rõ ràng thị trường đã phản ứng quá mức trước các lo ngại về sương giá, và khi ảnh hưởng của thời tiết đến mùa vụ là không đáng kể, giá đã quay đầu giảm rất mạnh, đặc biệt là Arabica.
Tạm thời bỏ qua các yếu tố về mùa vụ, giá cà phê cũng đang bị tác động nhiều bởi tình hình kinh tế thế giới. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, lạm phát tại đây đã tăng lên đến 9% trong tháng 04, từ mức 7% trong tháng trước đó. Mặc dù thấp hơn so với mức dự đoán 9.1%, nhưng đây cũng là mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán của các nước phương Tây cũng đang giảm mạnh trong hôm nay, theo sau cú sập của thị trường Mỹ trong ngày hôm qua. Các yếu tố này thường tác động rất tiêu cực đến giá cà phê và nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục giảm trong hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, giá Arabica hình thành mô hình engulfing ở vùng kháng cự quan trọng. Giá đang giằng co ở đường SMA20 của dải Bollinger hướng xuống, và có thể hướng tới cạnh dưới trong phiên hôm nay ở quanh vùng giá 210 cents.
Đối với Robusta, sản lượng và xuất khẩu của Uganda đang được Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo ở mức cao kỷ lục trong năm nay, lần lượt là 6.65 triệu bao (loại 60kg) và 6.52 triệu bao, nhờ thời tiết thuận lợi. Đây là một trong 4 quốc gia xuất khẩu Robusta hàng đầu thế giới, bên cạnh Việt Nam, Brazil và Indonesia. Vì thế, giá Robusta nhiều khả năng cũng sẽ suy yếu trong tuần này và có thể hướng về vùng hỗ trợ tâm lý 2000 USD.

Giá đồng khó thoát khỏi vùng đi ngang từ đầu tháng 5 do vắng bóng những thông tin đột phá
Trong phiên giao dịch 19/05, giá đồng đang có xu hướng tăng trở lại sau những tin tức có phần tích cực tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giá vẫn dao động trong vùng 4.08 – 4.24 USD/pound từ đầu tháng 5 tới nay và có thể sẽ chưa có sự bứt phá trong các phiên giao dịch sắp tới.
Các hoạt động tại cảng Thượng Hải đang nỗ lực nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy trước đó vì đại dịch. Theo khảo sát từ thị trường kim loại Thượng Hải, thời gian chuyển đổi hóa đơn dần dần được bình thường hóa, các chứng từ trong ngân hàng và chuyển phát nhanh được thông suốt, người mua sẵn sàng lấy hàng và nhu cầu đang dần được cải thiện. Thêm vào đó, Hải quan Thượng Hải đã đề xuất thêm 12 biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và tiếp tục sản xuất, đảm bảo sự an toàn và ổn định của chuỗi cung ứng. Sản lượng container hàng ngày tại các cảng phục hồi 90% so với mức của một năm trước. Công tác hậu cần thông suốt sẽ đem lại sự tích cực cho nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng kim loại là đầu vào cho ngành sản xuất.
Theo Reuters, doanh số bán xe tại Trung Quốc đã tăng 27% trong nửa đầu tháng 5 so với cùng kỳ tháng 4, một tín hiệu tích cực đối với thị trường đồng vốn là nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất ô tô. Ngoài ra, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào hôm qua đã khẳng định Trung Quốc vẫn còn đủ dư địa chính sách để giúp vực dậy nền kinh tế, và yêu cầu các địa phương “hành động dứt khoát” nhằm đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Tin tức này cũng đã đem lại cái nhìn lạc quan hơn đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc sớm được phục hồi.
Về mặt kỹ thuật, giá đồng nhiều khả năng sẽ test lại mức kháng cự 4.24 USD/pound trong tuần này. Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc vẫn chưa có dấu diệu giúp giá đồng bứt phá, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang đe doạ các quốc gia trên thế giới. Giá đồng khó có thể thoát khỏi xu hướng đi ngang trong các phiên sắp tới. Các nhà đầu tư có thể đợi giá đồng xác nhận tại mức giá 4.19 USD/pound trước khi vào vị thế.

Giá dầu tiếp tục lên xuống thất thường trong các khoảng giao dịch hẹp
Giá dầu lại tiếp tục tăng trong phiên sáng 19/05, cho thấy sự thất thường của thị trường trong giai đoạn có nhiều tin tức trái chiều. Ngày hôm nay, hợp đồng dầu WTI tháng 7 (mã CLM) đang là hợp đồng có khối lượng giao dịch vượt trội so với các hợp đồng khác, do ngày mai 20/05 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tháng 6. Khi chuyển tháng, các nhà đầu tư vẫn có thể giữ nguyên các nhận định xu hướng về mặt phân tích cơ bản, nhưng các mốc giá hỗ trợ và kháng cự sẽ có sự thay đổi khá nhiều do tính chất của hợp đồng kỳ hạn. Đối với WTI tháng 7, kháng cự đang ở vùng 113 USD/thùng và hỗ trợ gần nhất vẫn là vùng 100 USD/thùng. Giá có đường trendline tăng điểm từ đầu năm và sẽ xuất hiện lực hỗ trợ rất mạnh nếu giá quay trở lại vùng 100 USD/thùng.
Theo nhận định của chúng tôi, kịch bản giá dầu giảm sâu về 100 USD cũng khó có thể xảy ra trong ít nhất 1 tuần tới, bởi các thông tin trên thị trường đang thiên nhiều hơn về “bullish”. Việc giá giảm trong vài ngày qua, chủ yếu do không đủ lực để vượt lên trên các kháng cự kĩ thuật quan trọng, chứ không phải do có sự thay đổi đặc biệt nào về cán cân cung – cầu trong trung và dài hạn. Tồn kho dầu tại Mỹ giảm, giá xăng vẫn neo ở các mức cao, cùng với khả năng EU sẽ thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong tháng 5 này đang là các yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Ở chiều ngược lại, câu chuyện xoay quanh chính sách “zero Covid” của Trung Quốc càng kéo dài thì càng “bearish” đối với thị trường. Cứ sau một vài thông tin tích cực, thị trường lại đón nhận các tin tức xấu hơn về dịch bệnh tại quốc gia này. Vì thế, thị trường sẽ chỉ thực sự phản ứng tích cực khi Trung Quốc hoàn toàn dỡ bỏ các lệnh phong tỏa tại các trung tâm kinh tế và cảng biển lớn. Còn nếu vẫn chỉ dừng lại ở mức tuyên bố, kế hoạch hay kỳ vọng, thị trường sẽ bỏ qua thông tin này.
Trong vài ngày gần đây, chủ đề triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu đang thu hút được nhiều sự quan tâm và chú ý hơn. Đương nhiên, triển vọng này sẽ gắn liền với xu hướng của giá dầu, nhiên liệu của mọi nền kinh tế, mọi hoạt động sản xuất. Bỏ qua yếu tố cung – cầu vốn khó xảy ra đột phá, các chỉ số kinh tế vĩ mô cùng với chính sách tiền tệ của Mỹ có thể sẽ có tác động đáng kể lên giá dầu trong vài tuần tới. Ngoài ra, sự mạnh lên hay yếu đi của đồng Dollar cũng sẽ có ảnh hưởng ngược chiều lên giá dầu. Với các tin tức hiện tại, có vẻ như tâm lý lo ngại đang áp đảo hơn và đây sẽ là thông tin “bearish” chính đối với thị trường trong thời gian tới.
Với sự cân bằng giữa động lực mua và động lực bán, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục chứng kiến các phiên tăng, giảm xen kẽ và chỉ giao dịch ở trong khoảng 104 – 110 USD/thùng đối với dầu WTI tháng 7 và khoảng 106 – 112 USD/thùng đối với dầu Brent tháng 7 trong hôm nay và ngày mai.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV